Phạt nặng tài chính lẫn xử lý hình sự
Cách đây 4 năm, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy có tới 17,1% số người chết do tai nạn giao thông vì lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn, trên tổng số 3,3 triệu lượt tử vong bởi rượu, bia gây nên. Con số này thực sự gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia trong việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn với người tham gia giao thông.
Mỹ: Quy định nghiêm khắc
Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 - 30%, giảm khả năng điều khiển tự chủ, dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông.
Nhận thức rõ tính chất nghiêm trọng khi lái xe dưới tác động của rượu (DUI), Mỹ đã áp dụng hàng loạt điều luật cực kì khắt khe với các vi phạm liên quan.
Với đặc thù là quốc gia có nhiều bang, song về cơ bản, các bang đều áp dụng mức xử phạt tương đương nhau. Khung hình phạt khá đa dạng và nghiêm khắc theo cấp độ tăng dần. Chẳng hạn, khi cảnh sát kiểm tra, nếu người được yêu cầu không hợp tác sẽ bị khép vào tội vi phạm DUI.
Trong quá trình kiểm tra, nếu nồng độ cồn trong máu từ 0,8% trở lên, lái xe vi phạm lần đầu sẽ bị phạt tiền từ 300 đến 1.000 USD, thanh toán một khoản tương tự cho chi phí thử, đồng thời phải trả 300 - 500 USD tiền chở xe về nơi cất giữ kèm theo khoản phí trông giữ cũng như phí lấy xe ra. Ngoài các chi phí kể trên, nếu vi phạm lần thứ hai, mức phạt sẽ lên đến 15.000 USD.
Bên cạnh đó, đối tượng bị xử phạt còn phải tham gia học khóa ý thức tham gia giao thông và phải qua các kỳ thi khắt khe. Nếu vi phạm lần đầu, trong 5 năm, người mắc lỗi bị buộc phải gắn thiết bị kiểm soát nồng độ cồn tích hợp vào bảng điều khiển của xe hơi với mức chi phí khá “đắng lòng”: từ 730 - 2.800 USD. Với một số bang, thậm chí người phạm lỗi phải tham gia lao động công ích.
Không chỉ đánh vào tài chính, những người phạm DUI còn phải chịu nhiều hình thức xử lý hình sự khác. Theo luật của nhiều bang, lái xe phạm DUI lần đầu có thể bị giam 1 tuần, lần thứ hai là 1 tháng. Với những đối tượng tái phạm lần thứ 3, có thể bị giam ít nhất 120 ngày và bị coi là tội phạm, bị tước một số quyền công dân cơ bản như bầu cử… Đồng thời, các chi phí kể trên sẽ đội lên rất nhiều lần.
Nếu tái phạm DUI nhiều lần nguy cơ bị sa thải rất cao, bởi xã hội Mỹ rất coi trọng ý thức tham gia giao thông, bảo vệ tính mạng của chính mình và những người xung quanh. Pháp luật Mỹ cũng bình đẳng với mọi công dân. Nhiều ngôi sao nổi tiếng như Paris Hilton, Lindsay Lohan hay Britney Spears đã phải đối mặt với mức án nghiêm minh khi vi phạm DUI.
Thụy Điển: Đề cao ý thức của người dân
Được đánh giá là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ trên thế giới, Thụy Điển cũng “mạnh tay” trong xử lý các “ma men” lái xe. Chính phủ nước này đã tiến hành cả một chiến lược quốc gia mang tên “Vision ZERO”.
Trong đó, việc triển khai gắn thiết bị Alcolock (một dạng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn) trên các phương tiện giao thông được coi là giải pháp chiến lược để đối phó với tình trạng người lái xe uống rượu.
Thiết bị này yêu cầu chủ phương tiện phải thổi hơi để phân tích, nếu ở mức cho phép mới được khởi động xe. Để hạn chế tình trạng mất kiểm soát khi lái xe do sử dụng rượu bia, Thụy Điển còn hạ mức nồng độ cồn trong máu của tài xế từ 0,5% xuống còn 0,2% cách đây 20 năm.
Cảnh sát nước này còn thành lập các đội đặc nhiệm chuyên theo dõi các tài xế từng có hành vi say xỉn. Nhằm răn đe, cảnh báo, lực lượng chuyên trách sẽ cho xe tuần tra đỗ ngay trước nhà đối tượng hoặc có thể dừng xe của họ để kiểm tra bất cứ lúc nào.
Riêng với những tài xế không vượt qua nổi sự cám dỗ của “ma men” khi lái xe, nếu tái phạm, họ sẽ được đưa vào tới trung tâm cai rượu bắt buộc và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt nặng nhất là tịch thu xe. Những chiếc xe bị tịch thu sẽ được bán đấu giá để thực hiện các chương trình cai rượu cộng đồng.
Bên cạnh luật pháp nghiêm minh, ý thức của người Thụy Điển khi tham gia giao thông, nói “không” với bia, rượu là rất lớn. Đến với Thủ đô Stockholm, khó bắt gặp cảnh thực khách từ nhà hàng, quán bar, hộp đêm ngồi sau tay lái, khi họ đã có những bữa tiệc linh đình trước đó.
Nhiều nhà hàng ở đất nước thanh bình này cũng hợp tác với chính quyền bằng cách cung cấp đồ uống không cồn miễn phí cho những người phải cầm lái. Mới đây, ngày 13.8, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Thụy Điển Aida Hadzialic đã bị bắt quả tang lái xe sau khi uống rượu.
Dù đã “chờ 4 tiếng đồng hồ sau khi uống rượu mới khởi hành” và nồng độ cồn đo được chỉ đạt mức 0,2 gram/lít máu, song tự nhận thấy “việc làm của mình là thực sự nghiêm trọng”, nữ bộ trưởng trẻ nhất trong nội các của Thủ tướng Stefan Lofven đã tự đệ đơn xin từ chức. Điều đó cho thấy, ý thức khi tham gia giao thông, hạn chế không bia, rượu ở mỗi công dân nước này thực sự đáng học hỏi.