Phát triển thị trường bán lẻ trong nước: Thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới


Sau giai đoạn trầm lắng do dịch COVID-19, ngành bán lẻ đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Có thể thấy, thực trạng thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, ngành bán lẻ vẫn cần phải liên tục thay đổi để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Việc thay đổi, cải thiện như vậy không chỉ giúp ích cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước nói riêng, mà cho cả nền kinh tế nước ta nói chung.

Giới thiệu

Ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục là một trong những lĩnh vực tiềm năng (Hà Anh, 2023). Tuy nhiên, cuộc đua giành thị phần bán lẻ ở Việt Nam vẫn đang diễn ra hết sức khốc liệt giữa DN nội và DN nước ngoài.

Việc phân tích thực trạng thị trường bán lẻ Việt Nam cũng như chỉ ra xu hướng bán lẻ trong thời gian tới, sẽ giúp các nhà quản lý cũng như các DN bán lẻ nội địa có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp hơn nữa nhằm giành lại thị phần trên sân nhà.

Thực trạng thị trường bán lẻ Việt Nam

Theo báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021 do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong đó, ngành bán lẻ tăng cao (10,15%), đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị toàn nền kinh tế; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ (40,61%).

Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Sự phục hồi chung của nền kinh tế đã thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại. Khảo sát 15.000 nhà bán hàng trong năm 2022 của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, tuy 42% nhà bán hàng ghi nhận sự sụt giảm doanh thu so với năm 2021, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%). Số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.

Trong năm 2022 cũng ghi nhận sự phát triển vượt bậc của kênh marketing qua Người nổi tiếng/Người ảnh hưởng (KOL)/Người tiêu dùng chủ chốt (KOC), hình thức đa dạng, sáng tạo; chất lượng được gia tăng. Tỷ lệ nhà bán hàng đang sử dụng kênh này chiếm 7,37%. Đồng thời, kênh này cũng vượt qua kênh Quảng cáo trên sàn thương mại điện tử, lọt top 3 kênh marketing được đánh giá hiệu quả cao nhất (sau Tiếp thị tại cửa hàng và Quảng cáo trên mạng xã hội).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, riêng 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Thực tế cho thấy, ngay trong những ngày đầu năm 2023, DN Việt Nam và nước ngoài đã có kế hoạch mở cửa hoạt động và rót vốn đầu tư trở lại sau dịch Covid-19. Mới đây, Central Retail (Thái Lan) đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới. Với việc rót thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Central Retail sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước. Qua đó thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026 lên 65.000 tỷ đồng (Lê Nam, 2023).

Tương tự, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng đang lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Đồng thời sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo đà phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, hệ thống bản lẻ WinCommerce bên cạnh việc duy trì 3.400 siêu thị và cửa hàng tiện ích tại 62 tỉnh/thành sẽ tiếp tục phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Thông tin của Công ty Dịch vụ bất động sản thương mại toàn cầu Cushman & Wakefield (Hoa Kỳ), dự kiến trong cả năm 2023 sẽ có 4 dự án trung tâm thương mại chào sân là Central Premium plaza, Vincom Megamall Grand Park, Sunrise City Central và Emart 2, đóng góp hơn 116.000 m2 diện tích bán lẻ mới (Hà Anh, 2023).

Mặc dù ngành bán lẻ đã dần khởi sắc trở lại, tuy nhiên, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 mới đạt khoảng 82% quy mô trước khi xảy ra dịch Covid-19 (Tổng cục Thống kê, 2022). Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết, hiện hệ thống chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển, làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển, mối liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa chưa chặt chẽ, nên thị trường dễ bị biến động (Lê Nam, 2023).

Một số xu hướng của ngành bán lẻ Việt Nam

Thứ nhất, về tổng thể, thị trường đang vận động theo hướng thuộc về người mua và người mua ngày càng có nhiều công cụ hiện đại để tùy chỉnh các lựa chọn của họ ở cả các kênh bán hàng hiện đại và truyền thống. Những thay đổi về nhân khẩu học và trong thói quen và hành vi của người tiêu dùng có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhà bán lẻ vào năm 2023 và những năm tiếp theo. Người tiêu dùng Việt Nam đang trở nên “trực tuyến hơn”, với tỷ lệ người sử dụng internet tăng lên đến mức 75% dân số và tỷ lệ người mua sắm trực tuyến lên tới 60% (Hiệp hội Các nhà bản lẻ Việt Nam, 2023). Theo Sapo (2022), xu hướng của các nhà bán lẻ là mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Tiếp đó là, Shoppertainment - Mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm.

Đặc biệt, mua sắm trực tuyến cũng tạo cơ hội mới hấp dẫn cho kênh bán lẻ truyền thống. Thực tế cho thấy, tại một số chợ, tiệm tạp hóa, nhiều cửa hàng đứng ra chi các trang bị những phương tiện thanh toán hiện đại như là máy POS, máy tính tiền bằng mã vạch để người mua hàng dễ dàng thanh toán nhanh chóng và chính xác. Tại quầy hàng ăn ở chợ, nhiều chủ quầy đã đưa sản phẩm của mình lên các ứng dụng giao hàng trực tuyến, ship tận nhà để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Ở các quầy bán mỹ phẩm, quần áo, việc đưa hàng hóa lên chợ online thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cũng được tích cực triển khai.

