Phát sinh nhiều xu hướng mới trong các vụ kiện phòng vệ thương mại
Hiện giờ, bất cứ hàng hoá xuất khẩu nào cũng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại. Đặc biệt, phát sinh nhiều xu hướng mới trong các vụ kiện phòng vệ thương mại như: Kiện chùm; kiện chống lẩn tránh thuế; kiện domino…
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến ngày 15/10/2018, có 141 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Ở một số quốc gia khác, dù không chạy theo xu hướng bảo hộ, nhưng để đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập khẩu vẫn đặt ra các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, chất lượng rất cao, trở thành rào cản đối với nước xuất khẩu.
Trong đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (27 vụ, chiếm khoảng 20%); tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (20 vụ, chiếm khoảng 15%); Ấn Độ (17 vụ, chiếm khoảng 12%) và EU (14 vụ, chiếm khoảng 11%). Phần lớn doanh nghiệp (DN) Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, có ít kinh nghiệm về phòng vệ thương mại. Do đó, khi bị khởi kiện sẽ ảnh hưởng rất lớn, mất thời gian, tốn kém chi phí theo kiện, thậm chí có thể mất luôn thị trường do bị áp thuế cao và không thể cạnh tranh được.
Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hiện nay, dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (81 vụ việc, chiếm 60%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (27 vụ, chiếm 18%); thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (19 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (14 vụ việc, chiếm 9%).
Đáng lo là hiện giờ bất cứ hàng hoá xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, từ nông, thuỷ sản đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Các mặt hàng chịu nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất là thủy sản (tôm, cá ba sa), sắt, thép... Đặc biệt, theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), các vụ kiện phòng vệ thương mại phát sinh nhiều xu hướng mới như: Kiện chùm (kiện đồng thời nhiều nước); kiện chống lẩn tránh thuế (kiện một nước để ngăn chặn khả năng lẩn tránh một biện pháp thuế đã áp cho nước khác); kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng theo đó đi kiện); kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp) làm gia tăng số lượng các vụ kiện về phòng vệ thương mại.
Trước xu thế này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thường xuyên cập nhật với các DN và hiệp hội DN về xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để các DN nắm vững, có kế hoạch ứng phó hiệu quả, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý, thận trọng trong việc lên kế hoạch đầu tư, sản xuất, phát triển thị trường. Phối hợp chặt chẽ với DN trong quá trình xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại ngay từ giai đoạn đầu khi cơ quan điều tra của nước nhập khẩu tiếp nhận đơn kiện cho đến khi khởi xướng điều tra, trả lời câu hỏi điều tra, thẩm tra tại chỗ, điều trần công khai và ra phán quyết. Nâng cấp Hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó giúp các DN chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu của mình và có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế việc vướng phải các vụ kiện chống bán phá giá.
Bộ Công Thương cũng đã chủ động theo dõi chặt chẽ quy trình điều tra của nước nhập khẩu để đảm bảo các bước trong quy trình điều tra tuân thủ đầy đủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cam kết trong các điều ước quốc tế và nội luật của nước nhập khẩu. Trong trường hợp phát hiện những điểm không tuân thủ, Bộ Công Thương đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham vấn và yêu cầu cơ quan điều tra của nước nhập khẩu kịp thời có sự điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN Việt Nam...
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, DN nên trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, đặc biệt là các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào… Các DN xuất khẩu cần tìm hiểu thông tin về chính sách thương mại của thị trường nhập khẩu. Đối với những thị trường lớn như Mỹ, cần xác định chính xác bang, tiểu bang muốn tiếp cận. DN cũng cần tạo mối quan hệ tốt với các đối tác để được cảnh báo, nhận biết sớm các nguy cơ về thương mại.
Đối với các DN xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, lâm thủy sản, cần tăng cường các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để vượt qua các hàng rào về chất lượng, kỹ thuật. Việc bị kiện tụng về thương mại không chỉ gây thiệt hại cho một số DN mà còn tác động trực tiếp tới toàn ngành hàng. Vì vậy, các DN cùng ngành nghề cần liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy thế mạnh tổng hợp trong việc tận dụng cơ hội thị trường cũng như ứng phó với các sự cố về thương mại…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của ta là một xu thế “khó tránh khỏi” trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã khiếu kiện 5 vụ việc ra WTO, trong đó 2 vụ đã kết thúc (với kết quả tích cực cho ngành thủy sản Việt Nam), 1 vụ đã kết thúc giai đoạn phúc thẩm (với kết quả thuận lợi cho ngành thép Việt Nam), 2 vụ đang trong quá trình xét xử (vụ việc chống bán phá giá cá tra và chương trình giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ).