Phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác tài chính Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Hy Lạp

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Thực hiện chương trình đối ngoại của Bộ Tài chính năm 2013 và chương trình hoạt động dự án cải cách tài chính công do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, từ ngày 3/7/2013 đến ngày 14/7/2013, đoàn công tác cấp cao của Bộ Tài chính do Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp đã thăm và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác tài chính Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Hy Lạp
Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Công Nghiệp và Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ ông Abdullah Erdem Cantimur. Nguồn: mof.gov.vn

Đối phó khủng hoảng nợ công, suy thoái kinh tế

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn đã có cuộc hội đàm với Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, ông Abdullah Erdem Cantimur. Tham dự Hội đàm giữa lãnh đạo hai Bộ, ngoài thành viên đoàn công tác hai bên có sự tham gia của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nguyễn Thế Cường.

Tại cuộc Hội đàm, Lãnh đạo hai Bộ đã trao đổi cập nhật tình hình phát triển kinh tế, tài chính, ngân sách của hai nước; trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phân cấp ngân sách; trao đổi cơ hội tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế thương mại hai nước nói chung và quan hệ hợp tác tài chính giữa hai Bộ nói riêng. Lãnh đạo hai Bộ nhất trí việc tiến hành trao đổi nội dung Biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính giữa hai Bộ và giao Vụ Hợp tác quốc tế hai bên làm đầu mối liên hệ để trao đổi, thống nhất trình Lãnh đạo hai Bộ ký kết trong thời gian thích hợp.

Phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác tài chính Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Hy Lạp - Ảnh 1

Cán bộ Bộ Tài chính của hai nước Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ chụp ảnh lưu niệm sau Hội đàm tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có những dấu hiệu phát triển chưa ổn định, đặc biệt là kinh tế Châu Âu đang trong chu kỳ suy thoái và khủng hoảng nợ công, tại Hy Lạp, đoàn đã có các cuộc gặp và làm việc với Lãnh đạo Bộ Tài chính, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Hy Lạp và Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Thế giới tại Hy Lạp, ông Bob Matthias Traa.

Các cơ quan Chính phủ Hy Lạp và Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ thế giới tại Hy Lạp đã trao đổi cụ thể với đoàn về nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan dẫn đến khủng hoảng nợ công, hậu quả khủng hoảng nợ công, các giải pháp khác phục và những kết quả ban đầu. Lãnh đạo các cơ quan liên quan tại Hy Lạp đều thống nhất quan điểm cho rằng khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp là một kết cục không thể tránh khỏi của một nền kinh tế tăng trưởng nhờ vào tiêu dùng và một quá trình buông lỏng quản lý kinh tế, tài chính trong một thời gian dài.

Từ năm 2000, nền kinh tế Hy Lạp đã chi tiêu nhiều hơn những gì mà tự đất nước này tạo ra, quá trình này diễn ra liên tục, dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách triền miên. Thực tế này làm giảm tính cạnh tranh của kinh tế Hy Lạp và Chính phủ Hy Lạp đã phải vay các nước để bù đắp bội chi và thậm chí khi thu ngân sách hàng năm không đủ để trang trải cho bộ máy hành chính cồng kềnh và kém hiệu quả, Chính phủ Hy Lạp đã phải vay nước ngoài để chi thường xuyên. Cho đến khi các nguồn vốn vay cạn kiệt, các khoản vay đến hạn không có nguồn thanh toán, Chính phủ Hy Lạp đã phải tuyên bố nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nợ công và phải chấp nhận các biện pháp hỗ trợ có điều kiện của Liên minh Châu Âu và các Tổ chức quốc tế.

Phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác tài chính Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Hy Lạp - Ảnh 2

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Công Nghiệp tặng quà lưu niệm cho ông Antonio German Beteta - Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tây Ban Nha, 

Hiện nay, để nhận được các gói cứu trợ từ Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Thế giới, Chính phủ Hy Lạp đã chấp nhận sự có mặt của các chuyên gia kinh tế quốc tế do Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế bố trí làm việc tại các Bộ, ngành, các cơ quan Chính phủ để đảm bảo việc điều hành kinh tế của Hy Lạp được thực hiện theo đúng khuyến nghị của các tổ chức này.

Có thể nói, những gì đã và đang diễn ra đối với nền kinh tế Hy Lạp là bài học lớn đối với Chính phủ các nước đang phát triển và đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách kinh tế, tài chính. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu các gói cứu trợ được thực hiện đúng, Hy Lạp phải mất ít nhất 10 năm để có thể lấy lại được vị thế kinh tế như trước năm 2000, khoảng thời gian này cũng bằng với khoảng thời gian tích tụ và tạo nên khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp.

Phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác tài chính Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Hy Lạp - Ảnh 3

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Công Nghiệp và Thứ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp


Nghiên cứu kinh nghiệm quản lý ngân sách nhà nước

Tại Tây Ban Nha, đoàn đã gặp và Làm việc với Bộ trưởng Tài chính vùng Barcelona; Bộ trưởng Bộ Tài chính vùng Madrid, Lãnh đạo Bộ Tài chính Tây Ban Nha và Lãnh đạo Bộ Kinh tế và cạnh tranh Tây Ban Nha. Trong các buổi làm việc, đoàn tập trung nghiên cứu kinh nghiệm quản lý ngân sách nhà nước, phân cấp ngân sách, mối quan hệ ngân sách các cấp, giải pháp cân đối ngân sách nhà nước tại các cấp ngân sách và minh bạch ngân sách nhà nước.

Thực tế khảo sát tại Tây Ban Nha cho thấy Chính phủ nước này đã và đang phải thực hiện chính sách tận thu đối với nền kinh tế để đảm bảo cân đối ngân sách (thuế VAT 21%; Thuế thu nhập cá nhân 50%; Thuế thu nhập doanh nghiệp 35%; Thuế phụ thu xăng dầu 60%...). Tại cuộc hội đàm với Lãnh đạo Bộ Tài chính Tây Ban Nha, Lãnh đạo hai Bộ thống nhất hai bên cần thực hiện việc trao đổi đoàn thường xuyên hơn, tạo điều kiện để cán bộ hai bên có điều kiện trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau tạo điều kiện thực hiện tốt mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Tây Ban Nha.