Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường
Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường, do đó nền kinh tế tuần hoàn đang được coi là mô hình cần được quan tâm, định hướng phát triển cho thời gian tới.
Các quan điểm về kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Các hiệp định, thỏa thuận toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng (Reuse) thông qua chia sẻ (Sharing), sửa chữa (Repair), tân trang (Refurbishment), tái sản xuất (Remanufacturing) và tái chế (Recycling) nhằm tạo ra các vòng lặp kín (close-loops) cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải.
Liên minh châu Âu định nghĩa: “Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế mà giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu, tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể và đồng thời giảm thiểu việc phát thải”. Theo nguyên lý đó, nền kinh tế càng bỏ đi ít sản phẩm thì sẽ càng ít tài nguyên thiên nhiên bị khai thác để sản xuất sản phẩm mới, từ đó, môi trường sẽ chịu càng ít tác động tiêu cực từ con người.
Theo Ellen MacArthur Foundation (2012), kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.
Theo Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Lợi ích kinh tế tuần hoàn
Cùng với kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường hướng tới phát triển bền vững. Đây là nền kinh tế thay đổi cơ bản về nguyên lý và tư duy phát triển. So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp. Phát triển kinh tế tuần hoàn thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp và khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng... Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường. Cùng với đó, xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, tạo ra thị trường mới, cơ hội mới, việc làm mới và nâng cao sức khỏe cho người dân.
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế tuần hoàn có những ưu điểm và lợi ích như sau:
- Đối với quốc gia: Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
- Đối với xã hội: Kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân...
- Đối với doanh nghiệp: Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...
Thách thức phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Là một nước có nền kinh tế đang phát triển, việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đối mặt với không ít thách thức, cụ thể:
Một là, nhận thức về kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn hạn chế vì đây là vấn đề khá mới. Nhận thức đúng về kinh tế tuần hoàn cần được thực hiện từ việc thiết kế tới triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực và cần được đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý tới từng doanh nghiệp và người dân.
Hai là, vẫn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển như: Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…
Ba là, nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn yếu. Kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình.
Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường
Phát biểu tại Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội ngày 28/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra chủ trương lớn, đó là bên cạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, cần phát triển kinh tế tuần hoàn như một định hướng trên con đường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển.
Hiện nay, kinh tế tuần hoàn không chỉ được đề cập trong chủ trương, mà còn được quy định rõ tại các quy định pháp luật. Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.
Trong khi đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường cũng quy định rõ, khuyến khích việc tái sử dụng chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn.
Về cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn, Điều 140, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn đối với các hoạt động sau: Nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn; Cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động, dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường, dự án được cấp tín dụng xanh theo quy định của pháp luật được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật khác có liên quan và cơ chế khuyến khích về tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định tại Nghị định này.
Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích các hoạt động phát triển kinh tế tuần hoàn sau: Nghiên cứu, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật; Phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh tái chế, các mô hình liên kết vùng, liên kết đô thị với nông thôn và các mô hình khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn; Áp dụng các biện pháp cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; Phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải; Huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật; Hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ về kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, để thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự chung tay, chia sẻ và cùng hành động trong giảm phát thải carbon hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, như cách nhân loại đã cùng nhau ứng phó với đại dịch COVID-19. Ngoài ra, cần chuyển giao công nghệ, gỡ bỏ các rào cản bao gồm quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ. Chìa khóa để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” chính là công nghệ xanh, công nghệ hiện đại.