Phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bảo hiểm

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, trong năm 2010, thị trường bảo hiểm có những bước phát triển khả quan được thể hiện toàn diện trên các mặt.

Công tác phát triển thị trường bảo hiểm : Những bước tiến mới

Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường là 53 doanh nghiệp, trong đó gồm 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 12 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 11 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (hiện tại 01 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể) và 1 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định và đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước cả năm 2010 đạt khoảng 30.690 tỷ đồng tăng 20,3% so với năm 2009 (đạt tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm/GDP khoảng 1,7%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 17.000 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2009), doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khoảng 13.690 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2009).

 Doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 8.208 tỷ đồng, trong đó phi nhân thọ đạt 2.300 tỷ , nhân thọ đạt 5.908 tỷ (tăng 26,2% so với 2009).

 Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước cả năm 2010 là 2.043 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2009. Tổng hoa hồng môi giới bảo hiểm nhận được là 265 tỷ đồng tăng 18,6% so với năm 2009. 

 Nhằm huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư dài hạn của nền kinh tế, đến cuối năm 2010, ngành bảo hiểm đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 92.809 tỷ đồng tăng gần 26 nghìn tỷ so với năm 2009 (trong đó: PNT 19.084 tỷ đồng, NT 73.725 tỷ đồng). Cũng trong năm 2010, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường và trả tiền bảo hiểm gần 12.033 tỷ đồng (PNT 6.800 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 40%, NT 5.233 tỷ đồng) đảm bảo sự phát triển ổn định của các tổ chức, cá nhân không may gặp rủi ro, qua đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế xã hội.

 Tổng số đại lý bảo hiểm hoạt động tính đến hết năm 2010 khoảng 215.000 đại lý, tăng 20% so với năm 2009, trong đó lĩnh vực phi nhân thọ 55.000 đại lý, lĩnh vực nhân thọ là 160.000 đại lý.

 Hiện nay có 33 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

 Chú trọng công tác nghiên cứu, đào tạo

 Nhằm kiểm soát tốt chất lượng đại lý bảo hiểm trên thị trường, tính đến hết tháng 11/2010, Cục Quản lý giám sát (Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm) đã phối hợp tổ chức và phê duyệt kết quả thi của 5.752 khoá đào tạo đại lý bảo hiểm với 123.253 học viên tham dự, có 116.118 học viên đỗ, đạt tỷ lệ 94,21%. Dự kiến cả năm sẽ tổ chức 6.370 kỳ thi với khoảng 136.000 học viên tham gia.

Trong năm 2010, đã xây dựng bổ sung 687 câu hỏi cho khối DNBH nhân thọ và 421 câu hỏi cho khối DNBH phi nhân thọ; nâng tổng số câu hỏi của Ngân hàng lên 2.296 câu hỏi, trong đó 1.355 câu hỏi cho khối DNBH nhân thọ và 941 câu hỏi cho khối DNBH phi nhân thọ; góp phần nâng cao chất lượng thi đại lý bảo hiểm.

Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm đã tổ chức được 3 khoá đào tạo cơ bản về bảo hiểm cho cán bộ doanh nghiệp bảo hiểm, với tổng số 164 người tham dự (trong đó 1 khoá cho cán bộ, công chức của Cục QLBH và một số đơn vị trong Bộ).

 Tăng cường công tác hợp tác và hội nhập quốc tế

 Tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác với nước ngoài như: Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS), Các cơ quan quản lý bảo hiểm của các nước khối ASEAN, Cơ quan quản lý bảo hiểm các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo, Italy, Pháp, Nhật, Úc.. các cơ sở đào tạo nước ngoài (Học viện Bảo hiểm Malaysia, các DNBH có vốn ĐTNN và VPĐD của DNBH nước ngoài tại Việt Nam, v.v…

Trong năm, Cục QLGSBH đã tham dự Hội nghị các cơ quan quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS) lần thứ 17, Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm Asean lần thứ 13 (AIRM 13), Hội nghị Cơ quan quốc gia về xe cơ giới (COB 11) và tham gia các Hội thảo về nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh đó, Cục cũng đã làm việc với các cơ quan quản lý bảo hiểm và một số công ty bảo hiểm của Pháp, Nhật, Ý, Đức, Anh, Đài Loan, Úc về Luật kinh doanh bảo hiểm, Bảo hiểm nông nghiệp, Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Khảo sát hoạt động đào tạo bảo hiểm của các tập đoàn bảo hiểm tại Pháp và Đài Loan.

 Về phối hợp với các cơ quan trong nước: Cục QLGSBH đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xây dựng Kế hoạch phối hợp tuyên truyền Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đến thanh niên, người dân và xã hội; Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (Bộ Công an) đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý việc chấp hành chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới.

 Định hướng phát triển năm 2011

 Trong năm 2011, Cục quản lý giám sát bảo hiểm dề ra mục tiêu và định hướng phát triển, bao gồm các nội dung:  Ổn định thị trường để phát triển bền vững; Về tốc độ tăng trưởng: Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng từ 22-25%, thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng từ 12-15% so với năm 2010; Phát triển thị trường bảo hiểm toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế và của người dân; nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động bảo hiểm; đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Năm 2011, dự kiến tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 35.290 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2010, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 22-25%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khoảng 15.290 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 12-15% so với năm 2010.

 Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam (từ 2011-2020), vì vậy để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ giao, Cục quản lý giám sát bảo hiểm, với nỗ lực và quyết tâm cao cùng với các giải pháp thực hiện sẽ góp phần xây dựng thị trường tài chính ổn định, phát triển./.