Phát triển thị trường trái phiếu xanh

PV. (t/h)

Để đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu xanh.

Chủ đề về trái phiếu xanh thu hút được sự quan tâm của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và nhà khoa học.
Chủ đề về trái phiếu xanh thu hút được sự quan tâm của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và nhà khoa học.

Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm. Đối với thị trường trái phiếu xanh, theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2023, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam đã đạt 1 tỷ USD lưu hành, tương đương 2% trái phiếu đang lưu hành và con số này sẽ tăng lên trong giai đoạn 2024-2025. Trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, với sự gia tăng nhận thức về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ngày càng nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính bắt đầu chú trọng đến việc phát hành trái phiếu xanh như một phương tiện để tài trợ cho các dự án có lợi cho môi trường. Đặc biệt, từ năm 2020 đến năm 2023, nhờ các chiến lược phát triển xanh của Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức tài chính quốc tế và nhận thức rõ hơn về vai trò của tài chính xanh trong cộng đồng doanh nghiệp, thị trường đã bắt đầu ghi nhận những đợt phát hành trái phiếu xanh có quy mô đáng kể từ các tổ chức lớn như Vinpearl (425 triệu USD), BIM Group (350 triệu USD), BIDV (100 triệu USD), EVN Finance (70 triệu USD).

Mới đây nhất, Vietcombank đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường. Đây là lần đầu tiên Vietcombank phát hành trái phiếu xanh, là cột mốc quan trọng trong chiến lược quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp của Vietcombank.

Theo ông Vũ Quang Đông - Phó Giám đốc Khối phụ trách Khối Vốn & Thị trường Vietcombank, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam cũng như tuân thủ tự nguyện Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA).

Khung trái phiếu xanh của Vietcombank được tư vấn bởi Tổ chức quốc tế Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) và được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín S&P Global đánh giá rất cao với xếp hạng Medium Green (mức cao thứ hai trong thang sáu bậc theo khung đánh giá Shade of Green của S&P Global), khẳng định chất lượng, sự tuân thủ, tính minh bạch ở cấp độ cao trong việc lựa chọn dự án, quản lý giải ngân nguồn tiền từ phát hành, các chế độ về quản trị và báo cáo của Vietcombank.

"Dựa trên nguyên tắc Trái phiếu xanh của ICMA và pháp luật Việt Nam, nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho các dự án thuộc 7 lĩnh vực gồm năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, quản lý nước, công trình xanh, quản lý chất thải, nông – lâm – thủy sản bền vững, và năng lượng hiệu quả. Đây đều là những ngành có tác động mạnh mẽ đến môi trường. Các dự án cần phải thể hiện rõ hiệu quả tích cực đối với môi trường và phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Vietcombank sẽ đánh giá kỹ lưỡng từng dự án trước khi phê duyệt và giải ngân", Phó Giám đốc Khối phụ trách Khối Vốn & Thị trường Vietcombank chia sẻ.

Tuy nhiên, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Giá trị phát hành của trái phiếu xanh của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực còn khá khiêm tốn. Trong đó, nguyên nhân là do thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn đối mặt với những rào cản như: Thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, hạn chế về thông tin và dữ liệu, và sự thiếu hiểu biết của các bên liên quan về trái phiếu xanh, thiếu Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia... Ngoài ra, tính đến nay, mới chỉ có FiinRatings (trong năm 2022) trở thành tổ chức đầu tiên của Việt Nam được CBI ủy quyền xác nhận trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính chú trọng đến phát hành trái phiếu xanh như một phương tiện để tài trợ cho các dự án có lợi cho môi trường.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính chú trọng đến phát hành trái phiếu xanh như một phương tiện để tài trợ cho các dự án có lợi cho môi trường.

Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh phát triển, các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về Tiêu chuẩn hay Nguyên tắc Trái phiếu Xanh trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư là hết sức cần thiết. Cùng với đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam.

Đặc biệt, theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Một là, phát triển thị trường trái phiếu xanh: Khuyến khích việc phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh nhằm tạo thêm kênh huy động vốn cho ngân sách, cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Hai là, nghiên cứu về tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu, tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững; chuẩn hóa quy định về trách nhiệm của tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu, tổ chức quản lý tài sản đảm bảo để tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.