Sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại: Phù hợp với “luật chơi” quốc tế

Theo Thùy Dương/congthuong.vn

Các biện pháp phòng vệ thương mại đang trở thành công cụ tại nhiều quốc gia nhằm kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước. Chính vì vậy, Việt Nam cũng cần áp dụng hàng rào thương mại đối với hàng nhập khẩu để bảo vệ sản xuất cho doanh nghiệp (DN).

Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước. Nguồn: Internet
Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước. Nguồn: Internet

Gia tăng các vụ phòng vệ thương mại

Theo số liệu từ Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), sau 10 năm gia nhập WTO, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đã bị 17 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hơn 130 vụ việc. Trong đó có 78 vụ việc là điều tra chống bán phá giá, 25 vụ việc tự vệ, 17 vụ việc nghi lẩn tránh thuế và 12 vụ việc chống trợ cấp.

Chia sẻ tại Hội thảo "Xu hướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay - Kinh nghiệm xử lý dành cho các bên liên quan" diễn ra mới đây, ông Phùng Gia Đức - Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp (Cục phòng vệ thương mại) - cho biết, các mặt hàng thường bị điều tra chống bán phá giá là nhóm sản phẩm kim loại, hóa chất, cao su, máy móc thiết bị, dệt may, giấy, đá, nhựa, ceramic. Các nhóm hàng bị điều tra chống trợ cấp thường là kim loại, cao su, giấy, nhựa, hóa chất, thức uống đóng hộp, rượu, bia, thuốc lá, dệt may, động vật sống.

Theo thống kê sau 23 năm kể từ khi WTO được thành lập, trên thế giới đã có 6.000 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng. Theo tính toán của bà Trần Thị Lan Hương - Phòng xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục phòng vệ thương mại) - trung bình cứ một ngày diễn ra một cuộc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại.

Xu hướng này ngày càng tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của các DN. Ngoài ra, các DN còn đối mặt với hành vi chống lẩn tránh thuế. Đơn cử như sản phẩm túi dệt Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế phòng vệ, và để lẩn tránh, họ chuyển sang Việt Nam gia công rồi xuất khẩu. Vì thế, vô hình trung sản phẩm túi dệt Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ nhiều rủi ro khi phía Hoa Kỳ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế.

Mạnh dạn áp dụng các hàng rào thương mại

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo, ngày càng nhiều quốc gia sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hóa nước khác. Việt Nam cần sớm sử dụng "van" này để bảo vệ sản xuất, tiêu dùng trong nước. Nghĩa là mạnh dạn áp dụng các hàng rào thương mại, thay vì giữ tư tưởng chỉ có nước phát triển mới mạnh tay thực hiện các rào cản trên.

Lý do áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, theo các chuyên gia, tình hình nhập siêu từ các nước vào Việt Nam ngày một tăng với giá khá thấp, song Việt Nam rất ít khởi kiện thông qua hàng rào thương mại. Đặc biệt, một số cơ quan chủ quản lại "im hơi, lặng tiếng", hoặc không có biện pháp gì. Điển hình, năm 2015 - 2016, có thời điểm thịt gà nhập khẩu từ Hoa Kỳ về Việt Nam bán chưa đến 20.000 đồng/kg, trong khi giá bán sản phẩm thịt gà trong nước cao hơn từ 30 - 50%, điều này khiến DN và người nông dân điêu đứng. Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, vào thời điểm đó, nhiều DN cùng người chăn nuôi đã lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề bảo hộ hợp pháp.

Để bảo vệ tốt sản xuất trong nước, sản phẩm thương hiệu Việt, một số quy định chi tiết, hướng dẫn thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đã chính thức có hiệu lực. Cụ thể, ngày 15/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngày 20/4/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại. Các quy định nêu trên giúp DN bảo vệ thị trường trong nước, hướng đến cạnh tranh lành mạnh trước "làn sóng" hội nhập.