Phát triển điện hạt nhân: Vì mục tiêu an toàn, không thể nóng vội

PV.

(Tài chính) Đó là ý kiến khẳng định chung của các chuyên gia về điện nguyên tử hạt nhân trong và ngoài nước. Bởi việc đầu tư, phát triển điện hạt nhân đặt ra các yêu cầu, đòi hỏi hết sức cao từ nguồn vốn đầu tư đến nền tảng khoa học công nghệ và con người…

Khoan khảo sát địa hình tại địa điểm sẽ xây Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Khoan khảo sát địa hình tại địa điểm sẽ xây Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Cũng chính vì những yêu cầu hết sức cao và chặt chẽ đặt ra mà vấn đề điện hạt nhân đã không ít lần “làm nóng” nghị trường Quốc hội cũng như trong dư luận. Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là một chủ trương đúng đắn, mang tính chiến lược trước những yêu cầu bức thiết của phát triển kinh tế - xã hội. Các công việc chuẩn bị cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam cũng đã được khởi đồng tư nhiều năm nay, thực hiện qua tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn công nghệ, đào tạo nhân lực… Đến nay, đang bước vào giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho việc bắt tay vào triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi với sự đồng thuận cao từ tất cả các cấp và tầng lớp nhân dân thì việc triển khai Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cũng gặp phải một số khó khăn thách thức làm ảnh hưởng đến tiến độ theo như mục tiêu ban đầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định, việc chậm tiến độ đối với các dự án điện hạt nhân trên thế giới là hết sức bình thường. Đặc biệt, điều này đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam thì không nên coi đó là vấn đề nặng nề.

Những khó khăn thách thức đặt ra với Việt Nam là chưa có kinh nghiệm trong quản lý, triển khai dự án điện hạt nhân, cơ sở hạ tầng cần thiết còn ở mức thấp, hệ thống pháp luật quốc gia chưa hoàn chỉnh, nguồn nhân lực để vận hành còn thiếu và yếu, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư bán đầu rất lớn… Tất cả các yếu tố trên là nguyên nhân căn bản khiến cho việc triển khai Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gặp khó khăn và chậm tiến độ theo mục tiêu đặt ra ban đầu.

Theo ông Phan Minh Tuấn – Phó giám đốc Ban Quản lý Điện hạt nhân Ninh Thuận, tính đến thời điểm hiện tại, hai đơn vị tư vấn của Nga, Nhật Bản đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm đối với Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tổ chức thẩm tra, hoàn chỉnh để trình các bộ, ban, ngành liên quan và Hội đồng Thẩm định Nhà nước.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai dự án, UBND tỉnh Ninh Thuận đã rất tích cực phối hợp, tạo điện kiện tốt nhất cho Dự án, trong đó vấn đề khó khăn và phức tạp nhất là giải phóng mặt bằng đã được giải quyết thỏa đáng. UBND tỉnh Ninh Thuận xác định, đây vừa là trách nhiệm, nhưng cũng rất vinh dự của địa phương khi được tham gia vào một dự án trọng điểm của quốc gia.

Do đó, ngay từ những ngày đầu triển khai Dự án, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Ninh Thuận đã quán triệt tới tất cả các cấp, các ngành xác định đây là nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành; từ đó tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân hiểu và thực hiện, cùng với nhà đầu tư làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án theo kế hoạch. Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù di dân, tái định cư phục vụ cho các công trình, dự án thành phần trên địa bàn thuộc Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho dự án cũng đã đạt lên làm vấn đề trọng tâm hàng đầu để triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Việc đào tạo nguồn nhân lực đang được tập trung cao độ với nhiều chương trình như đào tạo các kỹ sư từ các sinh viên tài năng; đào tạo cập nhật các thông tin Điện hạt nhân cho các kỹ sư, cán bộ đang công tác tại Việt Nam cũng như các khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ đang thực thi quản lý nhà nước cũng như quản lý kỹ thuật để chúng ta đáp ứng từng bước các công đoạn của dự án chúng ta đã triển khai. Trong chương trình, kể cả việc đào tạo công nhân kỹ thuật liên quan đến Điện hạt nhân đã có kế hoạch triển khai rộng rãi ở các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cũng như là việc đào tạo tại các trường đại học ở nước ngoài đang được triển khai đồng loạt…

Ngoài các trường đại học trong nước như: Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Đà Lạt tập trung đào tạo chuyên sâu lĩnh vực năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng đã cử nhiều học viên sang đào tại tại các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển. Cụ thể, được xác định tại Đề án 1558 “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” và đã được triển khai thực hiện khá tích cực.

Phát biểu, chỉ đạo mới đây tại buổi làm việc với Dự án điện Hạt nhân, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã khẳng định: Mặc dù tiến độ khởi công Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã bị chậm, song không vì thế mà nóng vội. Điện hạt nhân tại Việt Nam phải được thực hiện với từng bước đi thận trọng, đảm bảo độ an toàn, an ninh cao nhất.