Phát triển nguồn vốn hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường của Đức, Romania và thực tiễn tại Việt Nam
Với sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn còn chồng chéo thiếu đồng bộ, trong khi đó chế tài xử phạt về hành vi vi phạm các đối tượng gây ô nhiễm môi trường chưa đủ sức răn đe…
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế này cũng như đưa ra những gợi ý chính sách cho Việt Nam về bảo vệ môi trường, bài viết khái quát kinh nghiệm phát triển nguồn vốn hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường của Quỹ Môi trường Liên bang Đức và Quỹ Môi trường Romania.
Kinh nghiệm phát triển nguồn vốn hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường
Quỹ Môi trường Liên bang Đức
Quỹ Môi trường Liên bang Đức được thành lập năm 1991 với việc tư nhân hóa Tập đoàn thép Salzgitter AG thuộc sở hữu nhà nước và là một trong những Quỹ lớn nhất ở châu Âu. Quỹ Môi trường Liên bang Đức thực hiện nhiệm vụ chính là thúc đẩy các dự án bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức.
Các lĩnh vực trọng tâm hỗ trợ tài chính của Quỹ Môi trường Liên bang Đức gồm: Hỗ trợ các sản phẩm sinh thái và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường; Bảo vệ năng lượng và khí hậu; Kiến trúc và xây dựng; Ứng dụng các nghiên cứu về môi trường; Sử dụng đất bền vững; Truyền thông môi trường; Giáo dục môi trường; Môi trường và tài sản văn hóa…
Vốn ban đầu của Quỹ là 1.288.007.300 Euro thông qua việc tư nhân hóa Tập đoàn thép Salzgitter AG. Quỹ Môi trường Liên bang Đức còn đóng góp vào ngân sách của Ngân hàng Phát triển Đa phương để tài trợ cho các dự án giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quỹ Môi trường Liên bang Đức hướng tới việc huy động các khoản đầu tư tư nhân với các biện pháp can thiệp có mục tiêu.
Mỗi chủ đầu tư nhận khoản tài trợ phải cung cấp bằng chứng về việc sử dụng Quỹ phù hợp, cũng như đóng góp của Quỹ Môi trường Liên bang Đức thông qua các tài liệu có thể xác minh được.
Thống kê đến ngày 31/12/2019, bộ phận kiểm soát tài chính dự án của Quỹ đã phụ trách 679 dự án, với tổng kinh phí là 256,4 triệu Euro và vốn tài trợ được phê duyệt là 178,3 triệu Euro. Với 60 dự án (tổng chi phí 21,2 triệu Euro) đã thực hiện kiểm toán tài chính độc lập.
Tại thời điểm ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Quỹ Môi trường Liên bang Đức là 2.507.594 triệu Euro, tăng 38,227 triệu Euro so với năm 2018 và tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm mới thành lập Quỹ.
Đạt được kết quả này là do chứng khoán và trái phiếu ghi nhận mức tăng 16,3 triệu Euro. Điều này được bù đắp bởi sự sụt giảm về tiền mặt và tương đương mức giảm 45,2 triệu Euro và các khoản phải thu ngắn và trung hạn (giảm 2,8 triệu Euro). Về nợ phải trả, sự thay đổi trong tổng tài sản chủ yếu là do tăng vốn điều lệ thêm 36 triệu Euro.
Bảng 2 cho thấy, kết quả hoạt động của Quỹ Môi trường Liên bang Đức giai đoạn 2017-2019 có sự biến động mạnh.
Cụ thể, tình hình hoạt động của Quỹ Môi trường Liên bang Đức thu từ quản lý tài sản năm 2018 đạt 126,457 triệu Euro, giảm 5,221 triệu Euro so với cùng năm năm 2017. Năm 2019, thu từ quản lý tài sản của Quỹ Môi trường Liên bang Đức đạt 120,878 triệu Euro, giảm 5,579 triệu Euro so với cùng kỳ năm 2018.
Về chi phí quản lý tài sản bao gồm khấu hao tài sản năm 2018 của Quỹ Môi trường Liên bang Đức đã tăng lên 23,090 triệu Euro so với năm 2017, tuy nhiên đến năm 2019, chi phí này đã giảm 9,993 triệu Euro so với năm 2018. Trong khi đó, chi phí thực hiện các mục tiêu của Quỹ Môi trường Liên bang Đức đảm bảo năm sau luôn cao hơn cùng kỳ năm trước.
