Phát triển cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng Agribank Quảng Ngãi


Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Agribank Quảng Ngãi giai đoạn 2017 –2019 và đưa ra khuyến nghị mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Agribank không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm cho vay tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng
Agribank không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm cho vay tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng

Khi nền kinh tế nỗ lực phục hồi thì tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu của người dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp quy định của pháp luật. Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Agribank Quảng Ngãi giai đoạn 2017 –2019 và đưa ra khuyến nghị mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Đặt vấn đề

Nhu cầu của người dân đối với lĩnh vực vay tiêu dùng có xu hướng ngày càng tăng. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid- 19, ngoài các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, người dân rất cần nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh chóng, đơn giản từ các ngân hàng thương mại (NHTM), công ty tài chính… để dần ổn định cuộc sống, nhất là tránh rơi vào “bẫy” tín dụng đen.

Quảng Ngãi là tỉnh đang vươn mình phát triển mạnh mẽ với nhiều khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị… do đó nhu cầu vốn tại địa phương đang tăng cao. Trong bối cảnh thị trường cho vay tiêu dùng đầy tiềm năng sinh lợi và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác đang cạnh tranh khốc liệt để gia tăng thị phần, tìm kiếm lợi nhuận, Agribank đã không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm cho vay tiêu dùng (CVTD) để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, gia tăng khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, thị phần CVTD của Agribank Quảng Ngãi vẫn còn thấp so với các TCTD trên địa bàn tỉnh, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của Chi nhánh. Từ những phân tích thực trạng tình hình CVTD của Agribank Quảng Ngãi giai đoạn 2017–2019, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để có thể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Chi nhánh nhằm mở rộng hoạt động CVTD, tăng tính cạnh tranh với các TCTD trên địa bàn, giảm thiểu rủi ro và gia tăng lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh.

Cho vay tiêu dùng của ngân hàng và thực trạng cho vay tiêu dùng tại Agribank Quảng Ngãi

CVTD của ngân hàng thương mại (NHTM) là hình thức cấp tín dụng, theo đó, NHTM cho vay giao hoặc cam kết giao một khoản tiền cho khách hàng là cá nhân hay hộ gia đình sử dụng với mục đích tiêu dùng trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận dựa trên nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

Đặc điểm của các khoản CVTD là quy mô mỗi khoản vay nhỏ, thời gian vay thường không dài trong khi tâm lý người đi vay là không muốn công khai tình hình tài chính nên việc thẩm định trước khi cho vay tốn nhiều thời gian và chi phí. Đồng thời, số lượng các khoản vay tiêu dùng lớn nên ngoài các chi phí trên ngân hàng còn phải chịu các chi phí khác như: Chi phí quản lý khoản vay, theo dõi và kiểm tra khách hàng thường xuyên… Vì thế, CVTD trở thành một trong những khoản mục có chi phí lớn nhất trong hoạt động tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, các khoản CVTD thường có độ rủi ro cao vì đối tượng của hoạt động CVTD là các cá nhân, hộ gia đình nên bên cạnh các yếu tố khách quan từ bên ngoài (như như thiên tai, bệnh tật, mất mùa, thất nghiệp và chu kỳ kinh tế) còn có các yếu tố chủ quan từ chính người tiêu dùng (khi họ muốn vay mượn để chi tiêu nhưng không muốn trả).

Tuy nhiên, CVTD có khả năng sinh lời cao, là một trong những khoản mục tín dụng có khả năng sinh lời cao nhất mà ngân hàng thực hiện, do các khoản CVTD được định giá rất cao (bao hàm cả một phần rủi ro lãi suất). Chính vì triển vọng về lợi nhuận do hoạt động CVTD mang lại mà dù phải đối mặt với khá nhiều thách thức nhưng các ngân hàng trên toàn thế giới hiện nay đều hướng sự quan tâm vào hoạt động này, coi nó như một trong những lĩnh vực có vai trò chủ đạo trong dịch vụ ngân hàng cũng như trong quản lý ngân hàng.

Thực trạng cho vay tiêu dùng tại Agribank Quảng Ngãi

CVTD là một phần trong hoạt động tín dụng của Agribank Quảng Ngãi. Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của toàn Chi nhánh, hoạt động CVTD cũng có những bước tiến đáng kể. Tình hình dư nợ CVTD của Chi nhánh thể hiện ở Bảng 1.

Phát triển cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng Agribank Quảng Ngãi - Ảnh 1

Theo các số liệu thống kê, quy mô dư nợ CVTD tại Agribank Quảng Ngãi liên tục tăng qua các năm, cụ thể: Năm 2017 là 964 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 11,9%/ tổng dư nợ, năm 2018 đạt 1.238 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 12,9%/tổng dư nợ, năm 2019 đạt 1.557 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 14,3%/tổng dư nợ của Chi nhánh.

Như vậy, Chi nhánh đã ưu tiên vốn CVTD, tốc độ tăng trưởng dư nợ CVTD ở mức cao. Cụ thể năm 2018 tăng 28,4% so với năm 2017 và năm 2019 tăng 25,8% so với năm 2018. Sở dĩ đạt được kết quả như trên là nhờ nền kinh tế giai đoạn 2017-2019 đang trên đà phát triển, nên hoạt động CVTD đã ngày càng được thúc đẩy bởi sự phát triển của nhu cầu xã hội.

Điều này hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu, bởi với số dân trên địa bàn hơn 1,2 triệu người, cùng với sự phát triển kinh tế của Tỉnh, nhiều khu công nghiệp mới được mở ra như khu công nghiệp VSIP, khu công nghiệp Tịnh Ấn Tây… tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đây là điều kiện thuận lợi và là thị trường “khổng lồ” cho dư nợ CVTD tăng mạnh.

Về cơ cấu dư nợ CVTD, dư nợ đối với mục đích sửa chữa, mua nhà luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong dư nợ CVTD. Thực hiện chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, Chi nhánh luôn tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mua hoặc xây nhà. Đặc biệt, chương trình cho vay hỗ trợ xây nhà được đơn vị chú trọng, cũng nhờ nguồn vốn của Agribank mà nhiều hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xây được nhà, ổn định cuộc sống.

Đối với mục đích cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, tỷ trọng dư nợ có xu hướng tăng. Dư nợ đối với mục đích vay nhu cầu đời sống khác như hoạt động du lịch, du học, học tập… chiếm tỷ trọng ít nhưng đang có xu hướng tăng cho thấy, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao nên Chi nhánh cần tích cực phát triển sản phẩm CVTD một cách hiệu quả nhất.

Phát triển cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng Agribank Quảng Ngãi - Ảnh 2

Tính đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 35 chi nhánh TCTD hoạt động kinh doanh tiền tệ. Tình hình cạnh tranh giữa các TCTD ngày càng khốc liệt nhưng Agribank Quảng Ngãi vẫn giữ được thị phần CVTD cao so với các ngân hàng trên địa bàn. Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ CVTD của Agribank Quảng Ngãi/Tổng dư nợ CVTD trên địa bàn có xu hướng giảm qua từng năm. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2017, thị phần CVTD của Chi nhánh chiếm tỷ trọng 11,8%/tổng dư nợ CVTD trên địa bàn; đến cuối năm 2019, tỷ trọng dư nợ CVTD giảm còn ở mức 10,8% tổng dư nợ CVTD trên địa bàn.

Thị phần CVTD của Agribank Quảng Ngãi giảm là do sự bùng nổ, cạnh tranh của các Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) và các công ty tài chính như FE Credit, Home credit… trong những năm gần đây. Các NHTMCP và các công ty tài chính với quy trình, thủ tục đơn giản, tốc độ phê duyệt cho vay nhanh gọn thỏa mãn được những nhu cầu vay vốn cấp thiết, xuất hiện bất ngờ của khách hàng.

Hơn nữa, việc liên kết giữa các công ty tài chính tiêu dùng với các đại lý ô tô, xe máy, chuỗi của hàng kinh doanh điện máy, điện thoại và đồ gia dụng như: FPT shop, Thế giới di động, Điện máy xanh, Điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim… đã khiến cho việc tiếp cận các món vay với mục đích mua sắm phương tiện giao thông, hàng tiêu dùng lâu bền như điện thoại thông minh, máy giặt, điều hòa, tủ lạnh… trở nên dễ dàng, phổ biến hơn.

Tuy vậy, xét trên mặt bằng chung, tỷ trọng dư nợ CVTD của Agribank Quảng Ngãi vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy, Chi nhánh đã thành công trong xây dựng mạng lưới giao dịch ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh, kể cả phân công cán bộ tín dụng về hoạt động tại tuyến xã.

Trong giai đoạn 2017–2019, tỷ lệ nợ xấu CVTD/ dư nợ CVTD có xu hướng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2017 tỷ lệ nợ xấu là 2,04%, năm 2018 lên đến 2,25% và năm 2019 là 2,38%. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì trong giới hạn cho phép nhưng lại tăng qua các năm nên vấn đề quản lý rủi ro là điều rất quan trọng với Chi nhánh trong thời gian sắp tới.

Nhìn chung, hoạt động CVTD tại Agribank Quảng Ngãi giai đoạn 2017-2019 đã đạt được những kết quả tích cực điển hình như: Quy mô cho vay tăng thể hiện ở dư nợ CVTD luôn tăng nhanh qua các năm và tỷ trọng dư nợ CVTD trên tổng dư nợ tại Chi nhánh ngày càng tăng. Agribank Quảng Ngãi đã xây dựng mạng lưới giao dịch ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh, kể cả phân công cán bộ tín dụng về hoạt động tại tuyến xã (14 chi nhánh loại III và 11 phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh loại III, chiếm 39,5% số lượng chi nhánh và 19,6% số lượng phòng giao dịch trên địa bàn).

Cơ cấu CVTD theo mục đích cho vay đã có những chuyển biến tích cực. Agribank Quảng Ngãi đã nắm bắt được nhu cầu của các nhóm khách hàng khác nhau và những biến động của nền kinh tế, từ đó chuyển dịch cơ cấu theo hướng đa dạng hóa các gói sản phẩm mới. Dù tỷ trọng cho vay nhóm truyền thống mua và sửa chữa nhà ở vẫn còn chiếm ưu thế, nhưng những nhóm còn lại có xu hướng ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động CVTD qua các năm tăng trưởng mạnh, cụ thể: Năm 2018, thu nhập từ hoạt động CVTD đạt 126,3 tỷ đồng tăng 29% so với năm 2017; năm 2019 cùng với dư nợ CVTD tăng mạnh thì thu nhập từ hoạt động này cũng ở mức cao đạt 163,5 tỷ đồng, chứng tỏ thu nhập từ hoạt động CVTD của Agribank Quảng Ngãi ngày càng tăng cao.

Bên cạnh những kết quả tích cực mà Chi nhánh Agribank Quảng Ngãi đã đạt được, CVTD tại đơn vị còn một số hạn chế sau:

Một là, thị phần có xu hướng giảm. Mặc dù dư nợ CVTD của Chi nhánh hàng năm vượt kế hoạch đề ra nhưng thị phần CVTD trên địa bàn lại giảm dần qua các năm. Công tác nghiên cứu, phát triển thị trường chưa được chú trọng. Mặt khác, chính sách giao khoán chỉ tiêu cho nhân viên của Chi nhánh còn mang tính hình thức, chưa có cơ chế thưởng phạt phù hợp.

Hai là, hạn chế trong thủ tục, điều kiện cho vay. Một số quy định, thủ tục cho vay còn mang nặng tính hình thức như: thủ tục vay chứng minh nguồn trả nợ cần nhiều chứng từ gây trở ngại khách hàng, thời gian thẩm định hồ sơ chậm hơn so với các NHTMCP và công ty tài chính trên cùng địa bàn.

Ba là, tỷ lệ nợ xấu CVTD/dư nợ CVTD có xu hướng tăng theo thời gian dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Bốn là, nguồn nhân lực còn thiếu các kỹ năng bổ trợ cho công tác. Việc tư vấn, hỗ trợ khách hàng, đề xuất phê duyệt khoản vay (mức tiền vay, thời hạn cho vay…) chưa chính xác và khách quan, chưa phù hợp với nhu cầu vốn và hình hình tài chính của khánh hàng.

Những hạn chế trên đến từ nhiều nguyên nhân bao gồm cả những nguyên nhân xuất phát từ môi trường, chính sách, từ bên trong ngân hàng và từ phía khách hàng vay, cụ thể: Quy trình thủ tục vay vốn còn rườm rà phức tạp so với một số NHTMCP và công ty tài chính, gây tâm lý e ngại cho khách hàng; Hiện nay, nhiều người dân lao động thực sự có nhiều nguồn thu nhập khác nhau từ lương, sản xuất kinh doanh, đầu tư… nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập; Mặt khác, khách hàng vay vốn có những biến động bất ngờ, không lường trước được như sức khỏe, tai nạn, thất nghiệp... sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Sự cạnh tranh giữa các TCTD trên địa bàn ngày càng gay gắt. Những năm gần đây rất nhiều NHTMCP và công ty tài chính mở chi nhánh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Khi khách hàng có nhiều sự lựa chọn, thì hiển nhiên hoạt động CVTD khó chiếm thị phần cao.

Một số khuyến nghị phát triển cho vay tiêu dùng tại Agribank Quảng Ngãi

Từ những kết quả hoạt động CVTD nêu trên, kết hợp với định hướng phát triển CVTD của Agribank trong thời gian tới và trong khi tình hình đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thế giới, trong đó có Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm mở rộng hoạt động CVTD tại Agribank Quảng Ngãi thời gian tới như sau:

Thứ nhất, đa dạng hóa các sản phẩm CVTD và mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược. Theo đó, tập trung vào việc phát triển các sản phẩm CVTD mới như: cho cán bộ công nhân viên vay trọn gói bộ ba sản phẩm (CVTD, thấu chi và phát hành thẻ tín dụng) mang lại tiện ích thuận lợi và nhanh chóng cho người vay. Tăng cường liên kết với các đối tác chiến lược để mở rộng triển khai các hình thức mua sắm trả góp lãi suất 0% hoặc lãi suất thấp trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục (học ngoại ngữ), du học, trang sức, vàng bạc, chữa bệnh... Phát triển hình thức cho vay trực tuyến để tạo thuận lợi cho khách hàng.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. T ổchức đào tạo các cán bộ tín dụng các kỹnăng bán hàng tư vấn, từđótạo phong cách chuyên nghiệp hơn cho cán bộ. Tổ chức nhiều các đợt tập huấn cập nhật các thông tin về kinh tế kỹ thuật, các thông tin về dự báo phát triển của ngành, giá cả thị trường của các loại sản phẩm… để phục vụ cho công tác thẩm định và quyết định phê duyệt cho vay.

Thứ ba, đơn giản và linh hoạt điều kiện, thủ tục cho vay. Để cạnh tranh được với các NHTMCP và các công ty tài chính về hoạt động CVTD, Chi nhánh cần không ngừng hoàn thiện quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian xét duyệt hồ sơ vay xuống mức thấp nhất có thể; đơn giản và linh hoạt điều kiện, thủ tục cho vay theo hướng phù hợp với đối tượng khách hàng.

Thứ tư, tăng cường công tác quản trị rủi ro tín dụng. Ngân hàng nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng bằng cách bố trí hợp lý cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn tốt, am hiểu và có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực cho vay. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý nợ vay sau khi giải ngân cho khách hàng; Tăng cường cho vay gắn với việc cung ứng sản phẩm dịch vụ khép kín như mở tài khoản, bảo lãnh, phát hành thẻ… nhằm hạn chế rủi ro cũng như tăng thu dịch vụ cho ngân hàng.

Tài liệu tham khảo:

1. Agribank Quảng Ngãi, Báo cáo tổng kết thường niên của Agribank Quảng Ngãi các năm 2017-2019;

2. Ngân hàng Nhà nước, Báo cáo thường niên Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi năm 2017–2019;

3. Quốc hội (2010), Luật Các tổ chức tín dụng 47/2010/QH12;

4. Quốc hội (2017) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14;

5. Ngân hàng Nhà nước (2016), Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;

6. Nguyễn Thị Thu Tím (2017), “Phát triển CVTD tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam”, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;

7. Nguyễn Thị Dung (2018), “Giải pháp mở rộng CVTD tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Vĩnh Linh”, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Kinh tế Huế;

8. Võ Hạ Bảo Đan (2017), “Phát triển CVTD tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Thừa Thiên Huế”, Luận văn Thạc sỹ, Học viện Hành chính Quốc gia.

(*) ThS. Đoàn Thị Thu Phương - Trường Đại học Tài chính – Kế toán

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021