Phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp


Nửa cuối 2023 đã chứng kiến sự phục hồi đáng kể của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Song, với việc một số quy định của Nghị định 08/2023 đã hết hiệu lực, thị trường lại đối diện với nỗi lo lớn trong năm 2024.

Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 51,6% tổng giá trị mua lại trái phiếu trước hạn. Ảnh: Nguyệt Anh
Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 51,6% tổng giá trị mua lại trái phiếu trước hạn. Ảnh: Nguyệt Anh

Nhìn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023, có thể thấy hai mảng màu tương phản giữa hai giai đoạn nửa đầu và nửa cuối năm.

Cú bật nhảy nửa cuối năm 2023

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA (được tổng hợp từ HNX và SSC), nửa đầu năm 2023, thị trường khá yếu ớt khi tổng giá trị phát hành chỉ đạt 42.783 tỷ đồng, thậm chí quý I/2023 còn không có bất kỳ đợt phát hành nào. Tuy nhiên, ở nửa cuối năm 2023, thị trường đã cải thiện vượt trội khi tổng giá trị phát hành lên tới 281.451 tỷ đồng, cao gấp 6,5 lần giai đoạn nửa đầu năm.

Để hình dung rõ nét hơn sự “bùng nổ” của giai đoạn nửa cuối năm, chỉ riêng tháng 12/2023 đã có 74 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị đạt 55.762 tỷ đồng - cao hơn 30% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nửa đầu năm 2023 và tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm trước.

Phần lớn các đợt phát hành này đến từ các ngân hàng thương mại với 55.086 tỷ đồng (chiếm gần 84% tổng giá trị phát hành), gấp 3,3 lần so với tháng 11/2023. Dẫn đầu về giá trị phát hành trong nhóm này là LPBank với 9.750 tỷ đồng từ bốn đợt phát trái phiếu mã LPBL232600 6, 7, 8, 9. Các lô trái phiếu có kỳ hạn từ 2 - 3 năm, lãi suất dao động từ 5,1 - 6%/năm.

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của LPBank bắt đầu từ cuối tháng 9/2023. Tính đến hết năm, ngân hàng này huy động được 15.950 tỷ đồng trái phiếu từ 9 đợt phát hành. Theo kế hoạch, LPBank dự kiến sẽ sử dụng nguồn tiền từ phát hành trái phiếu để bổ sung vốn huy động trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của khách hàng.

Techcombank đứng thứ hai trong nhóm ngân hàng với bốn đợt huy động, tổng giá trị 8.000 tỷ đồng. Tính cả năm 2023, Ngân hàng có 11 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị theo mệnh giá 25.300 tỷ đồng.

Sát nút theo sau là TPBank ở mức gần 7.941 tỷ đồng trái phiếu tháng 12/2023. Đây cũng là ngân hàng đứng đầu về số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với 13 lô trái phiếu TPBL2333015-27, kỳ hạn từ 2 - 10 năm, lãi suất dao động từ 5,7 - 7,03%/năm.

Trong tháng 12/2023, có sáu doanh nghiệp bất động sản huy động được hơn 6.700 tỷ đồng trái phiếu, cao gấp 2,7 lần tháng 11, nhưng chỉ chiếm hơn 10% tổng giá trị phát hành. Chiếm chủ yếu trong đó là Vinhomes phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu mã VHMB2325005. Xét từ đầu năm 2023, doanh nghiệp này có năm đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 9.000 tỷ đồng; có kỳ hạn từ 18 - 24 tháng, cùng lãi suất 12%/năm.

Đứng thứ hai về khối lượng phát hành trong nhóm bất động sản là Công ty CP Đầu tư và du lịch Sài Gòn - Lâm Đồng huy động 1.607 tỷ đồng trái phiếu mã SLTCH232800, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12%/năm.

Tuy nhiên, xét về mức lãi suất cao nhất, thì “quán quân” thuộc về lô trái phiếu mã SGGCH2328004 của Công ty CP Saigon Capital, tổng giá trị là 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm. Đây là lần thứ tư doanh nghiệp này huy động vốn từ trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá lên tới 4.000 tỷ đồng chỉ trong bốn tháng cuối năm 2023. Các lô trái phiếu này đều có tổ chức lưu ký là Công ty CP Chứng khoán HD.

Bên cạnh việc phát hành tăng mạnh, năm 2023, một tín hiệu tích cực khác là các doanh nghiệp đã tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn. Tính đến ngày 5/1/2024, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong năm 2023 đạt 248.564 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 76,7% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 51,6% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 128.159 tỷ đồng).

Điểm sáng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là Chính phủ đã đưa vào vận hành sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung. Đây là điểm quan trọng làm tăng thanh khoản. Theo thống kê của HNX, đã có khoảng 760 mã trái phiếu doanh nghiệp của khoảng 200 tổ chức phát hành được đưa lên hệ thống này, qua đó tăng thanh khoản cho thị trường khoảng 20-30 lần so với giai đoạn trước.

Áp lực đáo hạn

Sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nguyên nhân rất lớn từ việc ra đời của Nghị định số 08/2023 sửa đổi một số điều của Nghị định 153/2020 và Nghị định số 65/2022 (được ban hành đầu tháng 3/2023).

Nghị định 08 đã cho nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp ba quyền. Một là được đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Hai là kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu. Ba là ngưng hiệu lực thi hành các quy định về xếp hạng tín nhiệm, về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành.

Trong ba quyền trên, quyền thứ ba đã hết hạn vào ngày 31/12/2023. Điều này đồng nghĩa năm 2024, việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.

Điều này lại diễn ra trong bối cảnh 2024 tiếp tục là một năm “đỉnh cao” về đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Ước tính sẽ có khoảng 276.480 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113.201 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng (chiếm 20%).

Áp lực đáo hạn lớn cộng với việc phát hành mới trở nên khó khăn sẽ là thách thức to lớn với không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản vốn đang chìm trong khó khăn do thị trường khủng hoảng và gần như cạn kiệt nguồn lực sau một năm 2023 gồng mình chống chọi.

Thống kê của MBS cho thấy, tính đến ngày 22/12/2023, có khoảng 103 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, chiếm tỷ lệ gần 19% tổng dư nợ toàn thị trường. 70% trong số đó là nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Tình hình nêu trên khiến giới chuyên môn đặc biệt lo ngại. Do đó, những ý kiến đề xuất về việc gia hạn thời gian áp dụng các điều khoản của Nghị định 08 đang ngày càng nhiều hơn.

Tại một hội thảo gần đây, TS. Cấn Văn Lực  thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, việc quay trở lại các quy định của Nghị định 65/2022 là cần thiết, song cần có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

“Tôi nghĩ xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp phát hành nên có lộ trình phù hợp hơn. Nguyên do là hiện nay mới chỉ có ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm; hai là văn hóa, thói quen của những bên phát hành mua dịch vụ xếp hạng tín nhiệm rõ ràng chưa hình thành ngay được. Tôi nghĩ nên cân nhắc lộ trình thích hợp hơn ở chỗ xếp hạng tín nhiệm và đặc biệt phải phân nhóm ra, nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm, nhóm nào không cần xếp hạng tín nhiệm. Thí dụ, ngân hàng thương mại không cần xếp hạng tín nhiệm vì họ phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp hai, thứ hai là họ được Nhà nước quản lý chặt chẽ các hệ số an toàn”, ông Lực nói.

Theo Thùy Linh/nhandan.vn