Phiên bản “SWIFT Trung Quốc” có giúp nước này giảm phụ thuộc vào đồng USD?

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Các nhà phân tích nhận định, động thái cấm một số ngân hàng Nga sử dụng hệ thống tài chính Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) có khả năng đẩy nhanh việc mở rộng hệ thống thanh toán và quyết toán xuyên biên giới của Bắc Kinh (CIPS).

CIPS được xem là một giải pháp thay thế khả thi cho SWIFT do Hoa Kỳ kiểm soát. Nguồn: Internet
CIPS được xem là một giải pháp thay thế khả thi cho SWIFT do Hoa Kỳ kiểm soát. Nguồn: Internet

Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada và Anh đã quyết định loại trừ các ngân hàng Nga nằm trong danh sách lựa chọn khỏi hệ thống tài chính SWIFT, được xem là “vũ khí hạt nhân tài chính” để trừng phạt nước này.

Trong khi danh sách các ngân hàng vẫn chưa được công bố, Trung Quốc vẫn đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến, đặc biệt là cách thức hoạt động của đồng tiền trong hệ thống SWIFT của Nga và mức độ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga. Động thái cấm các tổ chức tài chính cũng có khả năng đẩy nhanh việc mở rộng hệ thống thanh toán và quyết toán xuyên biên giới của chính Bắc Kinh, vốn đã trở nên nổi bật hơn trong bối cảnh Mỹ đe dọa tách nền kinh tế khỏi Trung Quốc vào năm 2019.

Tại Trung Quốc, hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), tạm ví như là “SWIFT Trung Quốc”, đã được ra mắt vào tháng 10/2015 để cung cấp một hệ thống thanh toán và bù trừ Nhân dân tệ quốc tế độc lập, kết nối cả thị trường thanh toán trong nước và nước ngoài cũng như các ngân hàng tham gia. Có trụ sở tại trung tâm tài chính Thượng Hải, CIPS sử dụng hơn 100 nhân viên và có vốn đăng ký trị giá 2,38 tỷ Nhân dân tệ (376,9 triệu USD) và là cơ sở hạ tầng tài chính quan trọng do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giám sát.

Trong đó, một chi nhánh của Ngân hàng Trung ương là cổ đông lớn nhất, với 15,7% cổ phần. Theo thông tin đăng ký kinh doanh do Tianyancha.com công bố, Hiệp hội các nhà đầu tư tổ chức thị trường tài chính quốc gia, Sở Giao dịch vàng Thượng Hải, Tổng Công ty đúc tiền và in tiền giấy Trung Quốc và China Union Pay mỗi bên sở hữu 7,85% cổ phần. Các ngân hàng nước ngoài cũng có cổ phần trong CIPS, bao gồm 3,92% cổ phần thuộc sở hữu của HSBC Holdings, 2,36% của Standard Chartered và 1,18% của Ngân hàng Đông Á.

Hệ thống này được tạo ra để thúc đẩy việc sử dụng tiền tệ của Trung Quốc trên thế giới, một sứ mệnh bắt đầu vào năm 2009 với trọng tâm ban đầu là giải quyết các vấn đề thương mại. CIPS cũng trở nên quan trọng hơn sau khi Bắc Kinh khởi xướng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” đầy tham vọng liên quan đến khoản đầu tư trị giá hàng trăm tỷ Nhân dân tệ của Trung Quốc ở nước ngoài.Theo phân tích trên tờ South China Morning Post, việc sử dụng đồng Nhân dân tệ đã tăng lên, sau khi được đưa vào rổ Quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2015. Tuy nhiên, tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ này không tương xứng với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 18% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Mới đây, tờ Shanghai Securities News, trích dẫn dữ liệu từ nhà điều hành hệ thống SWIFT, thông tin đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chiếm 3,2% các khoản thanh toán toàn cầu trong tháng 1, thấp hơn nhiều so với đô la Mỹ, chiếm 39,92% các khoản thanh toán, đồng Euro chiếm 36,56% và Bảng Anh là 6,3%. Còn CIPS đã báo cáo 2,68 triệu giao dịch trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng 58% so với một năm trước đó, giá trị giao dịch tăng 83% lên 64 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Sau khi CIPS ra mắt vào năm 2015, 19 ngân hàng đã ký kết vào giai đoạn một của dự án, bao gồm 11 ngân hàng Trung Quốc và 8 đơn vị đăng ký tại địa phương của các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered, Deutsche Bank, HSBC, Citi Bank, DBS Bank, Bank of East Asia, BNP Paribas và ANZ.

Vào tháng 1 năm nay, hệ thống đã có 1.280 người dùng trên 103 quốc gia, bao gồm 75 ngân hàng tham gia trực tiếp và 1.205 người tham gia gián tiếp. Nhà điều hành cho biết vào năm ngoái, những người tham gia gián tiếp ở nước ngoài chiếm 54,5% tổng số. Đáng chú ý, Standard Chartered dẫn đầu các ngân hàng nước ngoài về giao dịch CIPS vào năm ngoái.

Sự tham gia của các ngân hàng quốc tế lớn làm cho CIPS khác biệt với Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) của Nga, có khoảng 400 người dùng nhưng chỉ có hơn chục ngân hàng nước ngoài từ các quốc gia như Trung Quốc, Cuba, Belarus, Tajikistan và Kazakhstan.

CIPS được xem là một giải pháp thay thế khả thi cho SWIFT do Hoa Kỳ kiểm soát, có trụ sở tại Bỉ và Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House có trụ sở tại New York. Tuy nhiên, nó nhỏ hơn nhiều so với SWIFT, được sử dụng bởi 11.000 tổ chức tài chính trên 200 quốc gia hoặc khu vực, bao gồm gần 600 ngân hàng Trung Quốc.

Hiện tại, có nhiều sự hợp tác hơn là cạnh tranh giữa hai hệ thống. SWIFT thành lập một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn tại Bắc Kinh vào năm 2019, đồng thời thành lập liên doanh với một số chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào đầu năm 2021, bao gồm cả CIPS.

Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng, các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga sẽ là lời cảnh tỉnh đối với Bắc Kinh. Theo đó, Chen Weiguang, Luo Weibin và Liu Menglin, chuyên gia của Dongguan Securities đánh giá: “Như đã thấy từ việc Nga loại trừ SWIFT và xung đột thương mại Mỹ-Trung trong những năm gần đây, cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào SWIFT để đảm bảo an ninh tài chính”.

Còn nhà phân tích Miao Xinjun của Tianfeng Securities cho biết, mối liên hệ giữa các tổ chức tài chính quốc tế và CIPS có thể nhận được một sự thúc đẩy lớn. Các biện pháp trừng phạt nhanh chóng đối với Iran và Nga - cả hai quốc gia sản xuất dầu quan trọng có thể đẩy nhanh sự suy giảm của hệ thống đồng Đô la và tạo điều kiện cho việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.

Chủ tịch CIPS Xu Zaiyue nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông vào tháng 12 năm ngoái rằng, tổ chức này đặt mục tiêu tăng số lượng các ngân hàng trực tiếp tham gia. “Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ cung cấp dịch vụ trên toàn cầu và đặc biệt là tạo điều kiện hỗ trợ dịch vụ cho những người tham gia ở nước ngoài. Sẽ có các dịch vụ CIPS ở bất cứ nơi nào có Nhân dân tệ".