Tại Đức, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 99%, các doanh nghiệp này đóng vai trò trung tâm và là động lực thúc đẩy nền kinh tế. Quỹ Môi trường Liên bang Đức đóng vai trò then chốt trong việc giúp các doanh nghiệp ngăn ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Để đạt được mục tiêu, Quỹ Môi trường Liên bang Đức ưu tiên sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, nguyên liệu và tạo ra các sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường.
Quỹ Môi trường Romania
Quỹ Môi trường Romania được thành lập năm 2000 và được coi là một công cụ kinh tế - tài chính để hỗ trợ và thực hiện các dự án, chương trình bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu theo quy định.
Quỹ được thành lập theo các nguyên tắc của châu Âu về “người gây ô nhiễm trả tiền” và “trách nhiệm của nhà sản xuất” và thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường được quy định bởi Sắc lệnh khẩn cấp số 196/2005 đã được sửa đổi, bổ sung.
Cơ quan Quản lý Quỹ Môi trường của Romania là một tổ chức công lập có tư cách pháp nhân hoạt động dưới sự quản lý giám sát của Chính phủ. Trên cơ sở đề xuất của Cơ quan Quản lý môi trường trung ương, Chính phủ xem xét phê duyệt thu nhập và chi tiêu của Quỹ Môi trường.
Quỹ cung cấp các khoản tài trợ và cho vay hỗ trợ lãi suất đối với 6 lĩnh vực, gồm: Bảo vệ thiên nhiên; bảo tồn di sản sinh vật; thực hiện Nghị định thư Kyoto; khuyến khích sử dụng các công nghệ tốt cho môi trường; giới thiệu các công cụ kinh tế để kiểm soát ô nhiễm môi trường; thực hiện các luật và quy định về môi trường.
Nguồn thu của Quỹ Môi trường Romania bao gồm: Đóng góp từ thu nhập bán chất thải do chủ sở hữu chất thải là cá nhân hoặc pháp nhân thu được; thuế phát thải các chất ô nhiễm vào không khí do các nhà điều hành kinh tế phải nộp; khoản thu được từ các chủ sở hữu hoặc người quản lý các bãi chôn lấp rác thải đô thị; các nguồn tài trợ của EU.
Nguồn thu của Quỹ Môi trường Romania chủ yếu từ các khoản thu từ thuế liên quan đến gây ô nhiễm môi trường với tổng doanh thu từ thuế môi trường khoảng gần 20 tỷ Lei năm 2018, đạt tỷ lệ khoảng 2,09% GDP trong năm 2018 (Bảng 3).
Trong đó, nguồn thu chính là thu từ thuế năng lượng, chiếm gần 95% tổng thu thuế môi trường. Doanh thu từ các loại thuế còn lại vẫn ở mức thấp so với các quốc gia ở khu vực châu Âu. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu về môi trường nhận định, nguồn thu thuế tài nguyên của Romania thấp được xem nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng ô nhiễm môi trường ở nước này.
Để hạn chế tình trạng trên, Chính phủ Romania đang xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách thuế theo hướng áp dụng mức thuế cao đối với các đối tượng có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, gia tăng nguồn vốn từ các khoản đầu tư ở khu vực tư nhân và tận dụng cơ hội nhận tài trợ từ các nguồn lực nước ngoài. Quỹ Môi trường cũng được hưởng lợi từ việc phân bổ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Nghiên cứu trường hợp của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được thành lập năm 2020 theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng phải bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản Về nguồn vốn, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoạt động theo Quyết định số 2168/QĐ-BTNMT ngày 5/7/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và nguồn vốn hoạt động bổ sung hằng năm.
Ngân sách nhà nước chi sự nghiệp môi trường cấp bù kinh phí tài trợ cho các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã thực hiện hàng năm và bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ.
Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhu cầu sử dụng vốn từ nguồn chi sự nghiệp môi trường của Quỹ gửi Bộ Tài chính xem xét, quyết định; Các khoản bồi thường thiệt hại về môi trường và đa dạng sinh học nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; Lệ phí bán, chuyển các chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận thu được từ các dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM) thực hiện tại Việt Nam.
