Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Lê Thị Thu Hoài, Trần Nữ Hồng Dung - Trường Đại học Hà Tĩnh

Chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là xu thế chung của toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Điều này giúp giải quyết các vấn đề tiêu cực như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững. Bài viết tìm hiểu một số vấn đề về phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Kinh tế tuần hoàn

Ellen MacArthur Foundation (2012) định nghĩa: “Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, KTTH là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Như vậy, KTTH là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Bản chất của KTTH là tính khôi phục và tính tái tạo, với 3 nội dung cơ bản sau: (i) Bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát hợp lý các tài nguyên không thể phục hồi và cân đối với các tài nguyên có thể phục hồi, các nguồn năng lượng tái tạo; (ii) Tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học; (iii) Nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách chỉ rõ và thiết kế các ngoại ứng tiêu cực.

Tính tất yếu của dịch chuyển nền kinh tế tuần hoàn

Chuyển dịch kinh tế theo hướng KTTH là xu thế tất yếu của thời đại, được toàn cầu đồng thuận coi là cuộc Cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ XXI bởi áp lực từ các vấn đề tiêu cực do các mô hình kinh tế tuyến tính gây ra và những lợi ích thấy rõ của KTTH. Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế đã có sự thay đổi vượt bậc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 4.160 USD. Tuy nhiên, đi kèm với tăng trưởng, mô hình kinh tế tuyến tính đã gây ra những vấn đề môi trường không nhỏ. Cụ thể:

Thứ nhất, gia tăng rác thải: Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng rác thải rắn của Việt Nam vào năm 2018 là khoảng 25,5 triệu tấn, năm 2019 khối lượng rác thải rắn sinh hoạt là 23,3 triệu tấn. Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, tiêu thụ nhựa bình quân đầu người năm 2019 ở nước ta là 41kg, cao gấp 10 lần so với năm 1990. Mặc dù là nền kinh tế nhỏ nhưng Việt Nam đứng thứ tư thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philipines.

Thứ hai, gia tăng tiêu thụ tài nguyên, năng lượng: Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng, bao gồm năng lượng than và dầu mỏ. Dự báo tới năm 2030, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 100 triệu tấn than mỗi năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường mà còn khiến chi phí sản xuất ở mức cao, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thứ ba, ô nhiễm môi trường gây thiệt hại nghiêm trọng: Ô nhiễm có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035, dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 11% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Đặc biệt, các sự cố môi trường từ việc xả thải của các nhà máy đã gây thiệt hại lớn tới các hệ sinh thái.

Trong khi đó, KTTH hội tụ đủ 4 lợi ích cho nền kinh tế: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Chiến lược phát triển KTXH Việt Nam đề ra mục tiêu “phát triển nhanh và bền vững”. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi thực hiện KTTH và đây là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về kinh tế tuần hoàn

Để từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang KTTH, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; đẩy mạnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó BÐKH và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện phát triển mô hình KTTH.

Đảng ta rất coi trọng phát triển bền vững, thể hiện ở Chỉ thị 36/CT-TW năm 1998 đã đề cập tới “áp dụng công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng”; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH; Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

Giai đoạn 2021 -2030, Đảng và Nhà nước xác định việc phát triển nền KTTH là một trong những định hướng quan trọng của đất nước. Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai mô hình KTTH dựa trên 3 trụ cột: Thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; Giảm rác thải, phát thải; Khôi phục hệ sinh thái. Để phát triển KTTH, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định, phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển KTTH; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đó là “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”.

Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, những năm qua, Nhà nước đã có những chính sách, pháp luật phát triển KTTH, bao gồm Luật BVMT 2005, 2015, Luật Khoáng sản 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Đất đai 2013 và nhiều văn bản dưới luật. Các nội dung liên quan đến KTTH cũng được thể hiện trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020, Chiến lược BVMT đến 2020, tầm nhìn 2030, Chiến lược tăng trưởng Xanh, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 về phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam…

KTTH không chỉ được đề cập trong chủ trương mà còn được nghiên cứu và thể chế hóa thành quy định trong Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật cũng đưa ra những quy định chi tiết hơn về tiêu chí, nêu rõ cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH đối với các hoạt động sau: Nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện KTTH; Cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về KTTH...

