Phát triển tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam


Hệ thống tài chính đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Phát triển tài chính để bảo đảm lộ trình hội nhập quốc tế cũng như tăng cường khả năng phát triển kinh tế của Việt Nam là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc tìm hiểu các động lực chính của phát triển tài chính, từ đó đưa ra khuyến nghị chính sách phát triển tài chính nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập và tăng trưởng kinh tế của nước ta có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.

Giao dịch tại chi nhánh ngân hàng ABBank
Giao dịch tại chi nhánh ngân hàng ABBank

Phát triển tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Hệ thống tài chính là tập hợp các trung gian tài chính (ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm...) và thị trường tài chính (thị trường cổ phiếu, trái phiếu) mà thông qua đó hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ tìm được các khoản tài trợ cho hoạt động của họ và đầu tư các khoản tiết kiệm, cũng như sử dụng các dịch vụ tài chính khác, như thanh toán, bảo hiểm, tư vấn tài chính. 

Phát triển tài chính là tập hợp các nhân tố, chính sách và thể chế nhằm bảo đảm tăng cường độ sâu (gồm quy mô và tính thanh khoản), khả năng tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính (của cá nhân và doanh nghiệp), cũng như hiệu quả (cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí thấp, doanh thu bền vững) của các trung gian và thị trường tài chính(1).

Sự phát triển tài chính luôn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Hệ thống tài chính hiệu quả, thành công và được quản lý tốt giúp tăng tích lũy vốn, cải thiện hiệu quả phân bổ tài nguyên, chuyển tiết kiệm thành đầu tư phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ hiện đại, chuyên môn hóa, tạo nền tảng cơ bản cho một nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Do đó, trên thế giới hình thành luồng quan điểm “tài chính dẫn dắt tăng trưởng”(2).

Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, hệ thống tài chính nếu một hoặc một số bộ phận gặp vấn đề, rủi ro, sẽ lan truyền ra các bộ phận khác và từ đó, gây rủi ro, thiệt hại cho nền kinh tế. Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là các bằng chứng cụ thể cho tác động tiêu cực này. Do vậy, để bảo đảm phát triển tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, hệ thống tài chính cần được giám sát phù hợp để phát triển lành mạnh và hiệu quả.

Thực trạng phát triển tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam

Hệ thống tài chính Việt Nam gồm các trung gian tài chính và thị trường tài chính. Tính đến ngày 31/12/2022, các trung gian tài chính, gồm 35 ngân hàng thương mại, 11 ngân hàng nước ngoài và liên doanh, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 26 công ty tài chính và cho thuê tài chính, và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác với tổng tài sản là 18,27 triệu tỷ đồng, tương đương 192% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Thị trường tài chính, gồm thị trường cổ phiếu có vốn hóa 5,2 triệu tỷ đồng (55% GDP), thị trường trái phiếu doanh nghiệp với quy mô 1,4 triệu tỷ đồng (14,81% GDP), thị trường trái phiếu chính phủ với quy mô 2,3 triệu tỷ đồng (24% GDP) và thị trường phái sinh(3). Trong những năm qua, hệ thống tài chính Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.

Thứ nhất, quy mô hệ thống tài chính tăng trưởng nhanh. Trong đó, các trung gian tài chính tăng trưởng trung bình 10%/năm, tín dụng tăng trung bình 12 - 14%/năm. Giá trị vốn hóa trị trường cổ phiếu và trái phiếu so với GDP đã tăng gần 4 lần trong giai đoạn 2011 - 2021. Mặc dù, năm 2022 có biến động giảm mạnh, trong đó thị trường cổ phiếu giảm 32%, thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm 65%(4).

Thứ hai, cấu trúc hệ thống tài chính có xu hướng thay đổi tích cực. Các TCTD vẫn giữ vai trò chủ chốt trong cung cấp vốn cho nền kinh tế (75 - 80%), nhưng tốc độ tăng trưởng và quy mô của thị trường chứng khoán đã góp phần giảm thiểu tình trạng bất đối xứng thông tin, đa dạng các kênh đầu tư và có ý nghĩa quan trọng trong huy động vốn trung hạn và dài hạn cho nền kinh tế.

Thứ ba, thị trường trái phiếu chính phủ phát triển chuyên nghiệp và bền vững. Sau 15 năm phát triển, thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt đã hình thành được khung khổ pháp lý, cơ sở hàng hóa đa dạng cả về loại hình và thời hạn, thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Thị trường trái phiếu chính phủ thiết lập được đường cong lợi suất cho đầy đủ các kỳ hạn, tạo cơ sở tham chiếu quan trọng cho lãi suất trên thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường phái sinh và thậm chí cả thị trường tín dụng ngân hàng.

Thứ tư, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đạt được một số kết quả nhất định, cơ bản đạt được các mục tiêu tăng quy mô, nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro, quản trị điều hành TCTD. Các TCTD yếu kém được chấn chỉnh, sắp xếp lại thông qua hỗ trợ thanh khoản, sáp nhập, hợp nhất hoặc mua bắt buộc và được hỗ trợ bởi các ngân hàng thương mại (NHTM) có tiềm lực để thực hiện cơ cấu lại. Các NHTM được chấn chỉnh toàn diện về năng lực tài chính, quản trị rủi ro, xử lý nợ xấu. Nợ xấu của TCTD được cơ bản xử lý thông qua các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ và sử dụng dự phòng rủi ro.

Thứ năm, các TCTD hoạt động lành mạnh, an toàn hơn theo xu hướng tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Tiêu chuẩn Basel II với 3 trụ cột (tỷ lệ an toàn vốn (CAR), mức độ đủ vốn (ICAAP), sự minh bạch và kỷ luật thị trường) được cụ thể hóa trong các thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối năm 2022, hầu hết NHTM đã cơ bản đạt tỷ lệ an toàn vốn (trụ cột 1), trong đó có 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột và một số ngân hàng đang nghiên cứu để tiến tới áp dụng Basel III. Hầu hết NHTM đã thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù đạt được một số thành tựu nổi bật, hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện:

Thứ nhất, quy mô còn nhỏ so với các quốc gia trong khu vực. Tổng tài sản của các định chế tài chính tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 219% GDP năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 320% GDP của 5 quốc gia có hệ thống tài chính tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Chưa có ngân hàng nào của Việt Nam thuộc tốp 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Quy mô các bộ phận khác của hệ thống tài chính cũng nhỏ hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực. Thị trường cổ phiếu có quy mô vốn hóa chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương (124,45%). Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chỉ bằng 1/2 quy mô bình quân các thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại châu Á.

Thứ hai, cơ cấu hệ thống tài chính Việt Nam chưa cân đối, phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ vốn cung ứng cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán chỉ bằng 1/2 so với khu vực ngân hàng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, nhưng đang gặp nhiều khó khăn trong năm 2022 và năm 2023 với khá nhiều trái phiếu bất động sản “ba không” (không tài sản bảo đảm, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán), hàng hóa thiếu đa dạng, kỳ hạn tương đối ngắn, chủ yếu từ 1 đến 5 năm. 

Thứ ba, phát triển tài chính chưa bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro với cả hệ thống TCTD và thị trường tài chính. Công tác xử lý nợ xấu vẫn chưa triệt để, khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm. Tỷ lệ nợ xấu có thể tăng nhanh khi các chính sách hỗ trợ hậu đại dịch COVID-19 hết hiệu lực. Các tiêu chuẩn Basel II đang áp dụng là theo phương pháp tiêu chuẩn chứ chưa phải phương pháp nâng cao, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực đã áp dụng các tiêu chuẩn Basel III. Công tác cơ cấu lại các TCTD diễn ra còn chậm, đặc biệt là tại ba ngân hàng mua bắt buộc. Một số ngân hàng mới bị đưa vào danh sách kiểm soát đặc biệt trong năm 2022 và năm 2023, gây nên tình trạng rủi ro thanh khoản. Các hiện tượng thao túng giá và lũng đoạn giá trên thị trường cổ phiếu và thị trường phái sinh, đẩy giá chứng khoán lên cao “một cách giả tạo”, không căn cứ trên tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Nhận thức và hiểu biết của nhiều nhà đầu tư trong nước còn hạn chế, tâm lý nhà đầu tư còn có sự bất ổn, ảnh hưởng tới ổn định của thị trường tài chính nói riêng và an ninh tài chính nói chung.

Thứ tư, kết cấu hạ tầng của hệ thống tài chính còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm trên thị trường còn thiếu đa dạng, chất lượng một số hàng hóa chưa bảo đảm. Trên thị trường chứng khoán, các hàng hóa chủ yếu là cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, số lượng các công ty niêm yết tại Việt Nam còn ít (750 công ty niêm yết, trong khi số lượng công ty đại chúng lớn hơn nhiều, khoảng 1.800 công ty), nên chất lượng hàng hóa trên thị trường cổ phiếu chưa đạt như kỳ vọng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp quy mô còn nhỏ với số lượng mã trái phiếu doanh nghiệp chưa nhiều, kỳ hạn trái phiếu ngắn. Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chưa đa dạng, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân với nhận thức và hiểu biết còn nhiều hạn chế. Các nhà đầu tư tổ chức trong nước chủ yếu là các quỹ đầu tư, tính chuyên nghiệp chưa cao. Trên thị trường trái phiếu, chủ thể giao dịch chính là các NHTM cổ phần và các công ty chứng khoán, với tỷ trọng giao dịch của các NHTM chiếm hơn 80% tổng giá trị giao dịch của thị trường.

Mục tiêu gia tăng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ của các nhà đầu tư ngoài NHTM lên 50% vẫn chưa đạt được. Chất lượng cung cấp thông tin và minh bạch trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn còn nhiều khác biệt, chưa theo kịp với chuẩn mực kế toán quốc tế, tạo kẽ hở để một số tổ chức lợi dụng hạch toán sai bản chất giao dịch. Khung pháp lý về hoạt động của thị trường chưa hoàn thiện và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.

Ngoài ra, mức độ áp dụng công nghệ thông tin của hệ thống tài chính còn thấp và có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chưa theo kịp với những đòi hỏi của thực tế ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Các hạn chế trên chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, các quy định pháp lý liên quan tới hệ thống tài chính chưa hoàn thiện và chưa đồng bộ. Mặc dù các quy định này liên tục được rà soát, bổ sung và hoàn thiện, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng một số hạn chế vẫn còn, như chưa bao quát hết các vấn đề kinh tế - xã hội, một số quy định chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn, một số lĩnh vực chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn kịp thời.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, quá trình xử lý nợ xấu gặp khó khăn do các quy định về tài sản bảo đảm và giao dịch bảo đảm được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, có tình trạng xung đột, chồng chéo, mâu thuẫn và thiếu đồng bộ với nhau. Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017, của Quốc hội, “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” quy định các cơ chế đặc thù cho hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của TCTD, nhưng chỉ mang tính thí điểm và bị giới hạn phạm vi, thời gian áp dụng. Quy định về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm có sự khác nhau giữa một số loại tài sản. Theo Luật Đất đai, việc thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở, việc thế chấp nhà ở có hiệu lực từ thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm công chứng có hiệu lực, tức là từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Các hoạt động và phương thức thanh toán tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, nhưng Luật Thanh toán chưa được ban hành. Hoạt động ngoại hối phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa có Luật Ngoại hối để thay thế một số quy định không còn phù hợp tại Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2013. Quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng gặp nhiều khó khăn liên quan đến giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, định danh và xác thực khách hàng điện tử, chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng... Các nội dung này chưa được quy định rõ ràng, cụ thể trong các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cần được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để tạo cơ sở pháp lý cho quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, còn thiếu các quy định chặt chẽ và biện pháp đủ sức răn đe đối với vấn đề công khai thông tin để minh bạch hóa thị trường tài chính. Các quy định pháp lý phòng, chống thao túng thị trường chứng khoán đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhưng cách xác định số tiền “thu lời bất chính” hoặc “gây thiệt hại cho nhà đầu tư” chưa rõ, chưa bao quát hết các yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng”, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ răn đe (phạt tiền đến 4 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm).

Các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn đến chất lượng trái phiếu chưa cao. Nhiều trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, không được được bảo lãnh thanh toán và không được xếp hạng tín nhiệm. Đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020, của Chính phủ, “Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế” là “các nhà đầu tư chuyên nghiệp”, nhưng Việt Nam chưa có tổ chức độc lập để chứng nhận vấn đề này.

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, ngày 5/3/2023, của Chính phủ, “Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế” đã gỡ nhiều điểm nghẽn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu hiện tại có thêm thời gian và lựa chọn để cơ cấu lại nợ, nhưng chưa giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.

Hai là, chưa có cơ quan giám sát toàn diện hoạt động của hệ thống tài chính, các cơ quan giám sát hiện nay còn hoạt động phân tán và chưa được chuyên môn hóa. Các cơ quan giám sát tài chính của Việt Nam (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) thực hiện chức năng giám sát đối với từng bộ phận của hệ thống tài chính theo các quy định pháp lý riêng cho từng cơ quan, nhưng Việt Nam vẫn thiếu những văn bản quy định việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện chức năng giám sát đối với những hoạt động liên quan tới nhiều bộ phận của hệ thống tài chính. Ngoài các cơ quan giám sát theo từng lĩnh vực, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng là cơ quan giám sát chung các hoạt động của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, nhiều chức năng giám sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia bị trùng lặp với các cơ quan giám sát theo từng lĩnh vực, và việc điều phối hoạt động giám sát giữa các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm chưa rõ ràng và hiệu quả.

Ba là, năng lực quản trị rủi ro của nhiều TCTD Việt Nam còn yếu kém. Quy trình quản lý rủi ro của nhiều ngân hàng chưa chặt chẽ và chưa đầy đủ. Nhiều ngân hàng chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác để tính toán tỷ lệ an toàn vốn và đánh giá rủi ro theo chuẩn Basel II. Chất lượng nguồn nhân lực quản trị rủi ro chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bốn là, việc công bố thông tin và minh bạch hóa thị trường tài chính còn nhiều bất cập. Công khai và minh bạch thông tin giúp bảo vệ quyền lợi và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của thị trường. Tuy vậy, việc công khai thông tin của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa kịp thời, đầy đủ và chính xác. Các hiện tượng gian lận về hồ sơ, sử dụng vốn không đúng mục đích theo phương án phát hành, thao túng giá cổ phiếu... vẫn xảy ra. Chất lượng thông tin của nhiều doanh nghiệp đưa ra còn thấp do không được kiểm toán bởi các công ty uy tín. Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm để đánh giá khả năng tài chính và hoạt động của doanh nghiệp phát hành và giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trên thị trường xếp hạng tín nhiệm hiện nay mới có ba doanh nghiệp được cấp phép hoạt động (Fiin Ratings, Saigon Ratings và VIS Rating), với số lượng doanh nghiệp được xếp hạng còn hạn chế.

Một số giải pháp thúc đẩy phát triển tài chính 

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý đối với hệ thống tài chính. Để hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cần rà soát các văn bản pháp lý quy định về từng lĩnh vực cụ thể để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản pháp lý có phạm vi và nội dung điều chỉnh phù hợp với thực tiễn phát sinh. Cụ thể:

Quốc hội xem xét, ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD, nhằm tạo cơ sở pháp lý xử lý nợ xấu trong dài hạn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu được nhanh chóng, thuận lợi, đặc biệt là đối với TCTD trong việc xử lý tài sản bảo đảm, giải quyết nợ xấu, từ đó nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, từng bước đáp ứng các yêu cầu hội nhập tài chính ngày càng sâu rộng.

Quốc hội xem xét, ban hành Luật Thanh toán, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, giám sát các hệ thống thanh toán, các dịch vụ và phương tiện thanh toán phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực thanh toán do tác động của tiến bộ công nghệ, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, cần sớm ban hành Luật Giao dịch điện tử, tạo cơ sở cho việc thực hiện các giao dịch  điện tử trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Hiện nay, dự thảo Luật Giao dịch điện tử đang được lấy ý kiến rộng rãi. Khi được ban hành, Luật Giao dịch điện tử cùng với Luật Thanh toán sẽ tạo tiền đề để phát triển hoạt động thanh toán an toàn hiệu quả, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của hệ thống tài chính.

Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, nhằm giải quyết triệt để tình trạng doanh nghiệp lợi dụng các “lỗ hổng” chính sách phát hành trái phiếu sai quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của nhà đầu tư và an toàn của thị trường tài chính. Tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cần được định nghĩa rõ ràng hơn. Các yêu cầu về minh bạch và công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành cũng cần được quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm thông tin công bố chính xác, đầy đủ và chất lượng. Đồng thời, Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ bổ sung chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Hiện tại, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP đã quy định khá chi tiết các trường hợp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Tuy nhiên, các chế tài xử lý vi phạm hành chính chủ yếu dưới hình thức phạt tiền, một số vi phạm bị xử lý bằng việc đình chỉ hoạt động... vẫn chưa đủ sức răn đe. Tuy số lượng vi phạm công bố thông tin ngày càng giảm, nhưng mức độ vi phạm ngày càng tinh vi. Các quy định xử phạt vi phạm về công bố thông tin là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng thông tin công bố trên thị trường, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy sự minh bạch hóa của thị trường chứng khoán - một trong các yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng thể chế, từ đó làm tăng chất lượng và quy mô phát triển tài chính.

