Phát mại tài sản thế chấp: Khâu khó nào cần Chính phủ tháo gỡ?

Theo Thời báo Ngân hàng

Cái khó nhất trong phát mại tài sản là thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý, kể từ lúc ngân hàng kiện ra tòa, cho đến khi tài sản được bán đấu giá thành công, thường bị kéo dài khá lâu.

Phát mại tài sản thế chấp: Khâu khó nào cần Chính phủ tháo gỡ?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thực tế cho thấy, thách thức đầu tiên mà ngân hàng thương mại phải đối mặt là sự bất hợp tác của “con nợ xấu” với tài sản thế chấp là bất động sản (BĐS).

Năm 2013, ngành Ngân hàng xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là xử lý nợ xấu. Tầm mức của vấn đề nợ xấu cũng đã được Chính phủ nêu rõ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013, với yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước phải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, rà soát đánh giá lại nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, đối tượng vay vốn và theo các loại tài sản đảm bảo, nợ xấu trong BĐS, nợ xây dựng cơ bản… và đánh giá thực trạng tài sản đảm bảo, nguồn gốc pháp lý, giá trị thị trường, khả năng thanh khoản của các tài sản này để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại nợ xấu”.

Có thể nói cho đến nay, thế chấp tài sản, chủ yếu là BĐS, vẫn là đặc điểm lớn nhất của tín dụng ngân hàng Việt Nam. Một thống kê được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra, là vào thời điểm cuối tháng 10/2012, dư nợ có tài sản đảm bảo bằng BĐS khoảng 1,24 triệu tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng dư nợ tín dụng cả nước.

Vì thế, xử lý nợ xấu gắn liền với việc xử lý tài sản thế chấp của khoản nợ xấu đó và thường là BĐS. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, chỉ riêng tổng dư nợ cho vay BĐS khoảng 207.595 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm tỷ trọng 13,5% (bằng khoảng 28.000 tỷ đồng), đã là một khó khăn không dễ giải quyết nhanh.

Vài con số nêu trên, được dẫn ra cốt là để tiện hình dung về thực trạng và quy mô của nợ xấu, cũng như nợ xấu BĐS. Cần nhớ, những số liệu đó thống kê được vào thời điểm cuối tháng 10/2012. Do tín dụng được vận hành liên tục, giải quyết nợ xấu cũng được thực hiện thường xuyên, nên thực trạng và quy mô nợ xấu vào thời điểm hiện nay có thể đã khác.

Chẳng hạn, tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến 22/1/2013, nợ xấu còn chiếm khoảng 5,5% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, trong khi vào thời điểm tháng 11/2012, tỷ lệ này là 6,22%. Trong thời gian qua, việc xử lý nợ xấu đạt tiến độ khá nhanh, phần nhiều là do các ngân hàng thương mại sử dụng các giải pháp kỹ thuật nghiệp vụ là chính.

Nêu thực tế vấn đề như thế để nói rằng dư địa cho những giải pháp kỹ thuật hay nội bộ sẽ ngày một thu hẹp, để sẽ đến giải pháp cuối cùng là phát mại tài sản, hoặc bán nợ, mới có thể làm sạch bảng tổng kết tài sản. Trong khi Đề án thành lập Công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu còn chờ phê duyệt, các ngân hàng thương mại cũng đã và đang tiến hành giải pháp phát mại tài sản để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, cái khó nhất trong phát mại tài sản là thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý, kể từ lúc ngân hàng kiện ra tòa, cho đến khi tài sản được bán đấu giá thành công, thường bị kéo dài khá lâu. Thực tế cho thấy, thách thức đầu tiên mà ngân hàng thương mại phải đối mặt là sự bất hợp tác của “con nợ xấu” với tài sản thế chấp là BĐS.

Biểu hiện phổ biến là sự chây ỳ, cố tình kéo dài thời gian thực hiện thủ tục ký chuyển quyền sở hữu tài sản thế chấp cho chủ nợ. Vì thế để tòa án mở được phiên tòa xử thành công án phát mại tài sản thường mất khá nhiều thời gian. Kế đến là việc định giá tài sản và đưa qua tổ chức bán đấu giá. Đây cũng là khâu chiếm nhiều thời gian cho các bước thủ tục như đăng báo thông tin, chọn địa điểm, tiếp nhận đối tượng tham gia…

Tóm lại là có khi một khoản nợ xấu có tài sản thế chấp là BĐS, dù có “nguồn gốc pháp lý, giá trị thị trường, khả năng thanh khoản” đều tốt, nhưng phải mất vài năm mới xử lý phát mại xong.

Nguyên nhân của sự chậm trễ đến mức gây hại này thường không phải do phía các ngân hàng thương mại, cũng không do thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết, mà là do cách thức xử lý của các chủ thể ngoài ngân hàng. Đó có phần là con nợ, như nói trên; có cả sự chậm trễ đến từ phía các cơ quan công quyền trong việc thực hiện các bước thủ tục. Cho nên có thể nói, trong phát mại BĐS thu nợ, thời gian kéo dài là khâu khó khăn nhất, gây thêm nhiều thiệt hại nhất mà ngân hàng thực sự cần sự hỗ trợ tháo gỡ của Chính phủ.

Nhiều ý kiến cho rằng cùng với Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013, Chính phủ nên có thêm một văn bản chế định mang tính luật pháp thi hành, không để chậm trễ trong các bước thực hiện thủ tục phát mại… Được thế chủ trương chính sách xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ được thực hiện nhanh hơn, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội tốt hơn.