Các mô hình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam

Trên thực tế, Việt Nam đã có một số mô hình thể hiện cách tiếp cận của KTTH, ở một số lĩnh vực. Trong nông nghiệp, việc sử dụng các mô hình KTTH, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp khá phổ biến như mô hình VAC, VRAC đã được áp dụng từ những năm 1970. Đây là mô hình KTTH khép kín hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, vừa tận dụng, khai thác triệt để chất thải, phụ phẩm trong sản xuất, đảm bảo kinh tế, vừa giải quyết vấn đề môi trường trong nông nghiệp và ở nông thôn.

Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, KTTH được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, nhiều DN. Cụ thể:

Thứ nhất, trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, nhiều DN đã đầu tư vào phát triển năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió và năng lượng điện sinh khối với nguồn gỗ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp... Năng lượng điện gió cũng rất có tiềm năng phát triển.

Thứ hai, mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp như phế phẩm ngành sản xuất mía đường để làm rượu, phát điện; tro xỉ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng... Các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với 40 doanh nghiệp lớn như: TH Group, Coca-Cola, LaVie, Nestle, Nutifood… với cam kết tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030. Thỏa thuận thiết lập hợp tác công-tư về xây dựng KTTH trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được nhiều đơn vị tham gia thực hiện.

Thứ ba, với sự hỗ trợ của UNIDO và Quỹ Môi trường Toàn cầu, đã hình thành mô hình các khu công nghiệp sinh thái, theo kiểu khu công nghiệp KTTH tại Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ, với 72 DN tham gia nhằm tăng cường chuyển giao, triển khai và phổ biến chia sẻ và tuần hoàn nguyên liệu, năng lượng, chất thải và nước giúp tiết kiệm được khoảng 6,5 triệu USD mỗi năm.

Thứ tư, nhiều làng nghề Việt Nam đã thực hiện tái chế phế liệu, rác thải sinh hoạt và công nghiệp trong nhiều năm như tái chế thép từ phế liệu, tái chế giấy vụn, tái chế đồ nhựa... vừa tạo ra sinh kế cho người dân, vừa góp phần giải quyết rác thải.

Trong tiêu dùng, nhiều mô hình tiêu dùng xanh ra đời theo hướng sử dụng sản phẩm có khả năng tái tạo, tiết kiệm năng lượng như dùng ống hút cỏ, không sử dụng túi ni lông, thiết kế nhà xanh... Quá trình thúc đẩy phát triển công nghệ số hóa, loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở Việt Nam, trong đó nổi lên 3 loại hình dịch vụ: (1) Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông (như Grab, Go Viet, Dichung, Fastgo, Bee...); (2) Dịch vụ lưu trú (như Airbnb, Travelmob, Luxstay); (3) Dịch vụ cho vay ngang hàng (Fintech). Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành như dịch vụ du lịch, chia sẻ không gian làm việc, gửi xe, chia sẻ lao động và việc làm…

Như vậy, KTTH đã được áp dụng khá sớm ở Việt Nam và đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các mô hình này còn hạn chế trong một số lĩnh vực, một số DN, chưa tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng sản xuất và xã hội. Kết quả khảo sát năm 2022 của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đối với 500 DN cho thấy, mức độ áp dụng KTTH tại các DN là tương đối thấp, cả ở góc độ đổi mới và áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Đặc biệt, nhiều mô hình KTTH chưa khép kín, đầy đủ được thiết kế từ giai đoạn lập kế hoạch, đầu tư, xây dựng... Các mô hình này đều hướng tới việc giảm chất thải thông qua việc tuần hoàn vật liệu, tuy nhiên, việc tái sử dụng và tái chế chất thải chủ yếu do động lực kinh tế và tạo công ăn việc làm chứ rất ít mô hình giải quyết được ô nhiễm môi trường, thậm chí chính các mô hình này là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường như tại các làng nghề tái chế sắt, giấy, nhựa, chì…

Hạn chế trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Việt Nam dù đã rất nỗ lực trong chuyển dịch nền kinh tế tuyến tính sang KTTH, tuy nhiên việc phát triển KTTH còn gặp nhiều hạn chế:

Một là, nhận thức về KTTH nói chung và lợi ích, trách nhiệm của DN, cá nhân trong chuyển dịch KTTH còn hạn chế. DN chưa thực sự nắm bắt và thực hiện việc chuyển đổi sang KTTH do áp lực của chi phí áp dụng các giải pháp kỹ thuật của KTTH, cũng như sự lỏng lẻo trong thực thi pháp. Người dân chưa ý thức trong phân loại rác thải sinh hoạt, chưa tham gia trong việc khắc phục hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải… đây là vấn đề khiến cho việc triển khai KTTH khó khăn.

