Phát triển quỹ hưu trí xã hội trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam
Già hóa dân số là một vấn đề mang tính toàn cầu và là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo thế giới hiện nay. Già hóa dân số mang đến sự chuyển biến xã hội rất mạnh mẽ trong thế kỷ XXI, có ảnh hưởng tới toàn bộ các thành phần trong xã hội, thay đổi về thị trường lao động và tài chính, nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ như: Nhà ở, giao thông, an sinh xã hội, cấu trúc gia đình và quan hệ giữa các thế hệ. Do vậy, già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có công tác an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Bài viết nghiên cứu vấn đề phát triển Quỹ Hưu trí xã hội trong bối cảnh già hóa dân số.
Vấn đề già hóa dân số tại Việt Nam
Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc, dân số một quốc gia sẽ bước vào thời kỳ già hóa khi tỷ lệ người cao tuổi (60 tuổi trở lên theo tiêu chí của Liên Hiệp quốc và Luật Người cao tuổi của Việt Nam) chiếm hơn 10% tổng dân số. Già hóa đang là xu hướng chung các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, các quốc gia trong khu vực có thể chia thành 3 nhóm:
Một là, nhóm các nước đã có dân số già (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore): Các quốc gia có dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 14% tổng dân số và có nền kinh tế phát triển.
Hai là, nhóm các nước đang già hóa dân số, trong đó có Việt Nam: Các quốc gia này có thu nhập trung bình, tuy nhiên, có tốc độ già hóa rất nhanh và thời gian chuyển từ già hóa sang già ngắn hơn rất nhiều so với nhóm nước phát triển.
Ba là, nhóm các nước có dân số trẻ: Đây là các nước đang phát triển. Tuy nhiên, dự báo cho thấy chỉ trong một thời gian ngắn, các nước này cũng sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Theo nhận định của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ở Việt Nam, hiện có khoảng 11,3 triệu người cao tuổi, trong đó, người từ đủ 90 tuổi trở lên khoảng 350.000 người, từ đủ 80 tuổi trở lê là 1,8 triệu người. Tuổi thọ bình quân của nước ta hiện nay là 74 tuổi, tuy nhiên số người cao tuổi sống thật sự khỏe mạnh rất ít (trung bình một người cao tuổi mắc ba bệnh mạn tính, có khoảng 15,3 năm chịu bệnh tật). Có đến 70% số người cao tuổi sống ở nông thôn, vùng khó khăn và hầu hết người cao tuổi sống tại gia đình và tham gia các hoạt động tạo ra thu nhập cho gia đình. Ước tính, tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số sẽ tăng lên đến 20% vào năm 2035.
Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi năm 1999 lên tới 73,2 tuổi năm 2014 và dự báo sẽ lên 78 tuổi vào năm 2030. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục từ 7,1% (năm 1989) lên 8,7% (năm 2009) và 11,9% năm 2017 và dự báo tăng lên 20% năm 2038. Như vậy, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn 06 năm so với dự báo và chỉ mất khoảng 20 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn cấu trúc dân số già - là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Bên cạnh đó, vì thuộc nhóm quốc gia đang phát triển, “già trước khi giàu”, đời sống người cao tuổi đa phần còn khó khăn: 70% người cao tuổi không có tích luỹ vật chất; 2,3% gặp khó khăn, thiếu thốn và 18% sống trong hộ nghèo, trên 70 người cao tuổi vẫn tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội…
Phát triển bảo hiểm hưu trí cho người cao tuổi
Tương ứng với 3 nhóm nước xét theo mức độ già hóa dân số: Các nước già, các nước trẻ và các nước già hóa, mỗi nước với đặc điểm nhân khẩu học của mình gặp những vấn đề khác nhau trong việc đảm bảo an sinh xã hội (Hình 1).
Việc tuổi thọ của người dân tăng chứng minh cho thành công trong các lĩnh vực dinh dưỡng, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và kinh tế. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia nhận định, già hóa dân số nhanh chóng có tác động ngày càng tăng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân cư. Sự gia tăng cả tỷ lệ phần trăm và số người cao tuổi đòi hỏi phải cơ cấu lại xã hội của Việt Nam ở mọi khía cạnh, như đầu tư tài chính, chi tiêu công, quy hoạch đô thị và nông thôn... Việt Nam hiện thuộc nhóm nước già hóa dân số, vì vậy cần giải quyết thách thức của hệ thống hưu trí không bền vững để mở rộng diện bao phủ cho khu vực phi chính thức.
Tại Việt Nam, hệ thống hưu trí gồm 2 loại hình: Hưu trí bắt buộc và hưu trí tự nguyện. Quỹ Bảo hiểm xã hội được hình thành dựa trên sự đóng góp của người tham gia. Hệ thống hưu trí hiện hành có sự cam kết mạnh mẽ của hệ thống chính trị, có hệ thống pháp luật tương đối ổn định, nền kinh tế tăng trưởng đều và bền vững; Tuy nhiên, tính tuân thủ tham gia bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức còn thấp, số người được hưởng lương hưu nhà nước (tham gia bảo hiểm xã hội) mới có khoảng 2,15 triệu người với mức lương hưu bình quân 3,9 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa cao và dài, trong khi tuổi thọ của người nghỉ hưu ngày một tăng cao. Vì vậy, để đảm bảo thu nhập tuổi già bền vững, xu hướng quốc tế là sử dụng hưu trí xã hội để đạt được hưu trí toàn dân và an sinh xã hội toàn dân.
