Bảo vệ và xây dựng môi trường trong khu, cụm công nghiệp

Theo Châu Sơn/Báo Long An

Tỉnh Long An tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường (BVMT), nhất là trong khu, cụm công nghiệp (K,CCN), kịp thời phát hiện, xử lý, hạn chế tình trạng ô nhiễm, nâng cao nhận thức, vai trò của các đơn vị, góp phần bảo vệ, xây dựng môi trường cũng như cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa bàn.

Công tác bảo vệ môi trường trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn được chú trọng thực hiện. Ảnh: Châu Sơn
Công tác bảo vệ môi trường trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn được chú trọng thực hiện. Ảnh: Châu Sơn

Sản xuất, kinh doanh đi đôi với bảo vệ môi trường

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 18 khu công nghiệp (KCN) và 22 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%. K,CCN khi đưa vào hoạt động cơ bản đáp ứng đầy đủ yêu cầu, quy định của pháp luật về BVMT.

Các doanh nghiệp (DN) thứ cấp hoạt động trong K,CCN tùy theo lĩnh vực, ngành nghề cũng tuân thủ nghiêm các quy định, đầu tư các công trình thu gom, xử lý khí thải; đầu tư khu vực lưu giữ chất thải rắn, chất thải nguy hại và hợp đồng với đơn vị có chức năng để định kỳ chuyển giao, xử lý theo đúng quy định.

KCN Thuận Đạo (huyện Bến Lức) gần khu vực sinh sống của người dân, do đó công tác BVMT được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu. Đơn vị xây dựng và thường xuyên cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải của KCN. Công tác xử lý chất thải rắn tại KCN cũng được bảo đảm. Chất thải nguy hại được quản lý, lưu trữ và xử lý theo quy định.

Ông Dương Văn Nam - Đại diện Ban Quản lý KCN Thuận Đạo: "DN hiểu rõ tầm quan trọng và luôn chấp hành đầy đủ quy định về công tác BVMT. Khu phối hợp các DN thứ cấp chủ động tuyên truyền, phổ biến các quy định mới về pháp luật BVMT, nhất là Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, bảo đảm tiếp nhận, xử lý toàn bộ nước thải trong quá trình hoạt động, sản xuất của các DN thứ cấp. Chúng tôi lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để theo dõi, kiểm tra. Chất thải được khu ký kết với đơn vị có đầy đủ chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý, trong đó, chất thải nguy hại có vị trí đổ riêng theo quy định, trước khi được vận chuyển, xử lý. Chế độ báo cáo thực hiện theo đúng quy định. Trong khu có đủ mảng xanh vừa tạo cảnh quan, vừa điều hòa không khí, BVMT".

Tương tự, đại diện CCN Kiến Thành (huyện Cần Đước) - Châu Văn Phe cho biết: Đơn vị luôn chú trọng việc phát triển kinh tế đi đôi với BVMT và thực hiện nghiêm theo đúng quy định. Chúng tôi xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất thiết kế 250m3/ngày đêm, bảo đảm xử lý đầy đủ nước thải trong cụm. Cụm ký kết với đơn vị đủ chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý rác công nghiệp, sinh hoạt, nguy hại và thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ theo đúng quy định.

Phối hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường

Không chỉ chủ đầu tư hạ tầng chú trọng BVMT mà các DN thứ cấp hoạt động trong K,CCN cũng ý thức, tự giác phối hợp để thực hiện tốt vấn đề này. Công ty (Cty) TNHH Túi xách Simone Việt Nam (100% vốn nước ngoài) hoạt động trong KCN Long Hậu (huyện Cần Giuộc) được ngành chức năng tỉnh đánh giá cao về BVMT.

Cty hoạt từ năm 2009, vừa bảo đảm phát triển sản xuất, vừa tự giác phối hợp khu thực hiện tốt việc BVMT. Cty còn tổ chức tập huấn cho người lao động biết cách phân loại rác đầu nguồn, xây dựng hệ thống xử lý nước thải (xử lý ban đầu trước khi vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN) với công suất thiết kế 550m3/ngày đêm (vận hành 400m3/ngày đêm); đồng thời, thuê hẳn một đơn vị quản lý, chăm sóc mảng xanh trong khuôn viên Cty.

Đại diện Cty TNHH Túi xách Simone Việt Nam - Matt Kim cho biết: “Với phương châm phát triển bền vững, mục tiêu vừa bảo đảm sản xuất, vừa BVMT, ngay từ khi đi vào sản xuất, chúng tôi đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại; trong quá trình vận hành chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thay thế thiết bị cũ bằng những thiết bị mới, an toàn để giảm tác động xấu đến môi trường. Khuôn viên có những vị trí trồng cây xanh tạo cảnh quan, cải tạo môi trường, luôn chọn các hóa chất thân thiện, phù hợp để vệ sinh môi trường, tránh dùng những hóa chất độc hại. Tham gia đầy đủ hoạt động BVMT trên địa bàn hoạt động”.

Có thể khẳng định, công tác BVMT tại các K,CCN trên địa bàn tỉnh có cải thiện rõ rệt trong thời gian qua. Các cơ quan quản lý nhà nước có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thanh, kiểm tra, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường K,CCN.

Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình hoạt động, vẫn còn một số DN chưa thực hiện nghiêm túc công tác BVMT, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Như sự việc liên quan đến bùn thải phát sinh trong quá trình xử lý nước thải của Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Đức Hòa 1, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm đối với Cty Cổ phần Khai thác Hạnh Phúc (KCN Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa) số tiền 930 triệu đồng do vi phạm các quy định về môi trường.

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn nhấn mạnh: Sở tiếp tục phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các quy định về BVMT để nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong BVMT. Chú trọng, nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường, trong đó có biện pháp sàng lọc dự án, không tiếp nhận các dự án, loại hình sản xuất phát sinh nhiều chất thải, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, từng bước góp phần phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra (đặc biệt là hoạt động kiểm tra đột xuất) việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các K,CCN trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý đối với các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng sử dụng công nghệ giám sát bằng hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với các nguồn thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao.

Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thuộc đối tượng thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, truyền dữ liệu để theo dõi, giám sát. Tăng cường giám sát hoạt động quan trắc định kỳ của cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quan trắc tại cơ sở.