Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu
Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, công tác quản lý tài nguyên, bảo vê môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được chú trọng hơn tại Việt Nam.
Theo cách hiểu thông dụng nhất hiện nay, tăng trưởng xanh đi liền với khái niệm tăng trưởng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, tăng trưởng kinh tế gắn với yêu cầu ít phát thải khí nhà kính, gắn với một xã hội có lối sống lành mạnh và thân thiện với môi trường.
Theo các tiêu chí đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bộ Chỉ số đánh giá tăng trưởng xanh được xây dựng theo 4 nội dung: Hiệu suất tài nguyên và môi trường; Nền tảng tài sản thiên nhiên; Chất lượng cuộc sống về môi trường; Cơ hội kinh tế và phản hồi chính sách. Những nội dung này cũng được đề cập tương đối rõ nét trong Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, đặc biệt là các nội dung liên quan tới thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức, các nội dung nêu trên đều đã được chi tiết hóa thông qua các chỉ tiêu trong Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Các tiêu chí này là cơ sở và động lực để thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng đã có những tiến triển nhất định.
Theo đó, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được chú trọng hơn. Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường tiếp tục được thực hoàn thiện; đánh giá tác động môi trường được quan tâm hơn; hệ thống cơ sở dữ liệu đã từng bước được xây dựng, đáp ứng yêu cầu theo dõi, giám sát, đánh giá trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường luôn được đảm bảo không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được nâng lên. Các tổ chức, cá nhân tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường và xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa và xử lý cơ sở gây ô nhiễm được tích cực thực hiện; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý ngày càng tăng; công tác khắc phục ô nhiễm và cao chất lượng môi trường được đẩy mạnh đã góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều chỉ tiêu về môi trường đã đạt và vượt mục tiêu mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đề ra như tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đã đạt 93,4% vào năm 2017, đến năm 2020 là khoảng 95,3%.
Nguồn lực tài nguyên từng bước được quản lý chặt chẽ, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn, nhất là đất đai, khoáng sản. Công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ rừng ngày càng được chú trọng. Công tác trồng rừng được triển khai tích cực, diện tích rừng trồng mới tập trung. Độ che phủ rừng đã tăng từ 28% vào năm 1990 lên trên 42% vào năm 2022; hấp thụ được trên 70 triệu tấn CO2...
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đối mặt với nhiều thách thức cần có sự vào cuộc của tất cả các bên.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" diễn ra ngày 19/3/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau, tính khả thi của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp.
Theo đó, Chính phủ khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP) trong tăng trưởng xanh; thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công-nông nghiệp và dịch vụ, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh.