Phòng biến chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một bệnh lý tiến triển âm thầm và gây ra nhiều biến chứng. Việc phòng ngừa bệnh và biến chứng của bệnh là rất cần thiết và chúng ta có thể hoàn toàn thực hiện được.
Diễn biến âm thầm, giết người thầm lặng
Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì bệnh diễn biến âm thầm, ít có các biểu hiện lâm sàng, do vậy rất nhiều bệnh nhân chủ quan không theo dõi và điều trị đến khi xảy ra những biến chứng nặng nề thì đã muộn.
Tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến cơ thể bằng nhiều cách khác nhau. Thông thường, tăng huyết áp làm tăng gánh nặng cho tim và động mạch. Tim phải làm việc nặng hơn trong thời gian dài nên tim có xu hướng to ra, giãn ra và dày thành tim lên, dần dần sẽ gây ra hậu quả suy tim.
Tăng huyết áp thúc đẩy và gây ra xơ vữa động mạch. Đây là bệnh lý nguy hiểm gây ra nhiều biến chứng tim mạch (tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim…). Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ đột quỵ, ngoài ra tăng huyết áp còn có thể làm tổn thương thận, mắt.... Vì vậy, khi bị tăng huyết áp, hãy nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp có thể kiểm soát hiệu quả bằng thuốc và từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh và biến cố tim mạch do tăng huyết áp.
Các biến chứng thường gặp của tăng huyết áp
Biến chứng tim: Cấp tính (phù phổi cấp, nhồi máu cơ tim cấp…); Mạn tính (dày thành tim trái, suy vành mạn, suy tim…);
Biến chứng mạch não: Cấp tính (xuất huyết não, tắc mạch não, tai biến mạch não thoáng qua, bệnh não do THA…; Mạn tính (tai biến mạch não, tai biến mạch não thoáng qua…)...
Thận: Đái máu, đái ra protein, suy thận…
Mắt: Phù võng mạc, xuất huyết, xuất tiết võng mạc, động mạch võng mạc co nhỏ…
Biến chứng động mạch: Tách thành động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên…
Tránh các yếu tố gây bệnh
Khoảng 90 – 95% các trường hợp tăng huyết áp không tìm thấy nguyên nhân, nhưng có một số yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, các yếu tố này được gọi là yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp.
Yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được Thừa cân và béo phì: người có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 23 hoặc cao hơn; Ăn nhiều muối; Hút thuốc lá (gây co mạch và tăng xơ vữa động mạch); Uống rượu nặng và thường xuyên; Thiếu vận động (cuộc sống tĩnh lặng dễ dẫn đến thừa cân, tăng huyết áp); Stress: các căng thẳng trong cuộc sống cũng làm ảnh hưởng tới huyết áp.
Các yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh được: Chủng tộc (người Mỹ gốc Phi cơ tăng huyết áp hơn người Cancasians); Di truyền (nếu bố mẹ hoặc người ruột thịt của bị tăng huyết áp, bạn có nguy cơ bị bệnh này cao hơn); Tuổi (tuổi càng cao càng dễ bị tăng huyết áp);
Có khoảng dưới 10% số người bị tăng huyết áp tìm thấy nguyên nhân gây bệnh, các bệnh nhân này được gọi là tăng huyết áp thứ phát (THA có căn nguyên). Một số nguyên nhân gây THA thứ phát gồm có: Các bệnh lý về thận (viêm cầu thận, sỏi thận, hẹp động mạch thận…); Nội tiết (cường tuyến giáp, cường tuyến yên, u vỏ hoặc tủy thượng thận…); Bệnh lý mạch máu và tim (hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ, Takayasu…; Nhiễm độc thai nghén.
Chớ nên dừng thuốc
Việc điều trị tăng huyết áp nhằm hai mục đích: ngăn ngừa lâu dài các biến chứng; nếu đã xảy ra các biến chứng thì điều trị tích cực chống tái phát và hạn chế tối đa tiến triển của bệnh. Tóm lại, thuốc điều trị tăng huyết áp có vai trò như người gác cổng, không để cho huyết áp của bạn lên cao và gây ra tai biến.
Chính vì vậy, nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị THA là điều trị lâu dài nếu không muốn nói là “suốt đời”. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng thực hiện mới là khó, đa số các bệnh nhân không tuân thủ điều trị vì chủ quan, cảm thấy mình không có biểu hiện gì bất thường, vì e ngại các tác dụng phụ của thuốc khi dùng lâu dài hoặc vì cảm thấy dùng thuốc đều đặn hàng ngày là một việc phiền phức.
Người bệnh THA cần hiểu rằng, trong quá trình uống thuốc, chỉ số huyết áp trở về bình thường thì đó mới chỉ đạt mục tiêu điều trị và nhờ vào việc uống thuốc đều đặn hàng ngày, do vậy tuyệt đối không được ngừng điều trị, khi muốn thay đổi thuốc phải hỏi ý kiến bác sĩ.
Việc tự ngưng thuốc điều trị THA sẽ bị tái phát huyết áp ở mức như trước khi điều trị hay thậm chí còn cao hơn và đây là thời điểm thường xảy ra các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ….Người bệnh cần luôn ghi nhớ rằng THA lâu dài đã làm cho thành mạch máu yếu, xơ vữa và kém đàn hồi. Chính vì thế, khi huyết áp tăng cao đột ngột trở lại, thành mạch dễ dàng nứt vỡ, là nguồn gốc của các biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Vì vậy, dù huyết áp có bình thường, dù bạn cảm thấy khoẻ mạnh, làm việc và sinh hoạt bình thường thì vẫn phải duy trì uống thuốc đều đặn, có như vậy mới đạt được mục đích điều trị.