Kinh nghiệm giao thông ở các nước:

Đèn vàng - phạt hay không phạt?

Theo daibieunhandan.vn

Ban đầu, hệ thống đèn giao thông trên thế giới chỉ có hai màu xanh - đỏ. Song điều này đã dẫn đến một số bất tiện và “đèn vàng” đã ra đời. Hiện nay, hầu hết những nước có giao thông phát triển đều quy định đèn vàng phải dừng lại và nhiều nước có quy định xử phạt đối với hành vi vượt đèn vàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nguồn gốc của “đèn vàng”

Quy định tín hiệu màu sắc giao thông hiện nay bắt nguồn từ hệ thống dùng trong ngành công nghiệp đường sắt vào những năm 1830. Theo đó, màu đỏ được chọn để biểu thị tín hiệu dừng lại, màu trắng cho phép đi tiếp và màu xanh lá để cảnh báo, thận trọng hơn.

Tuy nhiên, việc dùng màu trắng để ra hiệu cho phép được đi tiếp lại xuất hiện nhiều vấn đề. Điển hình như một vụ tai nạn xảy ra năm 1914, nguyên nhân là do chiếc kính lọc màu đỏ đã bị rơi ra ngoài và để lộ ra bóng đèn màu trắng bên trong.

Khi đó, người điều khiển đèn vẫn nghĩ là hệ thống đèn hoạt động bình thường, trong khi người lái tàu lại nhìn thấy màu trắng và nghĩ là mình có thể đi tiếp. Kết quả là, đoàn tàu đã đâm vào toa xe lửa phía trước.

Trước tình hình đó, ngành đường sắt quyết định chuyển màu xanh lá thành tín hiệu “có thể đi” và màu vàng được chọn để ra hiệu cảnh báo cẩn thận. Ngành đường sắt cho rằng, 3 màu đỏ, vàng, xanh hoàn toàn khác nhau và có thể dễ dàng phân biệt bằng mắt thường.

Vào năm 1865, tại London, Anh, một kỹ sư và nhà quản lý đường sắt tên là John Peake Knight, người có vai trò quan trọng trong việc thiết kế hệ thống đường sắt tại Anh, đã đến sở cảnh sát London và đề xuất ý tưởng dùng hệ thống trụ đèn tín hiệu trên đường ray xe lửa (semaphore) để trang bị cho đường giao thông bình thường.

Sau đó, năm 1868, hệ thống đèn được lắp đặt bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London với hai màu: Xanh và đỏ, được đốt bằng khí ga. Nhưng chỉ sau một thời gian sử dụng, do độ an toàn không cao và điều khiển bằng tay nên hệ thống đèn này đã phát nổ, do đó nó không được tái thiết kế.

Năm 1912, một người Mỹ có tên là Lester Wire, làm việc tại thành phố Salk Lake, bang Utah đã hồi sinh ý tưởng đó. Trước tình trạng giao thông phức tạp, năm 1914, giới chức bang Ohio đã quyết định lắp đặt hệ thống đèn điều khiển giao thông đầu tiên tại góc phố East 105th và đại lộ Euclid, thuộc thành phố Cleveland.

Tuy nhiên, chỉ với 2 màu xanh và đỏ, hệ thống đèn này đã gây một số bất tiện khi các phương tiện giao thông chuẩn bị chuyển trạng thái. Cảnh sát giao thông đã phải làm việc hết sức vất vả, họ vừa phải điều khiển hệ thống đèn này bằng tay, vừa phải bấm một còi hú để báo hiệu cho các lái xe biết trước khi chuyển đèn.

Để khắc phục tình trạng đó, đến năm 1920, một cảnh sát Mỹ có tên là William Potts đã phát minh ra hệ thống đèn điều khiển giao thông mới với 3 màu: Xanh, đỏ và vàng. Trong đó, màu vàng dành để báo hiệu cho các xe chuẩn bị chuyển trạng thái.

Hệ thống đèn đầu tiên loại này được lắp đặt tại góc đại lộ Woodward và Michigan ở Detroit cùng năm đó. Mặc dù hồi đó, hệ thống này vẫn được điều khiển hoàn toàn bằng tay, nhưng nó là cơ sở cho hệ thống đèn tự động 3 màu ngày nay.

Đèn vàng: Tại sao phải dừng lại?

Đèn vàng là đèn báo hiệu sự chuyển tiếp trạng thái di chuyển của các phương tiện giao thông, nhằm dành thời gian cho các phương tiện chuẩn bị, tránh xung đột giao thông và gây tai nạn bất ngờ.

Do đó ở hầu hết các nước có hệ thống giao thông phát triển đều quy định: Đèn vàng phải dừng lại trừ trường hợp việc dừng lại có thể gây bất tiện cho các phương tiện khác.

Bang Queensland, Australia giải thích rõ ràng: “Đèn vàng không phải điểm cuối của đèn xanh, mà là điểm bắt đầu của đèn đỏ”. Vì là điểm bắt đầu của đèn đỏ, nên đương nhiên tài xế khi nhìn thấy đèn vàng phải chủ động dừng lại.

Tuy nhiên, vì tính chất đặc biệt của khoảng thời gian chuyển tiếp xanh - đỏ mà có ngoại lệ. Đó là nếu cảm thấy dừng xe mất an toàn cho các phương tiện phía sau, thì tài xế được quyền chạy tiếp qua đèn vàng.

Trường hợp “mất an toàn” được lấy ví dụ cho một trường hợp cụ thể là chạy tới quá gần vạch dừng xe. Mức phạt cho tài xế không dừng xe khi thấy đèn vàng là khoảng 330 USD, cũng là số tiền tài xế phải nộp nếu không dừng xe khi đèn đỏ.

Tại California, Mỹ, đèn vàng được giải thích gọn gàng là “đèn khi chuyển từ xanh sang vàng tức muốn nói hãy cẩn thận, sắp có đèn đỏ. Lúc này, hãy dừng lại nếu an toàn. Nếu không thể dừng an toàn, hãy vượt qua nơi giao nhau một cách cẩn trọng”.

Những chuyên trang về giao thông của nước này cũng giải thích, đèn vàng có nghĩa là “Hãy cẩn thận”, chứ không có nghĩa là “Hãy nhanh lên”. Vì thế hành động cố tình đạp ga lút sàn để vượt qua đèn vàng hoàn toàn có thể nhận vé phạt từ cảnh sát giao thông.

Tại Nhật và nhiều nước châu Âu cũng có quy định tương tự. Thậm chí ở Đức còn có đèn vàng ở giữa thời điểm chuyển từ đỏ sang xanh. Đất nước này có hệ thống giao thông cho xe hơi phát triển, vì thế đèn vàng để tài xế chuẩn bị sẵn sàng tư thế di chuyển tiếp, nhất là cho xe số sàn có thời gian chuẩn bị côn, số.