Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thị sát tình hình bão, lụt và thăm hỏi bà con Thái Nguyên

Tuấn Thủy

Ngày 10/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Đoàn công tác đã đến thị sát, kiểm tra tình hình phòng, chống bão lụt và thăm hỏi, động viên bà con ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ tỉnh Thái Nguyên.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng thăm hỏi, động viên người dân tại nơi sơ tán.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng thăm hỏi, động viên người dân tại nơi sơ tán.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lũ khiến nước dâng cao, nhiều địa phương ngập sâu trong nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trước tình hình cấp bách, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và đoàn công tác các bộ, ngành đã trực tiếp đến thị sát tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng.

Báo cáo tình hình với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện TP. Thái Nguyên có 81 xóm, tổ dân phố của 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, trong đó có 20 xóm, tổ dân phố bị cô lập. Mực nước sông Cầu dâng cao cũng đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 8 xã ven sông ở huyện Phú Bình (gồm: Thượng Đình, Đào Xá, Bảo Lý, Nhã Lộng, Xuân Phương, Úc Kỳ, Nga My và Hà Châu). Tại TP. Phổ Yên, khu vực Phú Cốc thuộc phường Tân Phú (gồm 4 tổ dân phố: Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình Phú Cốc, Lợi Bến) với khoảng 400 hộ dân cũng bị ảnh hưởng khi mực nước sông Cầu dâng cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt vùng ven sông, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thị sát tình hình tại đập Ba Đa.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thị sát tình hình tại đập Ba Đa.

Mưa lớn còn gây ngập úng cục bộ, nguy cơ xảy ra sạt lở tại một số khu dân cư ở các xã Văn Lăng, Hóa Trung, Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Mưa to và gió giật mạnh khiến mực nước ở nhiều sông, suối trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và TP. Sông Công dâng cao, gây ngập úng cục bộ; một số xã, thị trấn và trường học bị chia cắt; nhiều hộ dân phải di dời người, tài sản… Đỉnh lũ dâng gần 28m, tương đương mức đỉnh lũ cách đây 65 năm.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực, Thái Nguyên đã và đang tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp cấp bách hỗ trợ Nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi an toàn.

Lãnh đạo các địa phương, các ngành chức năng trực tiếp đi kiểm tra tại những khu vực trọng điểm để kịp thời chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra như: Các công trình đê điều, vị trí, khu vực bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở cao; các khu vực bị ngập... 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên.

Kiểm tra đập Ba Đa - địa điểm xung yếu nhất của tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Ban Lãnh đạo Tỉnh tập trung bảo vệ an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho Nhân dân. Ngay khi nước rút, huy động lực lượng nhanh chóng làm sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ Nhân dân tu sửa nhà cửa để sớm trở lại cuộc sống bình thường. 

Đến thăm hỏi, động viên người dân bên chân đập Ba Đa, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với những khó khăn, tổn thất do thiên tai mà người dân đang phải gánh chịu, đồng thời, ân cần hỏi thăm và lắng nghe mong muốn, đề xuất của người dân để giúp người dân sớm khắc phục hậu quả sau mưa lũ để ổn định cuộc sống.

Xúc động đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cùng Đoàn công tác trực tiếp đến thăm hỏi, đại diện người dân bày tỏ sự cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã kịp thời quan tâm, động viên, chăm lo, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân trong mưa lũ. "Thiên tai là điều không ai muốn, đây là khó khăn chung, bà con sẽ cố gắng đoàn kết, nhường cơm sẻ áo để cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống", đại diện người dân khẳng định với Phó Thủ tướng.

Cũng trong sáng nay, thị sát tại phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên – khu vực bị ngập nước nặng nhất, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ban Lãnh đạo Tỉnh sớm khắc phục sự cố tuyến đường giao thông, tránh gây ách tắc cục bộ, huy động toàn bộ các nguồn lực lượng, phương tiện tham gia hỗ trợ, đảm bảo an toàn vệ sinh sau khi nước rút, tuyệt đối không để gây ra ra dịch bệnh, đặc biệt không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm tới bà con.

Hình ảnh được phóng viên ghi nhận tại đập Ba Đa.
Hình ảnh được phóng viên ghi nhận tại đập Ba Đa.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với những vất vả của các lực lượng công an, quân đội, lực lượng dân quân đã không ngại khó, ngại khổ đã chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Trong buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Tỉnh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phòng, chống bão, xây dựng kế hoạch thống nhất và nhịp nhàng nên đã hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đặc biệt, khi tiếp xúc với người dân, mọi người đều phấn khởi, cho thấy sự an tâm, tin tưởng vào Đảng và Chính quyền. 

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, sau cơn bão, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, đơn vị trong Tỉnh cần rút ra các bài học kinh nghiệm phòng, chống bão cũng như xử lý, khắc phục thiệt hại sau khi nước rút, đặc biệt là vấn đề tuyên truyền về chống bão, chắt lọc thông tin chính xác, không để xảy ra tình trạng thông tin thất thiệt trên mạng xã hội, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác chống bão, khắc phục sau bão.

"Sau khi nước rút, không được chủ quan để xảy ra tai nạn do cơ sở hạ tầng hỏng hóc, phải có cảnh báo nơi nguy hiểm, nhanh chóng tu sửa để đảm bảo an toàn cho người dân cả về sức khỏe và tính mạng; đảm bảo cho người dân có đủ lương thực, thực phẩm, nếu thiếu gạo, thực phẩm phải sớm đề xuất với Chính phủ và Bộ Tài chính để có phương án hỗ trợ kịp thời", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu cần khẩn trương khắc phục cơ sở hạ tầng, đường, trường học, bệnh viện, trạm y tế để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường và đảm bảo an toàn cho người dân khi cấp điện. Đặc biệt, quan tâm phục hồi sản xuất kinh doanh cho các nhà máy, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân trong địa bàn Tỉnh, nhất là các khu công nghiệp, khu nhà máy… để người lao động, công nhân sớm được ổn định công việc trở lại và để các nhà đầu tư an tâm, tin tưởng vào sự nỗ lực của địa phương.