Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu thế toàn cầu và hàm ý cho Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2020

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thức rõ hơn về phát triển công nghiệp sáng tạo. Nền kinh tế sáng tạo giúp ích được rất nhiều cho sự phát triển kinh tế và làm giàu cho một quốc gia. Theo một nghiên cứu của Công ty tư vấn PwC, mức tăng trưởng của kinh tế sáng tạo ước tính sẽ vượt xa mức tăng trưởng kinh tế trung bình thế giới (4,6% vào năm 2021, cao hơn 4,2% mức trung bình của tất cả các nền kinh tế). Bài viết trao đổi về xu thế phát triển kinh tế sáng tạo và đưa ra một khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Xu thế kinh tế sáng tạo trên thế giới

Cụm từ “nền kinh tế sáng tạo” hiện nay đã quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chính xác và thống nhất cho khái niệm này. Theo Wikipedia, nền kinh tế sáng tạo dựa trên việc mọi người sử dụng trí tưởng tượng sáng tạo để tăng giá trị của một ý tưởng.

Năm 2001, John Anthony Howkins – một giáo sư nổi tiếng người Anh chuyên thuyết giảng về công nghiệp sáng tạo, đã đề cập đến khái niệm kinh tế sáng tạo để mô tả các hệ thống kinh tế, trong đó đưa ra quan điểm rằng: “Những giá trị dựa trên các ý tưởng sáng tạo mới lạ sẽ tốt hơn là các nguồn lực truyền thống như đất đai, lao động và vốn” (Wikipedia, 2020).

Trong khi đó, một số nhà quan sát cho rằng, sự sáng tạo là đặc điểm nổi bật của các nền kinh tế phát triển của thế kỷ 21, cũng giống như ngành sản xuất vốn được coi là đặc trưng của nền kinh tế trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cần phân biệt rằng, công nghiệp sáng tạo là một cấu phần và là “trái tim” của nền kinh tế sáng tạo. Các ngành công nghiệp sáng tạo thường chỉ giới hạn trong các lĩnh vực cụ thể (chẳng hạn như văn học - nghệ thuật, thiết kế - kiến trúc...), trong khi khái niệm kinh tế sáng tạo được sử dụng để mô tả sự sáng tạo trong toàn bộ nền kinh tế.

Hiện nay, có nhiều cách để đo lường nền kinh tế sáng tạo. Theo các chuyên gia kinh tế, có thể sử dụng các chỉ số thông thường như trong nền kinh tế truyền thống, cụ thể: Đầu ra sản phẩm, sức chi tiêu của người tiêu dùng, việc làm, thương mại...

Tuy nhiên, việc đo lường những thứ vô hình như ý tưởng, thiết kế, thương hiệu và phong cách lại đang trở thành một thách thức trong nền kinh tế sáng tạo. Đó là chưa kể, trong ngành công nghiệp sáng tạo, tính chất công việc của cá nhân cũng khác, tỷ lệ lao động bán thời gian cao và gắn với nhiều giao dịch phi tài chính... cũng khiến cho việc nghiên cứu, đo lường hiệu quả thực sự của nền kinh tế sáng tạo trở nên khó khăn hơn.

Thực tế cho thấy, chính phủ các nước thường chậm chạp trong cung cấp và điều chỉnh số liệu để có thể nắm bắt, theo dõi các hình thức kinh tế mới, trong đó có kinh tế sáng tạo. Do đó, dữ liệu quốc gia về việc làm, GDP và thương mại thường không đáng tin cậy. Hiện nay, để có thể thúc đẩy nền công nghiệp sáng tạo nói riêng và nền kinh tế sáng tạo nói chung phát triển, Mỹ và Anh đang trong quá trình điều chỉnh số liệu thống kê quốc gia để đo lường nền kinh tế sáng tạo của họ một cách chính xác hơn.

Dù hiện nay, vẫn còn những tranh luận về đóng góp thực của kinh tế sáng tạo, song những con số thống kê hiện tại cho thấy tầm ảnh hưởng và vai trò của nền kinh tế sáng tạo nói chung và ngành công nghiệp sáng tạo nói riêng. Theo Ashley Brooks (2019), dù có đưa ra định nghĩa nền kinh tế sáng tạo như thế nào, thì dường như các chuyên gia đều có chung nhận định, kinh tế sáng tạo đang phát triển với tốc độ kỷ lục.

Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, ngành văn hóa và nghệ thuật đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia đã tăng 40% từ năm 1998 đến năm 2015. Diễn đàn Kinh tế Thế giới lưu ý rằng, ngành công nghiệp sáng tạo tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 14% trên toàn thế giới trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008.

Theo báo cáo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (Unesco) và Công ty tư vấn EY, năm 2015, nền kinh tế sáng tạo đóng góp khoảng 3% GDP của thế giới (với doanh thu hơn 2,25 nghìn tỷ USD). Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Công ty tư vấn PwC, mức tăng trưởng của kinh tế sáng tạo ước tính sẽ vượt xa mức tăng trưởng kinh tế trung bình thế giới: 4,6% vào năm 2021, cao hơn 4,2% mức trung bình của tất cả các nền kinh tế.

Một trong những ví dụ điển hình của nền kinh tế sáng tạo là K-pop - một hiện tượng toàn cầu đã đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế Hàn Quốc vào năm 2017. Từ bản hit Gangnam Style của ca sĩ Hàn Quốc PSY - người có video được xem nhiều nhất trên YouTube trong 5 năm, đến chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của nhóm nhạc trẻ BTS, Hàn Quốc đã phá triển thành lập ngành công nghiệp giải trí được thế giới yêu thích và nước này cũng đã thực hiện chủ trương đưa văn hóa nước này ra thế giới khi mà hiện nay, đã có 29 Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại 25 quốc gia.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, một phần của sự tăng trưởng này có thể là do việc sử dụng internet ngày càng mở rộng, tận dụng lợi thế của việc nhiều người chi tiền trực tuyến hơn và việc cung cấp các sản phẩm sáng tạo trên khắp thế giới tương đối dễ dàng nhờ những tiến bộ trong công nghệ. Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng, sự tăng trưởng của kinh tế sáng tạo đang trở nên phổ biến, vì các chính phủ trên thế giới bắt đầu nhận ra giá trị của lĩnh vực sáng tạo.

Vai trò của nền kinh tế sáng tạo

Từ xu hướng mới của xu hướng kinh tế sáng tạo toàn cầu, có thể thấy vai trò của nền kinh tế sáng tạo như sau:

- Từ góc độ kinh tế thuần túy, các dịch vụ sáng tạo trong nền kinh tế sáng tạo là động lực to lớn của thị trường việc làm. Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn PwC, nền kinh tế sáng tạo toàn cầu giúp chính phủ các nước giải quyết vấn đề thất nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm. Đến nay, trên thế giới đã có 30 triệu người làm việc trong các hoạt động sáng tạo và khoảng 1,2 triệu người làm công việc phi chính thức liên quan đến lĩnh vực này. Một trong những quốc gia tận dụng được lợi thế từ kinh tế sáng tạo là Brazil. Theo Ngân hàng Quốc gia về Phát triển Kinh tế và Xã hội Brazil, hiện nay, có khoảng 850 nghìn người dân nước này tham gia lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, tạo ra 155 tỷ BRL trong nước. Hay như ở Mỹ, giá trị của lĩnh vực sáng tạo ở Mỹ là 763,6 tỷ USD vào năm 2015, chiếm 4,2% GDP của quốc gia năm đó, đồng thời, mỗi công việc liên quan đến sáng tạo lại tạo thêm 1,61 vị trí việc làm trong các ngành khác.

- Nhiều số liệu cho thấy, nghệ thuật đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia so với các ngành xây dựng, khai thác mỏ, tiện ích, bảo hiểm, chỗ ở và dịch vụ ăn uống. Ngày nay, một nền kinh tế sáng tạo không chỉ ở ngành công nghiệp, dịch vụ...

- Ngoài lợi ích kinh tế, kinh tế sáng tạo còn tạo ra giá trị phi tiền tệ góp phần quan trọng vào việc đạt được sự phát triển xã hội bao trùm và bền vững. Công nghiệp sáng tạo nói riêng và kinh tế sáng tạo nói chung làm cho văn hóa trở thành động lực thúc đẩy các quá trình phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Nền kinh tế sáng tạo giúp gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp tồn tại. Chẳng hạn như: các ngành công nghiệp văn hóa như bảo tàng, địa điểm di sản, sự kiện và nghệ thuật biểu diễn đều đóng vai trò duy trì bản sắc văn hóa và chia sẻ bản sắc đó với những người khác thông qua các chương trình du lịch, hay các chương trình truyền hình toàn cầu. Theo các chuyên gia, dịch vụ sáng tạo có thể là động cơ để xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và chấp nhận giữa các nền văn hóa.

Giải pháp phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trọng tâm kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua phát triển đồng bộ các loại thị trường kết hợp với tận dụng khai thác cơ hội của công nghệ số, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, bên cạnh việc khắc phục những yếu kém đặc trưng của một nền kinh tế ở giai đoạn thu nhập trung bình thấp, Việt Nam cần bắt tay ngay vào phát triển kinh tế sáng tạo, tạo điều kiện khuyến khích đổi mới sáng tạo và tích lũy năng lực công nghệ đồng thời tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ số để hướng nền kinh tế đi vào quỹ đạo của nền kinh tế sáng tạo (Nguyễn Chí Dũng, 2020).

Các nghiên cứu cho thấy, nền kinh tế sáng tạo giúp ích được rất nhiều cho sự phát triển kinh tế và làm giàu cho một quốc gia, đặc biệt là ở các đất nước đang phát triển và đang trong tình trạng gia công, lắp ráp và xuất khẩu thô. Do vậy, nhằm thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo ở Việt Nam, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, sáng tạo luôn là một giải pháp tối ưu để phát triển một nền kinh tế, là giải pháp thúc đẩy nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tăng trưởng nhanh hơn. Do vậy, cần có những quan điểm đúng đắn về đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế. Phải luôn đổi mới sáng tạo hoặc thay đổi các ý tưởng về sản phẩm, về hàng hóa, về chất lượng để có thể đem lại lợi thế cạnh tranh về kinh doanh và các nền kinh tế quốc gia. Hiện nay, những quốc gia đứng đầu về nền kinh tế sáng tạo, họ luôn tối ưu hóa các ý tưởng công nghiệp, dịch vụ, áp dụng công nghệ tinh vi, hiện đại vào chu trình sản xuất hàng hóa của mình.

Hai là, một nền kinh tế sáng tạo không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào năng suất lao động hay tài nguyên thiên nhiên mà còn dựa vào các ứng dụng công nghệ và sự học hỏi, đổi mới. Do vậy, việc đổi mới các chính sách, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, học hỏi lẫn nhau, áp dụng công nghệ tối tân với tư duy đột phá là các yêu cầu cần có để tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế sáng tạo phát triển.

Ba là, Việt Nam cần nghiên cứu, phân tích các yếu tố góp phần tạo ra con đường thành công cho kinh tế sáng tạo phát triển. Thực tiễn cho thấy, các yếu tố thành công đó bao gồm: Sự sẵn có của cơ sở hạ tầng và nguồn lao động, sự tồn tại của luật pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu... Đồng thời, cần nghiên cứu các mối liên hệ giữa các khu vực phi chính thức và chính thức của nền kinh tế sáng tạo để thiết lập chính sách phù hợp.

Bốn là, sự thay đổi của truyền thông kỹ thuật số và việc xử lý các vấn đề như trả tiền bản quyền và vi phạm bản quyền đang là những thách thức, là vấn đề tranh cãi trong nền kinh tế sáng tạo. Thực tế cho thấy, hiện nay, tại Việt Nam, việc vi phạm bản quyền sáng tạo của tác giả vẫn rất phổ biến. Do vậy, cần có các quy định pháp luật gắn với các chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan.

Năm là, phương tiện kỹ thuật số nói riêng và công nghệ số nói chung đã gia tăng cơ hội đáng kể trong việc gia nhập công việc sáng tạo. Theo đó, bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu “khởi nghiệp” hoạt động này dễ dàng chỉ với một website, một smartphone để tạo dựng các sản phẩm. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một vấn đề cho cơ quan quản lý: Với những sản phẩm có thể tạo ra thu nhập trên mạng xã hội thì việc quản lý thuế và đánh thuế cũng không hề dễ dàng.

Sáu là, giải bài toán về nhân lực cho nền kinh tế sáng tạo. Tại Hoa Kỳ, 85% các nhà tuyển dụng muốn thuê những người sáng tạo nhưng họ không thể được đáp ứng nhu cầu đó vì lĩnh vực này rất “kén người”. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần đưa ra các giải pháp để phát triển nhân lực trong lĩnh vực sáng tạo (Văn học nghệ thuật; Công nghiệp nghe nhìn, kiến trúc đồ họa, thiết kế trực tuyến...) để có thể tạo nền tảng cho kinh tế sáng tạo phát triển.    

Tài liệu tham khảo:

1. Đinh Trường Hinh (2020), Tiến lên nền kinh tế sáng tạo bằng cách nào?, Thời báo Kinh tế Sài Gòn;

2. Thảo Nguyên (2020), Cần bắt tay ngay vào phát triển kinh tế sáng tạo, Báo Quân đội nhân dân điện tử;

3. Nguyễn Đức Khương (2020), Kinh tế sáng tạo và sự vươn lên của các quốc gia, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập;

4. Vinh Lan (2020) Thế nào là một nền kinh tế sáng tạo?, Tạp chí Kinh tế và Dự báo;

5. Ashley Brooks (2019), What Is the Creative Economy? The True Impact of a Career in the Arts, https://www.rasmussen.edu/;

6. Một số website: bluevisionbraskem.com,