Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp nước ta. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, lĩnh vực này hầu như không có sự chuyển biến, bởi các doanh nghiệp trong nước chưa đủ sức tạo ra năng lực sản xuất đáp ứng tiêu chí về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, còn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) lại không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Năm 2012, cả nước có 1.631 doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với số vốn đăng ký trên 22,8 tỷ USD, chiếm 13,2% số dự án và 20,8% tổng vốn FDI vào ngành công nghiệp.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thu hút được nhiều vốn FDI đầu tư là điện, điện tử với số vốn thu hút trên 10 tỷ USD, cơ khí thu hút được trên 5,2 tỷ USD, dệt may trên 5,1 tỷ USD; lĩnh vực hóa chất thu hút được trên 1,9 tỷ USD vốn FDI và công nghiệp hỗ trợ ngành da giày chỉ thu hút được khoảng 305,6 triệu USD.

Những con số này cho thấy, việc thu hút vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của nước ta còn khá hạn chế. Mặt khác, những năm qua, nước ta mới tập trung thu hút các tập đoàn lớn để lấp đầy các khu công nghiệp và tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thường là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Một số dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ ưu đãi và khuyến khích đầu tư có vốn đầu tư rất lớn, tạo nhiều việc làm, song giá trị gia tăng của sản phẩm gần như không có, không góp phần vào việc giảm nhập siêu, không tạo ra các tác động lan tỏa đối với các doanh nghiệp nội địa. Các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ xuất khẩu lựa chọn đầu tư vào nước ta chỉ để tận dụng thị trường lao động giá rẻ và có nhiều ưu đãi của Chính phủ về giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp... Đây cũng chính là những bất cập trong các dự án thu hút đầu tư FDI vào công nghiệp hiện nay.

Kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp hóa nhanh và thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia cho thấy, thị trường nội địa được tạo ra bởi các tập đoàn kinh tế ngay trong nội địa. Đây là khu vực rộng lớn và nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này liên kết chặt chẽ với nhau, trao đổi thông tin, chia sẻ những cơ hội kinh doanh.

Mặt khác, cùng nhau đề xuất với Chính phủ những yêu cầu hỗ trợ về mặt chính sách, tạo điều kiện cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh thực tế. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp FDI chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này là do vai trò của các cơ quan chức năng, các hiệp hội chưa thể hiện rõ, ngay cả khâu thực hiện chính sách đến thực thi nên tác động hỗ trợ của chính sách không đạt hiệu quả cao.

Các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ do một số tổ chức xúc tiến đã hình thành, nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở các hội thảo khởi động mà chưa có những hiệu quả rõ rệt. Doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn chưa nhận được các hỗ trợ thích đáng cần thiết. Các tập đoàn lớn có vốn đầu tư của Nhà nước hiện vẫn còn tư tưởng sản xuất trọn gói trong nội bộ tập đoàn, hoặc ngại tìm kiếm các nhà cung cấp vì khó giám sát được chất lượng sản phẩm gia công. Điều này đi ngược lại với xu thế chung của toàn cầu hóa và phân công lao động quốc tế.

Để tháo gỡ khó khăn của ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc thu hút vốn FDI trong thời gian tới, Bộ Công thương cho rằng, cần làm rõ những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ; chính sách ưu đãi phát triển hạ tầng; thể chế hóa các quy định về cơ chế hợp đồng. Nâng cao nhận thức về sản xuất công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các hệ thống chất lượng liên quan đến linh phụ kiện.

Trên cơ sở này, xây dựng cơ chế quản lý chất lượng sản xuất và giám sát các hoạt động sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm trong từng ngành như các bộ tiêu chuẩn 5S, JIT của Nhật Bản. Đây là những tiêu chuẩn hiện đang được một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện ở nước ta áp dụng. Ngoài ra, cần đặc biệt tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ thuộc mạng lưới các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm dần các khâu phải nhập khẩu. Làm được điều này sẽ có tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước khi trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp FDI.