Phía sau động thái cắt giảm lãi suất của Hàn Quốc

Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, xuống mức thấp nhất trong hai năm qua tại 1,25%, trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ chiến thắng áp đảo 5/2. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai liên tiếp trong ba tháng qua của BoK, trong bối cảnh áp lực giảm phát và kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Việc giảm lãi suất không chỉ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn được xem là chính sách để ứng phó với việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Việc giảm lãi suất không chỉ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn được xem là chính sách để ứng phó với việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Cơ sở để giảm lãi suất

Theo Hội đồng thành viên của BoK, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại khi giao thương sụt giảm. Các thị trường tài chính đối mặt với nhiều biến động, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi những bất ổn liên quan đến tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và sự giảm tốc kinh tế ở các nước lớn. 

Theo BoK, tăng trưởng kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu có khả năng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như mức lan truyền của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thay đổi chính sách tiền tệ của các nước lớn và rủi ro địa - chính trị. Riêng nền kinh tế Hàn Quốc đang tăng trưởng chậm, mức tiêu dùng giảm, đầu tư xây dựng thu hẹp và xuất khẩu trì trệ khi đã có 10 tháng giảm liên tiếp tính đến tháng 9 vừa qua. 

BoK cho biết thêm, tăng trưởng trong năm nay dự kiến sẽ giảm xuống dưới mức dự báo 2,2% được đưa ra vào tháng 7, trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ - Trung kéo dài và rủi ro địa - chính trị gia tăng. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc xuống 2% trong năm nay, so với mức dự báo 2,6% đưa ra trước đó. OECD cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này xuống 2,1%, so với mức dự báo tăng trước đó là 2,4%, do thương mại toàn cầu ngày càng suy yếu.

Hàn Quốc cũng đang trải qua thời kỳ giảm phát, chủ yếu do giá dầu mỏ, nông thủy sản và các dịch vụ công cộng giảm, đẩy chỉ số giá tiêu dùng xuống mức âm 1%. BoK dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm so với con số đưa ra trước đó vào tháng 7, sau đó sẽ dao động quanh mức 0% trước khi tăng lên trở lại trong phạm vi 1% từ năm tới. 

Đối với thị trường tài chính trong nước, lãi suất dài hạn và giá cổ phiếu đã tăng trở lại, trong khi tỷ giá đồng won của Hàn Quốc so với USD tiếp tục đi xuống trước sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Tốc độ tăng cho vay hộ gia đình tiếp tục chậm lại, trong khi giá nhà nhìn chung vẫn ổn định, ngoại trừ thủ đô Seoul và các khu vực lân cận.

Hệ quả?

Các nhà hoạch định chính sách đã để ngỏ việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong thời gian tới. Cụ thể, BoK sẽ duy trì chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trung hạn, trong khi đặt ưu tiên cho sự ổn định tài chính. 

BoK cũng sẽ đánh giá xem có nên điều chỉnh chính sách tiền tệ với mức độ phù hợp hơn hay không và theo dõi chặt chẽ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, bất kỳ thay đổi nào trong nền kinh tế và chính sách tiền tệ của các nước lớn, xu hướng gia tăng nợ hộ gia đình và rủi ro địa - chính trị. 

Được biết, cuộc họp kế tiếp về chính sách tiền tệ của BoK sẽ diễn ra vào ngày 29/11/2019, cũng là cuộc họp cuối cùng trong năm nay và không loại trừ khả năng ngân hàng trung ương này sẽ có thêm một lần giảm lãi suất. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Goldman Sachs nhận định, BoK không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lãi suất chủ chốt vào tháng 7/2020, trừ phi Mỹ và Trung Quốc nhất trí chấm dứt cuộc chiến thương mại vào thời điểm đó.

Việc Hàn Quốc giảm lãi suất mới đây cũng như sắp tới có thể mở đường cho nhiều ngân hàng trung ương khác giảm lãi suất theo, cũng như để đón đầu việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giảm thêm lãi suất cơ bản USD vào cuộc họp cuối tháng 10 này.

Tuy nhiên, việc các quốc gia giảm lãi suất không chỉ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn được xem là chính sách để ứng phó với việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thời gian gần đây, khiến xuất khẩu của những nước này bị ảnh hưởng, nhất là đối với Hàn Quốc - quốc gia đã phải ký lại hiệp định thương mại với Mỹ trong năm 2018 và đang trong cuộc xung đột thương mại với Nhật Bản.

Mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói với nhiều chính trị gia thân cận rằng ông không tin quan hệ kinh tế Nhật - Hàn sẽ cải thiện trong ít nhất 5 năm tới. Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc đang cố gắng tìm kiếm giải pháp đối thoại cho vấn đề này. 

Dù vậy, với việc giảm lãi suất xuống mức thấp của Hàn Quốc, dòng tiền rẻ sẽ tiếp tục được bơm ra không chỉ rót vào nền kinh tế nội địa mà còn chảy vào các quốc gia khác thông qua đầu tư, giúp các nền kinh tế đón nhận luồng vốn này được lợi. 

Các thương vụ thâu tóm và sáp nhập lớn gần đây ở một số nước cũng chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các tập đoàn đến từ Hàn Quốc, trong khi những doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, cũng tăng vốn bổ sung từ các tập đoàn mẹ.