Mỹ công bố đòn trừng phạt bổ sung với Ngân hàng Trung ương Nga
Hôm thứ Hai, Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Ngân hàng Trung ương Nga.
Đòn trừng phạt bổ sung của chính quyền Joe Biden nghiêm cấm người Mỹ thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với Ngân hàng Trung ương Nga cũng như đóng băng tài sản của ngân hàng này tại Mỹ.
Các biện pháp mới cũng sẽ nhằm vào Quỹ Tài sản Quốc gia của Liên bang Nga và Bộ Tài chính Liên bang Nga.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Joe Biden, cho biết các biện pháp trừng phạt mới sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
"Chiến lược của chúng tôi đơn giản là khiến kinh tế Nga thụt lùi, chừng nào Tổng thống Vladimir Putin còn tấn công Ukraine", quan chức chính quyền Biden cho biết.
Mỹ cũng đang bổ sung ông Kirill Dmitriev, một đồng minh khác của Tổng thống Nga Putin, và quỹ đầu tư trực tiếp do ông này đứng đầu, vào danh sách trừng phạt. Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga hay còn gọi là RDIF là quỹ tài sản có chủ quyền nhưng được nhiều người cho là của ông Putin.
Quan chức này cho biết Mỹ hy vọng các đồng minh của mình sẽ thực hiện các biện pháp tương tự trong những ngày tới.
Lệnh trừng phạt được Mỹ đưa ra hai ngày sau khi Washington và đồng minh đồng ý sẽ ngăn ông Putin tiếp cận 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga – một phương án giúp ông Putin giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt.
Trong những tuần gần đây, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hàng loạt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga nhằm gây áp lực kinh tế lên Điện Kremlin.
Những động thái đó đã khiến thị trường Nga biến động. đồng rúp Nga đã giảm kỷ lục so với đồng USD, xuống còn 119.50 rúp đổi 1 USD, giảm 30% so với mức đóng cửa cuối tuần trước.
Để bù đắp rủi ro trượt giá của đồng rúp và lạm phát, đồng thời ngăn chặn các chủ nợ nước ngoài bán chứng khoán Nga, Ngân hàng Trung ương Nga hôm nay đã công bố tăng lãi suất cơ bản lên gấp đôi, từ mức 9,5% lên 20%.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết sẽ giải phóng 733 tỷ rúp (tương đương 8,78 tỷ USD) trong dự trữ để tăng tính thanh khoản trong bối cảnh người dân Nga ồ ạt xếp hàng đi rút ngoại tệ ở các cây ATM trên cả nước.
Đáng chú ý, hôm thứ Bảy, Mỹ, các đồng minh châu Âu và Canada đã đồng ý loại bỏ các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi SWIFT.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Ý, Vương quốc Anh, Canada và Mỹ cũng có kế hoạch hạn chế việc cấp hộ chiếu ưu tiên cho công dân Nga.