Già hóa dân số nhanh chóng có tác động ngày càng tăng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân cư. Sự gia tăng cả tỷ lệ phần trăm và số người cao tuổi đòi hỏi phải cơ cấu lại xã hội của Việt Nam ở mọi khía cạnh như: Đầu tư tài chính, chi tiêu công, quy hoạch đô thị và nông thôn...
Theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam hiện nay mới có chính sách trợ giúp xã hội toàn dân cho người cao tuổi 80 trở lên (chỉ trừ những người có lương hưu khác) và những người ở độ tuổi 60-79 sống một mình, trong nghèo đói và không nơi nương tựa. Hiện nay, có khoảng 1,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu xã hội với mức hưởng 270.000 đồng/tháng, chỉ bằng 38,6% chuẩn nghèo ở nông thôn và 30% chuẩn nghèo ở thành thị.
Trong bối cảnh đó, trước mắt, Nhà nước cần duy trì các khoản trợ cấp xã hội cho các đối tượng khác nhau như hiện nay. Về lâu dài, cần thực hiện thống nhất lương hưu xã hội và lương hưu dựa vào đóng góp, tạo dựng một sàn an sinh xã hội cho người cao tuổi, đảm bảo sự gắn kết giữa chế độ bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội; thay đổi tình trạng các khoản trợ cấp phân tán như hiện nay. Để thực hiện lương hưu xã hội, thông thường có 2 phương án:
Thứ nhất, Nhà nước trợ cấp, không yêu cầu đóng góp. Người cao tuổi nhận lương hưu xã hội hoàn toàn từ ngân sách nhà nước mà không bị ràng buộc bởi trách nhiệm đóng góp. Đây chính là hệ thống áp dụng với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên tại Việt Nam hiện nay. Khi hạ độ tuổi hưởng lương hưu xã hội, Chính phủ có thể mở rộng diện bao phủ một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là nó làm gia tăng gánh nặng chi tiêu lên Chính phủ. Theo tính toán của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, chi phí cho an sinh xã hội toàn dân nếu áp dụng cho toàn bộ dân số từ 70 tuổi trở lên chiếm khoảng 0,1% GDP.
Bên cạnh đó, phương án này còn tạo tâm lý ỷ lại, khó có thể thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định hiện hành. Mặc dù vậy, Chính phủ cần mở rộng lương hưu xã hội theo lộ trình, trên cơ sở cân đối chi ngân sách, để dần lấp đầy khoảng trống chính sách thu nhập cho 50% người cao tuổi từ 60 - 79 tuổi không có lương hưu và không thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội khác theo quy định hiện hành.
Thứ hai, Nhà nước và người lao động cùng đóng góp theo hệ thống mức đóng xác định có đối ứng của Nhà nước. Từ ngày 1/1/2018, Nhà nước đã hỗ trợ mức đóng cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cụ thể mức hỗ trợ sẽ bằng 30% đối với người thuộc diện nghèo; 25% đối với người thuộc diện cận nghèo; 10% đối với các đối tượng còn lại. Đây là một trong những giải pháp khuyến khích đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức đối ứng đã có sự phân loại theo mức thu nhập, khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của từng nhóm người lao động.
Tuy nhiên, tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn thấp, do đó, bên cạnh việc cân nhắc gia tăng tỷ lệ đối ứng; Nhà nước cần thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua chiến dịch truyền thông bài bản; Tăng cường sự minh bạch hóa thông tin, củng cố niềm tin của người dân vào sự an toàn và bền vững của quỹ; Tập trung vào những lợi ích riêng có của bảo hiểm xã hội tự nguyện như khả năng liên thông với bảo hiểm xã hội bắt buộc khi người lao động đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sự hỗ trợ mức đóng và bảo hộ quyền lợi hưởng của Nhà nước…
Ngoài ra, nhằm thích ứng với già hóa dân số, Việt Nam cần có các chính sách và chiến lược để chuẩn bị cho già hóa một cách phù hợp trong thời gian tới. Theo Quỹ dân số Liên Hợp quốc, Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ quyền của người cao tuổi.
Mặt khác, trong khi mối quan tâm chủ yếu dành cho nhóm dân số cao tuổi, thì thực tế già hóa dân số không chỉ là về vấn đề của người cao tuổi, mà nó bắt đầu ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Ứng phó già hóa dân số không có nghĩa là chỉ giải quyết những kỳ vọng và nhu cầu của dân số cao tuổi, mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết nhu cầu của tất cả các nhóm dân cư trong việc chuẩn bị cho một tương lai dân số già. Hiện nay, các chính sách của Việt Nam vẫn chủ yếu nhằm hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của người cao tuổi. Cho nên, cần có một hệ thống chính sách tiếp cận toàn diện hơn về già hóa dân số, giải quyết các vấn đề già hóa dân số hiện tại ảnh hưởng đến cả người trẻ tuổi và người cao tuổi.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2011), Nghị định số 06/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi;
2. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;
3. Mai Đoan (2019), Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới, Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử;
4. Hà Anh (2019), Thách thức từ già hóa dân số, Báo Nhân dân điện tử;
5. UNFPA (2016), Work, family and social protection Old age income security in Bangladesh, Nepal, the Philippines, Thailand and Vietnam;
6. ILO (2014), Đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi ở Việt Nam;
7. Usa Khieword, HelpAge International, Công việc, gia đình và an sinh xã hội- đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi.
8. http://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/comments-and-analysis/WCMS_224225/lang--vi/index.htm.