Phòng bệnh hơn chữa bệnh
(Tài chính) Trong một bước đi khá bất ngờ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định hạ các loại lãi suất cơ bản, trong đó có lãi suất xuống dưới 0%. Điểm khác biệt ở lần “mở” kho vũ khí chính sách tiền tệ này của ECB là giảm lãi suất không nhằm xoa dịu các thị trường rối loạn của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mà nhằm đối phó với mối hiểm họa giảm phát.
Các quyết định này phù hợp với đa số dự đoán của các chuyên gia kinh tế và chính Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng đã để ngỏ khả năng ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất hoặc đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế khác trong tháng 6 để đối phó với tình trạng giảm phát hiện nay. Lãi suất huy động âm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng cho vay lượng tiền dư thừa, qua đó khuyến khích cho vay kinh doanh và tiêu dùng.
Quyết định trên được đưa ra 2 ngày sau khi số liệu lạm phát mới của Eurozone được công bố, theo đó, tỷ lệ lạm phát năm đã giảm còn 0,5% trong tháng 5 so với mức 0,4% của tháng trước đó. Đây là mức lạm phát thấp nhất trong vòng 4 năm qua và thấp hơn nhiều so với mục tiêu của ECB là “thấp hơn nhưng gần 2%”. Chủ tịch Draghi cho biết ECB dự báo tỷ lệ lạm phát năm nay của Eurozone sẽ là 0,7% và có thể tăng lên mức 1,2% vào năm sau.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hoan nghênh những bước đi chưa từng có này của ECB nhằm đối phó với tình trạng giảm phát tại Eurozone. Người phát ngôn IMF Gerry Rice khẳng định điều này cho thấy ECB sẵn sàng sử dụng mọi công cụ tiền tệ hiện có để ổn định thị trường và ngăn chặn bóng ma giảm phát đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đánh giá cao quyết định của ECB, coi đây là bước đi thể hiện vai trò đầu tàu của thể chế này.
Các thị trường cũng phản hồi tích cực với quyết định giảm lãi suất chủ chốt của ECB. Rõ nét nhất là thị trường chứng khoán Mỹ khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn và công ty Mỹ và chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) đã đồng thời lập kỷ lục. Chỉ số Dow Jones tăng 0,59%, tương đương 98,58 điểm, lên mức 16.836,11 điểm. Cùng lúc đó, chỉ số của Sàn chứng khoán điện tử Nasdaq cũng đạt mức tăng mạnh 1,05%, tương đương 44,58 điểm, lên 4.293,23 điểm.
Đánh giá về chuyển động này của ECB, giới phân tích chung nhận định rằng hạ lãi suất là cần thiết nhằm bảo đảm quá trình phục hồi của nền kinh tế và chặn trước nguy cơ giảm phát. Về cơ bản, kinh tế châu Âu đã bước qua giai đoạn sóng gió nhất khi nhiều “mắt xích yếu” từng phải xin cứu trợ của bộ ba chủ nợ gồm ECB, EU và IMF đã rút khỏi chương trình này và bắt đầu tăng trưởng. Tuy nhiên, đây là sự phục hồi khá mong manh khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và nền kinh tế bộc lộ nhiều yếu kém. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát giảm đã làm dấy lên những quan ngại trong giới hoạch định chính sách kinh tế và các chuyên gia về một cú sốc ngoài dự kiến. Tỷ lệ lạm phát của liên minh tiền tệ này hiện chỉ ở mức 0,5%, thấp hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 2% của ECB – được coi là tỷ giá ổn định – khiến tỷ lệ tăng trưởng chi ở mức 0,2% trong quý đầu năm nay. Vì thế, cần ngăn ngừa giảm phát hơn là phải xử lý căn bệnh này.
Trong giai đoạn giảm phát, được hiểu là giá các loại hàng hóa giảm mạnh, các doanh nghiệp và người dân sẽ trì hoãn mọi kế hoạch chi tiêu để chờ đợi giá cả sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Điều này sẽ đẩy nền kinh tế vào một vòng xoáy mới của suy giảm, tăng tỷ lệ thất nghiệp. Bài học cay đắng của Nhật Bản về chữa căn bệnh giảm phát kéo dài suốt hai thập kỷ bằng chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng vẫn còn nguyên giá trị đối với châu Âu.