Thứ hai, hoàn thiện mô hình giám sát hệ thống tài chính. Với các nguy cơ rủi ro hệ thống ngày càng gia tăng do tác động lan truyền của khu vực tài chính, việc chọn lựa mô hình giám sát hệ thống tài chính phù hợp ngày càng quan trọng. Mục tiêu của hệ thống giám sát tài chính tập trung vào bảo đảm sự ổn định, lành mạnh, an toàn, vận hành thông suốt; bảo đảm giữ đạo đức kinh doanh và tính liêm chính; và bảo vệ người tiêu dùng.

Trên thế giới có ba mô hình giám sát hệ thống tài chính, bao gồm truyền thống (phối hợp ba chức năng giám sát hệ thống ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), lưỡng đỉnh (giám sát tuân thủ và giám sát hành vi) và hợp nhất (tập hợp đồng bộ tại một đơn vị - thường là Ngân hàng Trung ương). Mô hình truyền thống vẫn phù hợp với Việt Nam, nhưng cần có các quy định nhằm tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong giám sát giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Áp dụng các phương pháp giám sát hiện đại, như kết hợp giám sát tuân thủ và giám sát theo mức độ rủi ro, giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô; tăng cường áp dụng các chuẩn mực Basel cập nhật và các tiêu chuẩn cụ thể, như CAMELS(5), CALCS(6), SPARC(7).

Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị rủi ro của các TCTD Việt Nam.

Đối với Ngân hàng Nhà nước: Hoàn thiện khung pháp lý về quản trị rủi ro đối với các TCTD. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản hướng dẫn các TCTD thực hiện các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động như, Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016, “Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”; Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, ngày 15/11/2019, “Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Các quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ cũng được quy định khá chi tiết trong Thông tư số 13/2018/TT-NHNN, ngày 18/5/2018, của Ngân hàng Nhà nước, “Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung của chuẩn mực Basel II chưa được hướng dẫn, trong đó có các quy định liên quan đến bảo hiểm tiển gửi (thuộc trụ cột 3 - sự minh bạch và kỷ luật thị trường), đây là một trong các nội dung quan trọng bảo đảm an toàn cho mạng lưới tài chính. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các quy định cụ thể và phương pháp thực hiện, hướng đến một bộ quy chuẩn đầy đủ theo Basel II và tiến tới Basel III để TCTD có cơ sở thực hiện.

Đẩy mạnh cải cách hệ thống kế toán ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế, chú trọng các nội dung về phân loại nợ theo mức độ rủi ro, trích lập dự phòng rủi ro, hạch toán thu nhập và chi phí. Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các rủi ro trong hoạt động của TCTD để làm cơ sở đưa ra chính sách phù hợp, nhanh chóng ổn định hệ thống khi có rủi ro bất ngờ xảy ra. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và các công cụ phân tích nâng cao đối với cơ sở dữ liệu do các TCTD báo cáo Ngân hàng Nhà nước, để thực hiện kiểm tra, giám sát và cảnh báo rủi ro (nếu có) đối với hoạt động của TCTD. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát đối với các TCTD, cần tập trung bồi dưỡng kỹ năng phân tích, đánh giá, phát hiện rủi ro sớm và trang bị kiến thức, hiểu biết về pháp luật cho cán bộ giám sát ngân hàng. 

Đối với các TCTD: Hiện đại hóa công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ và chi tiết để làm cơ sở tính toán các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động theo tiêu chuẩn Basel II. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản trị rủi ro thông qua chương trình đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công nghệ thông tin. Cải tiến quy trình quản trị rủi ro thông qua một số biện pháp, như cơ cấu lại tổ chức bộ máy nhằm thực hiện tốt hơn quản trị rủi ro; thay đổi văn hóa trong quản trị rủi ro với bộ phận giám sát nội bộ phải sử dụng các công cụ, kỹ thuật mới từ đánh giá tuân thủ của các ngân hàng sang đánh giá phòng ngừa; đẩy mạnh công tác kiểm soát nội bộ với mục tiêu xây dựng được hệ thống tìm kiếm những xu hướng tiềm ẩn tiêu cực, bất ổn và thiếu sót trong hoạt động của ngân hàng để đưa ra biện pháp chấn chỉnh; chuyển đổi mô hình kinh doanh để không quá phụ thuộc vào hoạt động tín dụng... Đầu tư để ứng dụng Basel II và tiến tới áp dụng một số tiêu chuẩn Basel III bởi chi phí cho các công việc liên quan tới triển khai áp dụng tiêu chuẩn này rất lớn, phương pháp đánh giá và tính toán các chỉ tiêu theo Basel khó và phức tạp.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công bố thông tin và minh bạch hóa thị trường tài chính. Tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục; rà soát việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, quản trị đối với công ty đại chúng. Phối hợp xử lý nghiêm sai phạm về báo cáo tài chính. Cần điều chỉnh các quy định pháp lý phù hợp để có cơ sở xử lý nghiêm vi phạm của doanh nghiệp và cá nhân, đối tượng tung tin giả, thao túng chứng khoán. Tiếp tục rà soát để điều chỉnh phù hợp các quy định liên quan tới chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin, minh bạch, chất lượng quản trị doanh nghiệp đối với tất cả doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán.

Tăng cường chất lượng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp trên thị trường tài chính, tạo môi trường để thực thi văn hóa xếp hạng có trách nhiệm. Rà soát các quy định nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch và tin cậy cho hoạt động xếp hạng, bảo đảm không có sự xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp xếp hạng với nhà phát hành, với doanh nghiệp tư vấn. 

Thứ năm, phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính có trách nhiệm, bền vững và bảo đảm tính bao phủ cao. Các TCTD nghiên cứu phát triển các sản phẩm tiết kiệm, tín dụng, thanh toán, bảo hiểm đa dạng và hấp dẫn cho các đối tượng khách hàng khác nhau, đặc biệt là nhóm khách hàng yếu thế, như người nghèo, người thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ. Phát triển các sản phẩm tài chính xanh, tài chính cho kinh tế tuần hoàn, tài chính xã hội. Tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp.

Tối giản các thao tác trên thiết bị để khuyến khích mọi người sử dụng dễ dàng, tìm kiếm hoặc thực hiện các giao dịch thông qua giọng nói để khắc phục khó khăn trong sử dụng thiết bị điện tử, ứng dụng nhiều hơn các giải pháp định danh khách hàng điện tử (Electronic Know Your Customer - eKYC). Xác định các nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm xã hội, đồng thời bảo đảm tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần phát triển các chương trình nâng cao năng lực dân trí tài chính, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính để bảo đảm người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin và đối xử công bằng. Cụ thể các quy định về quyền lợi của người tiêu dùng tài chính, như quyền biết thông tin, quyền lựa chọn, quyền khiếu nại, quyền bảo vệ. Cụ thể hóa cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng và hiệu quả. Thực hiện giám sát và kiểm soát hoạt động của các tổ chức tài chính, bảo đảm các sản phẩm và dịch vụ tài chính được cung cấp một cách minh bạch và đúng quy định./.

----------------------

(1) Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF): “The Financial Development Report” (Tạm dịch: Báo cáo phát triển tài chính), Insight Report, 2012; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): “Introducing a new broad-based index of financial development” (Tạm dịch: Chỉ số phát triển tài chính tổng quát), IMF working paper, No. 16-5, 2016.

(2) R. McKinnon: Money and capital in economic development, Brookings (Tạm dịch: Tiền và vốn, trong phát triển và lưu thông kinh tế), Washington, DC, 1973; E. S. Shaw: Financial deepening in economic development (Tạm dịch: Phát triển hệ thống tài chính theo chiều sâu), Oxford University Press, 1973.

(3), (4) Xem: Tổng cục Thống kê: Báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022.

(5) CAMELS là các chữ cái viết tắt để chỉ các chỉ tiêu cấu thành hệ thống xếp hạng đối với một ngân hàng gồm: Capital (vốn), Assets (tài sản) Management (quản lý), Earnings (lợi nhuận), Liquidity (thanh khoản) và Sensitivity (độ nhạy cảm với các rủi ro thị trường).

(6) CALCS là những chữ cái viết tắt để chỉ các tiêu chuẩn để giám sát đối với một ngân hàng nước ngoài, bao gồm Criteria-capital adequacy (đủ vốn), Assets quality (chất lượng tài sản), Liquidity (thanh khoản), Compliance (tuân thủ) và Systems for the supervision (hệ thống giám sát).

(7) SPARC (Supervisory Programme for Assessment of Risk) là một cơ chế giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng dựa trên mức độ xếp hạng rủi ro của tổ chức đó, được xây dựng và kế thừa từ CAMELS.

Theo tapchicongsan.org.vn