Thứ hai, khái niệm về thị trường bán lẻ không còn đơn thuần là mua và bán một mặt hàng mà đã mở rộng ra cả những dịch vụ hỗ trợ và trải nghiệm tiêu dùng. Để cạnh tranh, các nhà bán lẻ liên tục phải đổi mới các kênh bán hàng ngoại tuyến và trực tuyến, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhanh chóng ở chặng cuối như giao hàng tận nơi, giao hàng trong ngày, ứng dụng các công cụ trực tuyến để giúp khách hàng lựa chọn/thử hàng/chuyển đổi/trả hàng (ví dụ quần áo, giày, dép), cũng như thanh toán điện tử nhanh chóng, thuận tiện nhất có thể.

Thứ ba, trong khi cạnh tranh về công nghệ để cải thiện độ tiện ích là xu hướng chủ đạo thì trong bối cảnh khó khăn của năm 2023, cạnh tranh về chi phí cũng là vấn đề “đau đầu” của các nhà bán lẻ. Do đó, chi phí thu hút và duy trì khách hàng đang tăng lên.

Thứ tư, hội nhập quốc tế về cả kinh tế, công nghệ và văn hóa được thúc đẩy bởi chính những xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0, do đó tác động nhanh, mạnh hơn đến thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong thập kỷ tới, những thay đổi về nhân khẩu học xã hội của người tiêu dùng dự kiến sẽ diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, tạo ra những nhu cầu và mong muốn ngày càng mở rộng và đa dạng. Những đặc điểm như: độ tuổi trung bình cao hơn, các bệnh liên quan đến béo phì, huyết áp, tim mạch… cũng tác động đến cơ cấu hàng hóa tiêu dùng.

Một số đề xuất trong thời gian tới

Để đẩy mạnh phát triển thị trường bán lẻ trong nước thời gian tới, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

Một là, tiếp tục tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, du lịch, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử... cần được khuyến khích, ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối cần tiếp tục chuyển dịch sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên vùng nông thôn, miền núi.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa và nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hai là, Bộ Công Thương cần đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và DN. Cùng đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước.

Ba là, đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất tại làng nghề, các hộ nông dân, hợp tác xã… xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu các chuỗi phân phối, bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

Bốn là, chú trọng phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh, bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội… để đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. Ưu tiên phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số; khuyến khích ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Để phát triển thương mại bền vững, cần khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở phân phối...

Về phía các DN bán lẻ trong nước

Thứ nhất, nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm lợi thế. Với vị trí là sân nhà, các DN Việt Nam phải là những người hiểu hơn ai hết về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. DN có thể phát triển các siêu thị, cửa hàng tiện ích để phân phối hàng hóa đến các khu vực, mở rộng mạng lưới buôn bán để ngày càng phát triển

Thứ hai, xây dựng thương hiệu đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Việc phát triển thương hiệu đồng thời phải phát triển chất lượng sản phẩm bởi khi cả hai cùng phát triển thì DN mới có thể đứng vững trên thị trường.

Thứ ba, các DN, nhà sản xuất nhỏ lẻ cần liên kết với nhau. Việc liên kết với nhau không chỉ giúp ích về mặt phát triển thương hiệu, chất lượng sản phẩm mà còn phát triển về mặt kinh tế, cùng nhau tạo nên một mạng lưới độc lập, vững chắc

Thứ tư, nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực của nước ta hiện nay đang dồi dào, sẵn có tuy nhiên chất lượng chưa được tốt. Chính vì vậy, các DN, nhà phân phối sản xuất nên tạo điều kiện để nguồn nhân lực DN mình được nâng cao tay nghề, trình độ.

Thứ năm, cải thiện về thái độ, chất lượng dịch vụ. Theo đó, DN nên có những buổi tập huấn, cải thiện về chất lượng dịch vụ. Hướng dẫn cho nhân viên làm sao để xử lý những tình huống khác nhau khi gặp khách hàng, giải quyết thế nào để khách hàng luôn hài lòng và nhận được đánh giá tốt về chất lượng, dịch vụ đó.

Tài liệu tham khảo:

1. Hà Anh (2023), Bùng nổ đầu tư vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam, truy cập từ https://nhandan.vn/bung-no-dau-tu-vao-thi-truong-ban-le-post744463.html.

2. Hiệp hội Các nhà bản lẻ Việt Nam (2023), Tài liệu Tọa đàm “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội cho ngành hàng bán lẻ Việt Nam”, ngày 6/4/2023, tại Hà Nội.

3. Lê Nam (2023), Thị trường bán lẻ: Kỳ vọng khởi sắc trở lại, truy cập từ https://kinhtedothi.vn/thi-truong-ban-le-ky-vong-khoi-sac-tro-lai.html.

4. Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo (2022), Kết quả Khảo sát 15.000 nhà bán hàng năm 2022.

5. Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV và cả năm 2022.

6. Tổng cục Thống kê (2023), Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dúng tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 của một số thành phố lớn trong cả nước.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo