Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Người gửi tiền tiết kiệm không có gì phải lo

Theo Huy Thắng/chinhphu.vn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để bảo đảm an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian tới, NHNN đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể, quyết liệt để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng.

Có không ít người dân chưa nắm rõ thông tin bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông nên vội vã đi rút tiền
Có không ít người dân chưa nắm rõ thông tin bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông nên vội vã đi rút tiền

Vừa qua, do hiệu ứng tâm lý trên mạng xã hội liên quan đến một số vụ việc, có hiện tượng người dân đổ xô đi rút tiền tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: NHNN đã thông tin kịp thời trên website của NHNN khẳng định sẽ có những biện pháp nhằm tiếp tục bảo đảm hoạt động liên tục và ổn định cho SCB, đồng thời sẽ có những giải pháp, chính sách theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền tại SCB.

"Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại SCB", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Về hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh khi có một số nhân viên ngân hàng khác chào mời các khách hàng rút tiền tại SCB để gửi vào ngân hàng mình, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: NHNN đã có công điện yêu cầu tất cả chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý các trường hợp vi phạm.

‘Việc cán bộ ngân hàng thương mại vận động, lôi kéo khách hàng của SCB rút tiền gửi để gửi sang ngân hàng mình là cạnh tranh không lành mạnh, có thể tạo ra sự bất ổn cho SCB lúc này và mất an toàn chung cho hệ thống ngân hàng thương mại’, lãnh đạo NHNN cảnh báo.

Khẳng định bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: An toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong nhiều năm qua. NHNN và các bộ, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để  bảo đảm an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng. 

Thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể, quyết liệt để  bảo đảm an toàn hoạt động chung cũng như của Ngân hàng SCB; đồng thời có những biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng.

"Chúng tôi cũng mong rằng, những người gửi tiền, những khách hàng vay vốn tại SCB sẽ tiếp tục hợp tác trên tinh thần tích cực, để tạo điều kiện cho sự hoạt động ổn định, liên tục của ngân hàng trong thời gian tới", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.

Chị T.N, một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính đồng thời là khách hàng gửi tiền tại SCB chia sẻ: So với các kênh đầu tư khác như mua trái phiếu doanh nghiệp hay chứng khoán, thì gửi tiết kiệm ở Việt Nam vẫn an toàn nhất. Cá nhân chị Nhàn thường xuyên gửi tiền ở SCB vì các giao dịch viên thực hiện thủ tục nhanh chóng, thân thiện, lại có nhiều chương trình lãi suất ưu đãi.

"Hiện tại gia đình vẫn có khoản tiết kiệm 2 tỷ đồng ở SCB nhưng tôi không lo lắng, vất vả đi rút tiền bởi gửi tiền tiết kiệm ở Việt Nam theo đúng quy định luôn được bảo đảm an toàn. Ngay cả trường hợp xấu nhất thì theo quy định, ngân hàng cũng sẽ ưu tiên thanh toán cho người gửi tiết kiệm trước tiên sau đó mới đến các đối tượng, tổ chức khác. 

Tất nhiên khả năng đó lúc này cũng không thể xảy ra vì NHNN luôn bảo đảm hỗ trợ thanh khoản, không để hiệu ứng domino, họ phải giữ an toàn cho cả hệ thống ", chị N. chia sẻ.