Đối tượng nộp lệ phí bán, mức thu lệ phí bán/ chuyển CERs theo quy định của pháp luật. Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định. Việc tiếp nhận các nguồn vốn bổ sung hàng năm được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trên thực tế, các hoạt động chủ yếu của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã và đang triển khai gồm: Cho vay với lãi suất ưu đãi; Ký Quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; Tài trợ; CDM; Hỗ trợ triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường; Hợp tác quốc tế…
Sau gần 20 năm hoạt động, đến nay, nguồn vốn chủ yếu của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là từ ngân sách nhà nước. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là công cụ tài chính của Nhà nước dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực thi nhiệm vụ bảo vệ môi trường quốc gia (Bảng 5).
Số liệu Bảng 5 cho thấy, gần như nguồn vốn chi cho hoạt động đầu tư bảo vệ môi trường của Quỹ đều lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác còn rất hạn chế.
Việc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi là hình thức hỗ trợ tài chính của Nhà nước thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho các chủ đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi để thực hiện các dự án/ phương án bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Lãi suất cho vay ưu đãi và các lĩnh vực ưu tiên được Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam xác định và công bố hàng năm, nhưng không vượt quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, cơ cấu sử dụng vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam chưa thực sự hợp lý, do chủ yếu Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho vay với mức lãi suất ưu đãi, chiếm khoảng trên 70% các hoạt động hỗ trợ khác trong giai đoạn 2016 - 2020.
Bảng 6 cho thấy, tỷ lệ hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi các dự án đầu tư bảo vệ môi trường so với các hoạt động hỗ trợ khác của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có xu hướng tăng không đáng kể và về cơ bản hoạt động cho vay với lãi suất ưu đãi vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Điều này cho thấy, do đặc thù nguồn vốn chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ và yêu cầu hoạt động là phải bảo toàn vốn, nên trong suốt thời gian hoạt động thì tỷ lệ cho vay chiếm tỷ trọng rất lớn trong số các nhiệm vụ của Quỹ.
Hàm ý đối với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam
Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu tình hình hoạt động của Quỹ Môi trường Liên bang Đức và Quỹ Môi trường Romania, nhóm tác giả rút ra một số hàm ý đối với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam như sau:
Một là, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cần có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ tín dụng, kiểm tra kiểm soát, kỹ năng tư vấn, quan sát, thẩm định tính trung thực đối với hồ sơ đề xuất vay vốn ưu đãi.
Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cần nhận diện rõrủi ro và năng lực quản trị rủi ro cho đội ngũ nhân sự các phòng nghiệp vụ khi hỗ trợ các dự án vay vốn ưu đãi ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để bảo toàn và phát triển nguồn vốn, kinh nghiệm từ Quỹ Môi trường Liên bang Đức cho thấy, nước Đức đã chú trọng vào tính tuân thủ, mục đích sử dụng vốn của các doanh nghiệp được hỗ trợ hoặc vay ưu đãi để đầu tư các dự án bảo vệ môi trường. Việc kiểm tra hồ sơ được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ phận chuyên môn giám sát dự án.
Hai là, việc xây dựng chiến lược của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam nằm trong Chiến lược môi trường quốc gia và các chính sách kèm theo. Chính vì vậy, khi xác định mục tiêu của Quỹ trong từng năm, từng giai đoạn cụ thể, mục tiêu đó phải đảm bảo linh hoạt để lựa chọn khu vực hỗ trợ ưu tiên và đặt ra các chỉ tiêu cụ thể trong thu hút, phát triển nguồn vốn của Quỹ ở mỗi giai đoạn.
Quỹ Môi trường Romania xác định, việc phát triển nguồn vốn để hỗ trợ các dự án môi trường thông qua các nguồn quỹ hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Đây là cách làm phù hợp với nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay.
Ba là, xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm tăng nguồn thu, phát triển nguồn vốn cho Quỹ. Trên thực tế, hầu hết các Quỹ Môi trường tại các nước phát triển trên thế giới, nguồn vốn để đầu tư hỗ trợ tài chính cho các dự án môi trường.
Ngoài hỗ trợ từ ngân sách thì còn dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền, nguồn vốn được bổ sung thường xuyên từ các khoản phí, thuế môi trường. Thậm chí có nhiều Quỹ Môi trường giảm gánh nặng cho Chính phủ khi họ thu hút các nguồn thu thông qua việc thu các loại thuế liên quan đến môi trường, cổ phiếu, quản lý tài sản và từ nguồn kinh phí ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ khác…
Bốn là, xem xét đa dạng hóa nguồn vốn sử dụng cho mục tiêu hỗ trợ tài chính các dự án bảo vệ môi trường quốc gia. Việc đa dạng hóa nguồn vốn giúp Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam không phụ thuộc vào một hoặc các nguồn kinh phí sẵn có theo quy định. Khi xây dựng chiến lược huy động vốn cần xem xét bản chất hoạt động của Quỹ gắn với chiến lược, chính sách môi trường quốc gia và theo nguyên tắc chung.
Tuy nhiên, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cần khai thác, phát huy thế mạnh trong khai thác nguồn vốn đầu tư đa phương từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á... và các cơ quan quốc tế khác như Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, Liên minh châu Âu, Quỹ Môi trường Toàn cầu… hoặc từ nguồn đầu tư song phương như hỗ trợ kỹ thuật hoặc đồng tài trợ cho một chương trình cụ thể do Quỹ đề xuất…
Năm là, để phát triển bền vững, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cần có biện pháp tăng hiệu quả đầu tư thông qua việc giảm thiểu rủi ro nhằm bảo đảm an toàn nguồn vốn và tăng nguồn thu.
Để làm tốt việc này, cần xây dựng chính sách đầu tư; xây dựng quy trình, các chỉ tiêu lựa chọn, công cụ giám sát, thẩm định tài sản đảm bảo, kiểm tra, kiểm soát phù hợp với mỗi nhóm dự án bảo vệ môi trường khác nhau.
Nếu không có chính sách cụ thể, trách nhiệm rõràng và các tiêu chí lựa chọn dự án dựa trên các giải pháp tiết kiệm chi phí cho các ưu tiên về môi trường thì việc phân bổ nguồn lực tài chính sẽ bị lãng phí và không hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2002), Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017), Thông tư số 03/2017/TT-BTNMT ngày 21/3/2017 về hướng dẫn việc cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), Quyết định số 2168/QĐ-BTNMT ngày 05/7/2018 Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015), Quyết định số 3598/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2015 Ban hành quy chế phân công, phối hợp quản lý hoạt động tài chính Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;
5. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 132/2015/TT-BTC ngày 28/8/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;
6. Quyết định số 24/QĐ-HĐQL ngày 12/1/2004 của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam về việc ban hành quy chế cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, tài trợ và đồng tài trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;
7. Quyết định số 06/QĐ-HĐQL ngày 07/4/2016 của Hội đồng Quản lý Quỹ Ban hành lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí lựa chọn hỗ trợ lãi suất vay và tài trợ đầu tư bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020;
8. Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính – Bộ Tài chính (2018), Hội thảo khoa học “Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng nguồn lực cho ứng phó biến đối khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”;
9. Lê Hải Lâm (2019), Kinh nghiệm hỗ trợ tài chính tại các quỹ bảo vệ môi trường trên thế giới và bài học đối với quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 6/2019;
10. Lương Thu Thủy (2021), Đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách, https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/02/09/ dau-tu-cho-bao-ve-moi-truong-o-viet-nam-va-mot-so-khuyen-nghi-chinh-sach/;
11. Nguyễn Văn Luân (2020), Hiệu quả kinh tế và môi trường của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hieu-qua-kinh-te-va-moi-truong-cua-quy-bao-ve-moi-truong-viet-nam-71106.htm.
12. Barbu Liliana (2017), Issues on financing sources of environmental fund in Romania, Lucian Blaga University of Sibiu, Romania;
13. Funding Guidelines (2020), DBU project funding;
14. GEF trust fund Financial Report (2020);
15. Markus Große Ophoff (2020), Jahresbericht 2019, Druck- und Verlagshaus: Fromm GmbH & Co. KG, Osnabrück;
16. Markus Große Ophoff (2019), Jahresbericht 2018, Druck- und Verlagshaus: Fromm GmbH & Co. KG, Osnabrück.
(*) ThS. Dương Thị Phương Anh, ThS. Lê Hải Lâm - Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.