Phát triển công nghiệp hydro xanh hướng tới nền kinh tế carbon thấp


Quá trình chuyển dịch năng lượng cần xem xét yếu tố quan trọng là sự cân bằng giữa các mục tiêu an ninh năng lượng và bảo vệ khí hậu. Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phát triển công nghiệp hydro xanh trong tương lai không chỉ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, mà còn giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế carbon thấp.

Tiến độ chuyển dịch năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam thúc đẩy để phù hợp với cam kết bảo vệ khí hậu toàn cầu là giữ nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Theo đó, quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững và đáng tin cậy hiện đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết với tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 về định hướng Việt Nam phát triển Net Zero vào năm 2050.

Quá trình này cần được triển khai với sự nỗ lực của quốc gia cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra một cách bền vững và công bằng.

Theo các chuyên gia, mục tiêu giảm phát thải của ngành Năng lượng, Giao thông vận tải, Công nghiệp và các ngành khác vào năm 2050 sẽ hình thành nhu cầu tiêu thụ hydro xanh, và tạo động lực để phát triển ngành công nghiệp này ở Việt Nam.

Trong khi đó, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã công bố chiến lược phát triển hydrogen xanh với mục tiêu cụ thể trong trung, dài hạn như một giải pháp hướng tới mục tiêu giảm phát thải, hạn chế tác động tới hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa công bố mục tiêu hoặc kế hoạch cụ thể về việc phát triển hydro xanh. Dựa theo mục tiêu giảm phát thải của các lĩnh vực, hiệu quả kinh tế, mức độ sẵn sàng về công nghệ và cơ sở hạ tầng tương ứng tại Việt Nam, Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã xây dựng 3 kịch bản phát triển hydrogen.

Theo đó, vào năm 2050, mỗi năm Việt Nam sẽ có nhu cầu tương ứng 58,3 triệu tấn hydro sạch (kịch bản chính sách hiện hành); 4,4 triệu tấn hydro sạch (kịch bản độ trễ công nghệ) và 9,17 triệu tấn hydro sạch (kịch bản tăng tốc).

Các chuyên gia môi trường cho rằng, nhu cầu hydro trong kịch bản chính sách hiện hành cao hơn khả năng cung ứng được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia. Với Việt Nam, hydro xanh nên được ưu tiên sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp (phân đạm, lọc dầu, thép, xi măng), giao thông (xe tải đường dài, xe khách, vận tải biển và hàng không), năng lượng (nguồn phát linh hoạt), và để xuất khẩu.

Dù việc phát triển hydro xanh còn nhiều thách thức và đòi hỏi một sự đầu tư “mạnh tay”, nhưng lời kêu gọi những hành động cụ thể đã được nhiều quốc gia lắng nghe và hưởng ứng. Các kế hoạch, chiến lược rõ ràng để phát triển công nghệ điện phân, phát triển ngành năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đang dần được công bố nhằm hướng tới một nền kinh tế hydro không các-bon và phát triển bền vững.

Để thúc đẩy phát triển hydro xanh đến năm 2030, trong thời gian tới, Việt Nam cần: Xây dựng các chính sách, quy định, hướng dẫn cho phát triển hydro xanh; Thực hiện các dự án thí điểm; Xây dựng chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng hydro xanh; phát triển cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng; Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về an toàn trong sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hydro.

PV