Phí cao ngất ngưởng, tiền mới vẫn "hút" khách

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Mấy năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phát hành tiền lẻ mệnh giá nhỏ dịp Tết, trong khi nhu cầu đổi tiền của người dân vẫn rất cao. Đây chính là lý do khiến đổi tiền lẻ ngày càng “nóng”, bất chấp mức phí cao ngất ngưởng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới mệnh giá thấp của người dân gia tăng mạnh. Hầu hết người dân thường đổi tiền qua 2 kênh chính là ngân hàng và các điểm đổi tiền tại “chợ đen”.

“Mua” tiền mới giá cao

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ không phát hành tiền lẻ, mệnh giá thấp nhân dịp Tết Canh Tý 2020. Đây là chủ trương mà NHNN đã thực hiện xuyên suốt từ nhiều năm gần đây, giúp tiết kiệm được cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Theo đó, NHNN sẽ không phát hành tiền lẻ, mệnh giá thấp gồm tờ tiền các mệnh giá 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng. Thay vào đó, cơ quan điều hành sẽ chủ động cung tiền mệnh giá nhỏ gồm cả tiền cũ và tiền mới đã in và phát hành vào các thời điểm trong năm, trước Tết Nguyên đán.

NHNN cho biết với tiền lẻ mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống, NHNN đã chỉ đạo đẩy mạnh đưa ra lưu thông từ tháng 4 - 11/2019.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, năm nay, việc đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ từ 1.000 đồng, 2.000 đồng 5.000 đồng vẫn được mời chào công khai trên các trang web như tiền thật 100%, mới nguyên 100%, nguyên cọc, liền seri, ship tận nơi… Loại tiền được đổi phổ biến nhất hiện nay là mệnh giá dưới 10.000 đồng, nhằm phục vụ cho những người có nhu cầu đi lễ chùa đầu năm.

Ngoài ra, loại tiền mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng năm nay cũng được nhiều người hỏi đổi để mừng tuổi trong dịp Tết.

Tại “chợ tiền” Hà Trung (Hà Nội), mức phí đổi tiền không có sự chênh lệch đáng kể giữa tiền mệnh giá nhỏ và mệnh giá lớn, mức phí dao động từ 15-20%. Nếu khách đổi số lượng lớn và đổi sớm thì mức phí sẽ thấp hơn.

Ngược lại, trên các trang web, mức phí sẽ tùy theo cá nhân đăng bán và số lượng mua, nhưng phí giao dịch đang cao hơn so với phố Hà Trung. Chẳng hạn, khách muốn đổi tiền mệnh giá 1.000 đồng hay 5.000 đồng thì mức phí 20-30%. Đặc biệt, với mệnh giá 500 đồng khan hiếm nên phí đổi cao hơn, thậm chí lên tới 300%.

Chính vì nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao nên đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền tại các khu vực đền, chùa, lễ hội để hưởng chênh lệch.

Đặc biệt là mấy năm nay, NHNN đã không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết. Chẳng hạn năm 2013, NHNN không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000 - 2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và năm 2016 đến nay không cho chi ra tiền mới in còn nguyên seri mệnh giá nhỏ, dẫn đến các loại tiền này khan hiếm và phí đổi bị đẩy lên cao.

Trên các trang mạng xã hội, tiền lẻ được “bày bán” công khai
Trên các trang mạng xã hội, tiền lẻ được “bày bán” công khai
 

Có Luật nhưng chưa quản

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Tp.HCM, cho biết để ngăn chặn tình trạng tiền lẻ, tiền mới tuồn ra bên ngoài, ngay từ cuối tháng 11/2019, NHNN đã ngưng chi tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng. Đây là biện pháp mà cơ quan này đã thực hiện từ nhiều năm và đem lại hiệu quả nhất định trong việc chống tuồn tiền mới ra thị trường “chợ đen”.

Đề cập đến trào lưu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân dịp Tết hàng năm, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng mua - bán tiền là hành động phạm pháp. Nghị định 96/2014/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định sẽ phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần.

“Việc giao dịch, trao đổi tiền lẻ, an toàn nhất là vào ngân hàng, còn mua bán tiền trôi nổi sẽ dễ bị dính tiền giả, tiền thiếu. Ngoài ra, hành vi này còn bị coi là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Hiếu khuyến cáo.

Dù đã có Luật nhưng hoạt động đổi tiền mới mệnh giá nhỏ vẫn diễn ra nhan nhản vào dịp cận Tết trong nhiều nay. Nguyên nhân là do cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc xử phạt để dẹp bỏ tình trạng này.

Thực tế, chưa có trường hợp đổi tiền lẻ bất hợp pháp bị xử phạt và được cơ quan quản lý công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, những người “buôn” tiền lẻ dịp Tết lại càng có cơ hội kinh doanh một cách công khai trên các trang mạng xã hội, cũng như ngoài thị trường.

Theo chuyên gia, NHNN cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đổi tiền mệnh giá nhỏ, thu phí cao nhằm bảo đảm trật tự trong lĩnh vực tiền tệ. Để dẹp bỏ các điểm đổi tiền bất hợp pháp hoạt động công khai hiện nay cần có sự chung tay của người dân. Nếu có nhu cầu đổi tiền theo ý muốn, người dân có thể đến các ngân hàng thương mại tại nhiều thời điểm để đổi; hoặc khi mua bán, có tiền mới, mệnh giá nhỏ thì để dành dùng vào dịp Tết…