Giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp nhờ cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm
Ngày 16/9/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” nhằm cải cách thực chất kiểm tra chuyên ngành. Tạp chí Tài chính đã phỏng vấn ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) để làm rõ hơn nội dung này.
Phóng viên: Công tác kiểm tra chuyên ngành là một trong những khâu quan trọng trong quá trình thông quan hàng hóa. Xin ông cho biết thực trạng công tác này hiện nay?
Ông Âu Anh Tuấn: Ngoài những thành công đã đạt được, việc kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành hiện nay còn nhiều. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 31/12/2019 vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng còn thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.
Hiện nay, mỗi loại hình kiểm tra lại có trình tự, thủ tục khác nhau được quy định chi tiết tại các Luật chuyên ngành và các Nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại không thống nhất giữa các bộ, ngành, không thống nhất giữa Luật và Nghị định hướng dẫn dẫn đến việc doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức…
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những quy định chưa phù hợp, quá mức cần thiết như: Áp dụng kiểm tra đối với từng lô hàng của từng chủ hàng; Một số hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn tại cửa khẩu và có thời gian kiểm tra lâu nhưng vẫn thuộc diện kiểm tra trước thông quan như thang máy, cần cẩu. Nguyên tắc quản lý rủi ro đã được áp dụng nhưng chưa đầy đủ, thực chất dẫn đến tỷ lệ kiểm tra còn cao, tỷ lệ hàng hóa được áp dụng miễn giảm rất thấp.
Trên thực tế, tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp, tỷ lệ hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trong những năm qua đã có xu hướng giảm dần từ khoảng 30% năm 2015 xuống còn 19,1% năm 2019; Tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng qua các năm rất thấp, chỉ từ 0-0,03%.
Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành khi giao Bộ Tài chính “chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch…), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm”.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức liên quan và các chuyên gia nghiên cứu độc lập tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu, phản biện để xây dựng Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, phát huy trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông có thể cho biết những nội dung cải cách nổi bật trong Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” ông vừa đề cập?
Theo Đề án, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Theo đó, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; Giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.
Cơ quan hải quan sẽ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Thực hiện kiểm tra hồ sơ, thực hiện kiểm tra bằng máy móc thiết bị tại hiện trường hoặc trưng cầu, giám định, thử nghiệm tại tổ chức đánh giá sự phù hợp/giám định được Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định; Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, về an toàn thực phẩm để thông quan; Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và áp dụng quản lý rủi ro “tích hợp” trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, công khai, kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan.
Đề án áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm: Kiểm tra chặt; Kiểm tra thông thường; Kiểm tra giảm. Hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt sẽ chuyển sang phương thức kiểm tra thông thường; Hàng hóa có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường sẽ chuyển sang phương thức kiểm tra giảm.
Với đầu mối là cơ quan hải quan, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ đơn giản hóa, cắt giảm các bước thủ tục so với quy trình hiện tại. Đề án sẽ áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong Mô hình mới để cắt giảm thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan. Đồng thời, mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm thêm 18 nhóm đối tượng để giảm chi phí quản lý nhà nước và chi phí của doanh nghiệp.
Đề án sẽ có những tác động như thế nào đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các bên liên quan, thưa ông?
Với việc thống nhất đầu mối kiểm tra và cải cách theo mô hình mới, doanh nghiệp chỉ phải đăng ký kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm với cơ quan hải quan, lựa chọn tổ chức giám định và thông báo cho cơ quan hải quan, thông quan hàng hóa nếu hàng hóa đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp không phải đi lại giữa cơ quan kiểm tra nhà nước và cơ quan hải quan, từ đó giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Đối với nền kinh tế, khi mô hình mới được triển khai sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng cuối cùng, mang lại nhiều cơ hội hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Việc thống nhất đầu mối kiểm tra với việc thực hiện thủ tục hải quan là xu hướng quốc tế, góp phần giúp hội nhập tốt hơn tăng uy tín của Chính phủ, cải thiện chỉ số cải cách hành chính, góp phần nâng hạng xếp hạng vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Chính phủ tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cồng kềnh, giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Theo ông, cần triển khai những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả Đề án nếu được thông qua?
Nếu đề án được thông qua, để triển khai một cách hiệu quả, hệ thống công nghệ thông tin cần được nâng cấp, bổ sung một số chức năng nhằm đáp ứng các yêu cầu như: Tự động xác định đối tượng hàng hóa thuộc hoặc không thuộc diện miễn kiểm tra; được áp dụng hoặc không được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường trên cơ sở các nguyên tắc kiểm tra được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật; Kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu; Tích hợp Hệ thống thông quan tự động hải quan với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Cùng với đó, nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ quan hải quan; hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định. Chuyển giao cán bộ chuyên môn và máy móc thiết bị một số lĩnh vực thuộc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về cơ quan Hải quan để thực hiện công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu nếu cần thiết.
Cần hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, xây dựng, nâng cấp các chức năng của hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro, đối với hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng; hoàn thiện cơ chế áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng.
Để thực sự vận hành hiệu quả, cần tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan và các cơ quan kiểm tra thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực để đảm bảo hiệu quả quản lý trong khâu kiểm tra trước thông quan và khâu thanh tra, kiểm tra chuyên ngành khi lưu thông trên thị trường nội địa. Xây dựng mô hình quản lý rủi ro “tích hợp” giữa các bộ, ngành để kiểm soát toàn diện chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ khâu trước, trong và sau khi nhập khẩu.
Trân trọng cảm ơn ông!