Hai là, luật pháp và các chính sách liên quan đến KTTH còn chưa thống nhất, đồng bộ, dẫn đến gây khó khăn cho việc thực thi. Các quy định về KTTH tại Luật BVMT năm 2020 là rất mới, các luật khác liên quan đã ban hành trước đây chưa kịp bổ sung, thay đổi, hoàn thiện để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Ngoài ra, các chính sách liên quan đang trong quá trình hoàn thiện ở cấp Trung ương và các địa phương.

Ba là, chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của KTTH. Đây là thách thức lớn để biết được sự phát triển kinh tế hiện nay đã tiếp cận tới phát triển KTTH trong các ngành, lĩnh vực và địa phương ở mức độ nào.

Bốn là, nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đối sang phát triển KTTH còn yếu, Việt Nam chưa hình thành ngành công nghiệp môi trường. KTTH phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến, thiết kế mô hình trong bối cảnh chúng ta là nước đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ nhẻ như lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo; chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn. Để thực hiện KTTH đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi giải quyết được từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng tái sử dụng, tái chế chất thải.

Năm là, các DN chưa đủ năng lực, nguồn lực để chuyển dịch mô hình KTTH vốn dĩ cần phải có nguồn vốn lớn đầu tư cho các công nghệ, quy trình sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và theo hướng tuần hoàn. Tuy nhiên, ở nước ta chủ yếu là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ với nguồn vốn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để thiết kế và hoàn thiện quy trình sản xuất hướng tới KTTH.

Giải pháp phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Để thúc đẩy sự phát triển nền KTTH tại Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng Chiến lược truyền thông về KTTH nhằm nâng cao nhận thức của các DN và người dân về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn thông qua các chương trình tập huấn, chương trình truyền thông xuống các thôn, bản; đem giáo dục nhận thức về KTTH và BVMT vào trường học để phổ biến… Nhà nước tổ chức nghiên cứu, chọn lọc các mô hình KTTH, các công nghệ sử dụng trong KTTH để tuyên truyền, giới thiệu, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng trong sản xuất. Những mô hình ứng dụng thành công cần được tôn vinh, nhân rộng.

Thứ hai, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền KTTH, gồm: Quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; Quản lý dự án theo vòng đời, xây dựng và áp dụng chặt chẽ các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, chất lượng nguyên liệu đầu vào, quy định chính sách cụ thể như ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế, quy hoạch hỗ trợ mặt bằng cho ngành tái chế rác ở xa khu dân cư… nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của quốc gia và điều kiện của từng ngành nghề, từng DN.

Thứ ba, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, phát triển khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ cho các DN chuyển đổi sang mô hình KTTH; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay; Đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan trong hoạt động khoa học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành sản xuất, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Tăng cường nguồn lực khoa học công nghệ, thực hiện kinh tế tuần hoàn cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tư, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận tăng cường trao đổi, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm chuyển dịch KTTH trên thế giới từ đó lựa chọn chuyển giao, vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam. Xây dựng đội ngũ chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu để xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng KTTH, đặc biệt là xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình KTTH cho các DN theo ngành, lĩnh vực, quy mô.

Thứ năm, DN phải xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia nền KTTH, cụ thể: Phân tích lợi ích – chi phí của việc chuyển dịch mô hình kinh doanh theo KTTH, xây dựng lộ trình chuyển dịch; truyền thông để nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ; tham gia có hiệu quả các chuỗi liên kết, mạng sản xuất, từ trong nước đến phạm vi khu vực và toàn cầu để tăng cường sự kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các DN khác, nhất là đối với các DN có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chuyển dịch mô hình sản xuất theo hướng KTTH.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Đình Đáp (2021), Kinh tế tuần hoàn những vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Ngân hàng online, tháng 10/2021;
  2. Nguyễn Thế Chinh (2019). Cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 10/2019l
  3. Nguyễn Hoàng Nam, Hoàng Thị Huê (2019), Kinh tế tuần hoàn và sự dịch chuyển tất yếu, VNU Journal of Science: Policy and Management Studies, Vol. 35, No. 3 (2019) 21-28l
  4. Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Trọng Hạnh (2019), Thực hiện kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 10/2019;
  5. Bùi Quang Trung, Phạm Hữu Năm (2020), Một số giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Kỳ 2, tháng 6/2020;
  6. Nguyễn Tấn Vinh, Võ Hữu Phước, (2022) Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm của một số nước châu Âu và hàm ý chính sách đối với Việt Nam, Tạp chí Cộng sản.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023