Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có Quyết định Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu với quan điểm nông nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung với các ngành hàng chủ lực theo hướng hiện đạ
ệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, phát thải các-bon thấp, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.
Bên cạnh đó, chuyển mạnh tư duy người sản xuất từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, xây dựng nông thôn văn minh, cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, trở thành nơi đáng sống; xác định cư dân nông thôn là chủ thể, trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn...
Trên tinh thần đó, tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản bình quân 3,5%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông - lâm - thủy sản bình quân trên 7%/năm; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm.
Đối với thu nhập của cư dân nông thôn, tăng 2,7 lần so với năm 2020; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 0,32%/năm, theo đó đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% so với số hộ dân cư nông thôn; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 35%; tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt trên 40%.
Đến năm 2030, phấn đấu có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tỉnh còn đề ra mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020; tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông - lâm - thủy sản đạt trên 5%/năm.
Đối với tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%; tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%; tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch đạt trên 70%.
Đồng thời, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước đạt trên 60%; tư vấn hỗ trên 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn hoạt động kinh doanh trên các kênh thương mại điện tử.
Phấn đấu có 14 làng thông minh, 14 hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất; trên 50% hội quán, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời hỗ trợ, tư vấn cho trên 80% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, mua bán trực tuyến.
Định hướng đến năm 2050, tỉnh đề ra mục tiêu tạo dựng hình ảnh nông nghiệp xanh, sinh thái, hữu cơ gắn liền với cảnh quan thiên nhiên sông nước, phát huy tốt vai trò trung tâm đầu mối nông nghiệp sinh thái nước ngọt và có sức cạnh tranh cao trong nhóm các tỉnh đạt trình độ phát triển cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các sản phẩm chủ lực của tỉnh được sản xuất theo công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và tham gia sâu, rộng, bền vững trong chuỗi giá trị toàn cầu; thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao...