Phát triển doanh nghiệp bền vững và chống biến đổi khí hậu với tư duy quản trị ESG

Thanh Sơn

Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG (Các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị), các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng công bố thông tin về ESG để giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin cho quyết định đầu tư của mình.

Diễn giả chia sẻ thông tin liên quan đến tư duy lãnh đạo và thực thi quản trị biến đổi khí hậu để DN phát triển bền vững. Ảnh: TS
Diễn giả chia sẻ thông tin liên quan đến tư duy lãnh đạo và thực thi quản trị biến đổi khí hậu để DN phát triển bền vững. Ảnh: TS

Ngày 14/9, hãng Kiểm toán Deloitte phối hợp với Dragon Capital, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam tổ chức hội thảo “Tư duy lãnh đạo và thực thi quản trị biến đổi khí hậu - phát triển bền vững”. 

Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Deloitte Việt Nam, các thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và ban điều hành các DN lớn, các quỹ đầu tư, các nhà tư vấn trong lĩnh vực về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, đây là hội thảo đầu tiên gắn câu chuyện phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu với tư duy lãnh đạo và quản trị công ty tốt. Phát triển bền vững, bao gồm các mối quan tâm về ESG không phải là một khái niệm mới. Tuy nhiên, thế giới đang thực sự thức tỉnh khi biết rằng cần phải hành động nhanh và mạnh mẽ hơn nữa nhằm giải quyết những thách thức đang phải đối mặt trước khi quá muộn. Trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người, từ chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từng cá nhân, trong đó HĐQT đóng vai trò chính để thúc đẩy hành động trong mỗi doanh nghiệp.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai - Chủ tịch HĐQT REE cũng chia sẻ câu chuyện bảo vệ môi trường từ mảng điện của REE tăng trưởng đến từ sự phục hồi tốt về nhu cầu tiêu thụ điện trên cả nước. Đó là đóng góp của các nhà máy thủy điện, năng lượng tái tạo mới đi vào hoạt động. Trong đó, có sự đóng góp của 3 dự án điện gió Trà Vinh V1-3 (48 MW - Trà Vinh), Lợi Hải 2 (28,9 MW - Ninh Thuận) và Phú Lạc 2 (26 MW - Bình Thuận), được vận hành thương mại từ cuối tháng 10/2021 và được hưởng cơ chế giá ưu đãi. Sau khi nâng sở hữu tại CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) lên 50,45% từ quý II/2021, Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh đã trở thành công ty con và được hợp nhất vào báo cáo tài chính của REE. Việc doanh nghiệp này đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Thượng Lon Tim từ cuối năm 2021, với công suất 220 MW, cũng thúc đẩy tăng sản lượng điện giúp bảo vệ môi trường từ năng lượng tái tạo.

Theo đại diện Quỹ đầu tư Dragon Capital, từ năm 2015, Dragon Capital đã cải tiến chính sách ESG và phát triển khung đánh giá ESG mới dành cho các công ty niêm yết. Quỹ thành lập bộ phận chuyên môn về ESG, các chuyên viên phân tích thường xuyên theo dõi các công ty trong danh mục đầu tư, cập nhật danh sách kiểm tra và xếp hạng ESG.

“Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, các doanh nghiệp phần lớn vẫn đang chú trọng đến việc tăng trưởng mà chưa có sự tập trung đầu tư đúng mức về nguồn lực để tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty vào trong hoạt động sản xuất và kinh doanh”, đại diện Dragon Capital cho biết.

Bà Trần Anh Đào - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, theo quy định hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức đều phải tuân thủ các cam kết, các chuẩn mực về việc các khoản đầu tư phải đầu tư vào những công ty đảm bảo yêu cầu về ESG. Do đó, nếu các doanh nghiệp đạt các yêu cầu về ESG thì mới có cơ hội nhận được nguồn vốn đầu tư.

“Một bài học thực tế là tại Trung Quốc thời gian qua có rất nhiều quỹ đầu tư đã phải rút vốn do các vấn đề về môi trường và xã hội không đảm bảo", bà Trần Anh Đào chia sẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc công bố thông tin về ESG của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam chưa được chú trọng nhiều. Điều này vô tình khiến các nhà đầu tư không tiếp cận được thông tin liên quan đến các vấn đề này để ra quyết định đầu tư.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam cho biết, Deloitte đánh giá quản trị công ty như một công việc tất yếu DN phải làm, có gắn bó mật thiết với năng lực cạnh tranh. Với một thị trường mới nổi như thị trường chứng khoán Việt Nam, việc áp dụng và cải thiện quản trị công ty yêu cầu một lộ trình thay đổi đầy đủ mà Hội đồng quản trị giữ vai trò chủ động tiếp cận với xu thế toàn cầu, tích hợp nội dung vào chương trình nghị sự và cần chủ động hành động.

Ông Lê Trí Thông - Tổng Giám đốc PNJ cho biết đợt dịch COVID-19, HĐQT đã họp để đề ra chủ trương hỗ trợ người dân, thưc hiện trách nhiệm xã hội. Cụ thể, đơn vị đã phối hợp với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Hội Nữ doanh nhân Thành phố để triển khai 16 siêu thị 0 đồng tại các quận, huyện và 1 siêu thị Online cho 5.500 sinh viên ở ký túc xá.

Với xu thế tất yếu của phát triển bền vững, Deloitte Toàn cầu đã triển khai nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy lựa chọn có trách nhiệm với khí hậu trong tổ chức và lan tỏa đến cả hệ sinh thái gồm khách hàng, đối tác và các bên liên quan khác, điển hình là chiến dịch WorldClimate. Ngoài ra, Deloitte Toàn cầu cũng đã đầu tư 1 tỷ USD vào nghiên cứu phát triển bền vững và biến đổi khí hậu (Sustainability & Climate), bao gồm phát triển các dịch vụ liên quan đến khách hàng, nghiên cứu và năng lực dựa trên dữ liệu.