Phối hợp khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội: Cần rõ trách nhiệm, mạnh chế tài

Thu Hà

Tình trạng nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm xã hội của các đơn vị sử dụng lao động đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và quyền lợi người lao động. Việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội được đánh giá là biện pháp mạnh, một công cụ hữu hiệu để thu hồi nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên trên thực tế, công tác này vẫn mang lại kết quả như kỳ vọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phối hợp với tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Trước năm 2016, bảo hiểm xã hội (BHXH) là cơ quan thực hiện việc khởi kiện các doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm. Tuy nhiên, theo Luật BHXH năm 2014, từ ngày 01/01/2016, việc khởi kiện các DN nợ bảo hiểm được giao cho tổ chức công đoàn. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thực hiện Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án; ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016 - 2020 với Tòa án nhân dân tối cao; ban hành hướng dẫn quy trình khởi kiện… Song song với việc khởi kiện, các cấp công đoàn đã gửi thông báo khởi kiện và nhắc nhở các DN thực hiện nghĩa vụ đóng tiền BHXH đang nợ. Qua đó, đã có một số DN khắc phục được số tiền nợ với cơ quan BHXH theo hình thức trả toàn bộ, trả một phần và cam kết lộ trình trả nợ.

Các cấp công đoàn ở nhiều địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Tiêu biểu như tại địa bàn TP. Hà Nội, Liên đoàn Lao động Thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động tại 260 DN; các cấp công đoàn đã phối hợp kiểm tra hơn 500 DN về thực hiện chế độ chính sách liên quan đến NLĐ và chính sách đối với lao động nữ...

Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, giải quyết vướng mắc, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Tính đến nay, tổ chức công đoàn đã nhận được 583 hồ sơ DN nợ đọng BHXH và có 75 hồ sơ công đoàn khởi kiện đã được cơ quan Tòa án thụ lý; qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức công đoàn đã có 118 đơn vị, DN trả hết nợ BHXH, có 180 DN tự giác nộp một phần số tiền nợ với tổng số tiền thu nợ đọng BHXH là 99 tỷ 673 triệu đồng.

Ngoài ra, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội phối hợp với các công đoàn cấp trên trực tiếp tổ chức 32 cuộc tuyên truyền, tư vấn về pháp luật có liên quan đến NLĐ cho khoảng 5.000 người; phối hợp với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở giải quyết tranh chấp lao động; kiện toàn, thành lập 33 tổ tư vấn pháp luật với 177 thành viên…

Theo Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và trên 32% Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức đối thoại giữa Công đoàn - Người sử dụng lao động – Công nhân lao động để nắm bắt diễn biến, tư tưởng và giải quyết kịp thời những kiến nghị liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công nhân viên chức lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Khoảng trống pháp luật

Mặc dù, Liên đoàn Lao động các cấp và ngành BHXH đã tích cực phối hợp thực hiện rà soát, lập hồ sơ khởi kiện ra tòa đối với những DN nợ bảo hiểm, nhưng trong quá trình thực hiện phát sinh rất nhiều khó khăn. Theo Điều 14, Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 quy định, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại Khoản 8, Điều 10 của Luật Công đoàn. Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, DN chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện ra tòa.

 Theo các điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động (quy định trong Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Bộ luật Tố tụng dân sự), để tổ chức công đoàn khởi kiện được và Tòa án chấp nhận thụ lý vụ án phải có giấy ủy quyền của NLĐ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả. Kể cả khi đã có đầy đủ giấy ủy quyền thì lúc đó việc tranh chấp sẽ được coi là tranh chấp cá nhân, Tòa án sẽ phải xét xử mỗi một NLĐ bị nợ BHXH là một vụ án, quá trình tham gia tố tụng tốn nhiều thời gian; việc tập hợp công nhân cũng gặp trở ngại khi mà họ đã chuyển đi làm ở những DN và địa phương khác.

Một điều vướng mắc nữa khiến việc khởi kiện DN nợ bảo hiểm gặp khó khăn đó chính là hiện nay trên nhiều địa bàn các địa phương chỉ có số ít công đoàn cơ sở có cán bộ công đoàn chuyên trách, số công đoàn cơ sở còn lại chỉ có cán bộ bán chuyên trách. Hơn nữa, không phải DN nào cũng thành lập tổ chức công đoàn cơ sở.

Ngoài lý do năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở còn hạn chế, khó có thể tham gia khởi kiện, tố tụng thì việc họ đang hưởng lương của chủ DN cũng là nguyên nhân khiến cán bộ công đoàn cơ sở không dám đại diện cho tổ chức công đoàn đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện. NLĐ thì do cần việc làm, nhận thức hạn chế và ngại va chạm nên đa số không muốn ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ DN.

Theo thủ tục, NLĐ muốn ủy quyền cho công đoàn cơ sở hay công đoàn cấp trên khởi kiện thì phải làm thủ tục xin xác nhận của UBND xã, phường hoặc cơ quan công chứng, đóng lệ phí 130.000 đồng/người. Như vậy, với những DN có hàng nghìn người bị vi phạm quyền lợi BHXH thì phải cần tới hàng nghìn lao động ủy quyền với công đoàn sẽ phức tạp. Và khi đó, việc tranh chấp sẽ được coi là tranh chấp cá nhân. Tòa án sẽ phải xét xử từng vụ việc, có nghĩa là phải thụ lý hàng nghìn vụ án nhỏ. Đây là điều bất khả thi - một số chuyên gia nhận định.

Khởi kiện được đánh giá là biện pháp mạnh, là công cụ hữu hiệu để thu hồi nợ đọng, trốn đóng BHXH. Trên thực tế, công tác này vẫn chưa được thực hiện hiệu quả và mang lại kết quả như kỳ vọng. Để tháo gỡ vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, nên điều chỉnh Điều 14 Luật BHXH năm 2014 theo hướng quy định công đoàn cấp trên cơ sở được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH và không cần NLĐ phải ủy quyền. Bởi mỗi lao động muốn ủy quyền phải trực tiếp đi cùng người được ủy quyền ra cơ quan công chứng làm thủ tục ủy quyền. Với những DN có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lao động thì để huy động từng ấy người thực hiện ủy quyền là điều rất khó khăn.

Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ đứng ra khởi kiện DN nợ đọng bảo hiểm để đòi quyền lợi cho công nhân lao động là phù hợp. Tuy nhiên, ngành BHXH là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thu - chi, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHYT, BHTN, do đó, cần xem xét, bổ sung quyền khởi kiện các đơn vị nợ đọng BHXH ra tòa đối với cơ quan BHXH, qua đó, đòi lại quyền lợi không chỉ cho NLĐ mà còn cho lợi ích của Nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội.