Phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp năm 2022

T. Huyền

Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch số 75/QĐ-TCHQ về phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2022.

 Tăng cường hợp tác Hải quan-doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật của mỗi bên.
Tăng cường hợp tác Hải quan-doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật của mỗi bên.

Theo đó, mục đích của kế hoạch là tổ chức các hoạt động đối tác để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia vào tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan và nâng cao năng lực thực thi pháp luật hải quan.

Các yêu cầu đặt ra bao gồm: Tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan nắm bắt chiến lược, kế hoạch, chương trình cải cách hiện đại hóa hải quan qua đó đồng hành cùng cơ quan Hải quan trong quá trình tổ chức triển khai; Khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan, phương thức quản lý, chất lượng phục vụ của cơ quan Hải quan các cấp thông qua các hoạt động tham vấn, hợp tác, giám sát; Tăng cường hợp tác Hải quan-doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật của mỗi bên.

Tổng cục Hải quan đã đề ra các nội dung và 5 hoạt động triển khai gồm thông tin; tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan; hợp tác Hải quan-Doanh nghiệp; giám sát thực thi pháp luật; hỗ trợ doanh nghiệp.

Hoạt động thông tin

Cơ quan hải quan các cấp tổ chức cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp về: Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch cải cách, phát triến và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2021 - 2025; Các chương trình, đề án cải cách hiện đại hóa trọng điểm của ngành Hải quan; Các điều ước, cam kết quốc tế về tạo thuận lợi thương mại.

Tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan

Cơ quan hải quan các cấp tập trung tham vấn các nội dung sau:

Tham vấn Hải quan - Doanh nghiệp:

Tham vấn các nội dung về thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan, bao gồm: số hóa dữ liệu, kết nối liên thông dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu số, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đồng hành cùng cơ quan hải quan trong thực hiện chuyển đổi số;

Cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; Thực hiện bảo lãnh hải quan; Quản lý cảng, kho, bãi, địa điểm kiểm tra; Quản lý seal định vị điện tử;

Quản lý hoạt động quá cảnh, tạm nhập tái xuất; Tái thiết kế quy trình thủ tục hải quan và hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan; ứng dụng các giải pháp cách mạng công nghiệp 4.0 trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; Thiết lập mô hình quản lý tích hợp tại biên giới.

Tham vấn Doanh nghiệp - Hải quan:

Các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật, quy trình thủ tục, tổ chức thực thi pháp luật; các giải pháp chống ùn ứ, ách tắc hàng hóa tại các địa điểm thông quan do dịch bệnh, thiên tai, biến cố bất thường.

Hợp tác Hảì quan - Doanh nghiệp

Cơ quan hải quan các cấp hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện các nội dung về: dự báo nguồn thu ngân sách nhà nước; chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ma túy, chất nổ, vũ khí qua biên giới, gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, chống chuyển tải bất hợp pháp, chống thất thu; quản lý địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa xuất nhập khẩu; nâng cao năng lực nhận diện hàng hóa; Quản lý nguyên liệu, vật tư, sản phẩm, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất; nâng cao năng lực đội ngũ đại lý làm thủ tục hải quan; xây dựng và củng cố lực lượng doanh nghiệp đối tác nòng cốt tại cơ sở.

Giám sát thực thi pháp luật

Cơ quan Hải quan các cấp tăng cường công tác giám sát thực thi pháp luật thông qua các hoạt động như: Phối hợp với Liên minh thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức khảo sát sự hài lòng doanh nghiệp về thủ tục hải quan và thủ tục hành chính trên cơ chế một cửa quốc gia;

Triển khai công cụ đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cán bộ công chức và cơ quan hải quan các cấp tích hợp trên chương trình khai hải quan; Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc với doanh nghiệp và các bên liên quan để lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về hoạt động của cơ quan hải quan.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Cơ quan hải quan đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các nội dung như: hỗ trợ doanh nghiệp khi bùng phát dịch bệnh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ tự nguyện; hỗ trợ doanh nghiệp theo các chuyên đề về phân loại, xác định trị giá, xuất xứ; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kịp thời thông tin quy định pháp luật mới, tình hình xuất nhập khẩu, xu hướng thương mại; hỗ trợ giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp phát sinh khi làm thủ tục hải quan; hỗ trợ cung cấp, cập nhật thường xuyên phần mềm khai hải quan miễn phí.

Các hoạt động triển khai sẽ được triển khai đồng thời tại cấp cơ quan Tổng cục và tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Ban Cải cách hiện đại hóa là đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị trong triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác và thực hiện kế hoạch trên cơ sở thực tiễn triển khai, nhu cầu trợ giúp của các đơn vị.