Phục hồi, phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng phải chịu thiệt hại nặng nề. Để phục hồi nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp ngắn hạn và lâu dài để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành, nghề. Đi đôi với các giải pháp phát triển kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cần phải tiếp tục đặc biệt chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Đây là một trong những vấn đề đáng chú ý được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 13 với chủ đề “Các vấn đề Kinh tế - Xã hội và Môi trường trong phát triển” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức mới đây.
Chuyên gia hiến kế phục hồi kinh tế sau đại dịch
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương - dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế toàn thế giới năm 2020 đã bước vào đợt suy thoái sâu.
Về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, theo TS. Cấn Văn Lực, điều này còn phụ thuộc vào 3 điều kiện là: khả năng kiểm soát dịch bệnh, tiêm vắc xin trên diện rộng, hiệu quả của các gói hỗ trợ kinh tế từ chính phủ và hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi là một trong những nước hiếm hoi tăng trưởng dương trong năm 2020. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro.
Trong bối cảnh mới, xu hướng mới của thế giới và trong nước sau dịch bệnh, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thách thức đối với sự phát triển của DN là rất lớn. Chiến lược kinh doanh của DN trong bối cảnh hiện nay cần được tái cơ cấu thay đổi sản phẩm theo nhu cầu mới của khách hàng. Đồng thời, DN cần tăng cường chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái của riêng mình và tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định, sau khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã có những chính sách kịp thời trong nhằm hỗ trợ và giải cứu 1 số đối tượng kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp trở lại ở một số địa phương đang và sẽ tác động toàn diện và nặng nề tới nền kinh tế. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc những gói hỗ trợ mới trong năm 2021 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Các chuyên gia cũng cho rằng, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang được thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô, giảm thiểu rủi ro trong tương lai, như: đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; hoàn thiện thể chế, tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo…
Chú trọng vào năng lượng sạch và trí tuệ nhân tạo
Nhìn nhận về tương lai phát triển kinh tế tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, con đường phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh…
Cũng tại Hội thảo, TS. Paul Burke - Giảng viên Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, năng lượng sạch được đầu tư nghiên cứu và khuyến khích sử dụng trên toàn thế giới, nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, giảm ô nhiễm môi trường và được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế sự nóng lên của trái đất.
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng sạch nên việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang trở nên cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với mục tiêu trước mắt mà còn về lâu dài, góp phần tích cực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Theo GS.,TS. Hsu Hui Huang - Tham tán Khoa học và công nghệ, Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đang dần đi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống con người. Với trình độ phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, giờ đây bằng trí tuệ nhân tạo có thể làm được những công việc vốn do con người thực hiện, thậm chí còn mang lại hiệu suất cao hơn. Vì vậy, việc nắm chắc những kiến thức cơ bản và hiểu rõ hơn về ứng dụng của trí tuệ nhân tạo đối với cuộc sống hàng ngày ngày càng trở nên thiết yếu.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ những quan điểm về thách thức đặt ra cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh; tương lai phát triển kinh tế gắn với vấn đề bảo vệ môi trường; bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới. Nhiều chính sách công cụ và giải pháp hữu ích đưa ra tại Hội thảo góp phần giải quyết những vấn đề phát triển, hướng tới một sự ổn định, hiệu quả và bền vững hơn tại từng vùng, quốc gia và toàn thể khu vực.