Phát triển điện phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu

Theo Nguyễn Phú/ Báo Cà Mau

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, việc phát triển nguồn điện và lưới điện cơ bản đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải cực đại của toàn quốc, bảo đảm được cân đối về an ninh năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW.

Với hệ thống hạ tầng hiện có, ngành điện cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh: Nguyễn Phú
Với hệ thống hạ tầng hiện có, ngành điện cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh: Nguyễn Phú

Cụ thể, quy mô nguồn điện của Việt Nam năm 2020 tăng gấp 2 lần so với năm 2015, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và đứng thứ 23 thế giới. Hệ thống điện phát triển theo hướng hiện đại và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Việc đầu tư hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước với gần 100% số hộ dân (99,47%) được cung cấp từ lưới điện quốc gia. Về phát triển nguồn điện, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW. Năng lượng tái tạo, kể từ năm 2016-2020 đã có 175 dự án điện mặt trời được phê duyệt, với tổng công suất hơn 19.126 MWp; điện gió cũng đã có 187 dự án được bổ sung quy hoạch.

Đặc biệt, hệ thống điện cả nước hiện đang vận hành với nhiều cấp điện áp từ hạ áp đến trung áp, cao áp và siêu cao áp. Tới cuối năm 2020, cả nước có 8.527 km đường dây 500kV, 18.477 km đường dây 220kV, 37 trạm biến áp 500 kV, 136 trạm biến áp 220 kV. Ngoài ra, có 866 trạm biến áp, 24.318 km đường dây 110 kV, 360.000 km lưới điện trung áp, 350.000 km lưới điện hạ áp, đảm bảo cung ứng điện cho 28,94 triệu khách hàng,…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, mức độ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống chưa cao, chỉ khoảng 9,06 % vào mùa mưa và 8,16% vào mùa khô; sự chênh lệch mức dự phòng khả dụng giữa các miền còn khá lớn. Nhiều nguồn điện xây dựng chậm tiến độ, phát triển nguồn điện chưa phù hợp với sự phân bố phụ tải.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống điện chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực sẵn có; mức dự phòng công suất khả dụng của hệ thống khá thấp, chưa đáp ứng tiêu chuẩn vận hành chung của hệ thống;… Do đó, cần tiếp tục có quy hoạch điện mới để khắc phục những tồn tại hạng chế cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Theo kết quả dự báo, phụ tải cả nước và các miền với công suất cực đại vào năm 2025 đạt khoảng 59.389-61.357 MW; năm 2030 khoảng 86.493-93.343 MW; năm 2035 khoảng 113.952-128.791 MW; năm 2040 khoảng 135.596-162.904 MW và đến năm 2045 khoảng 153.271-189.917 MW.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, quan điểm là phát triển điện đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân. Phát triển đồng bộ nguồn điện và lưới điện, thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả. Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo; tăng tỷ lệ điện năng sản suất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% vào năm 2045.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, Quy hoạch điện VIII rất quan trọng và cấp bách cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Với tầm quan trọng đó, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính Phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo để sau khi được phê duyệt, sẽ triển khai một cách bài bản, chính xác và phù hợp với xu thế chung, đồng thời đáp ứng yêu cầu.

Trong quy hoạch, việc phân bổ, phải hạn chế chênh lệch điện giữa các vùng miền để tránh lãng phí trong đầu tư. Yêu cầu trọng tâm trong Quy hoạch Điện VIII phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu, phải giảm được tối đa khí phát thải, giảm sức đầu tư, nhất là đường dây truyền tải, trạm biến áp, để có giá thành điện tốt nhất.