Phòng chống rửa tiền trong bối cảnh hội nhập và những nỗ lực của Việt Nam
Tội phạm rửa tiền không phải là tội phạm truyền thống ở Việt Nam, nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, Việt Nam là “mảnh đất” được các đối tượng rửa tiền hướng đến. Thực tế, trong những năm gầy đây cho thấy, Việt Nam xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền rất tinh vi. Để kiểm soát hoạt động này, ngăn ngừa những tác động xấu đến nền kinh tế, một trong những đòi hỏi đặt ra là cần có cơ sở pháp lý xử lý đủ mạnh…
Mỗi năm có từ 2 đến 5% GDP toàn cầu là tiền được rửa
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), mỗi năm có từ 2 đến 5% GDP toàn cầu là tiền được rửa và hành vi trốn thuế thậm chí còn có thể đẩy số liệu trên tăng vọt.
Hoạt động rửa tiền thông qua giao dịch chứng khoán, ngân hàng hay bất động sản... cũng tương tự như tài trợ khủng bố, nó có nguồn gốc từ đồng tiền “bẩn”, phi pháp và đều được liệt vào nhóm tội phạm nghiêm trọng. Tiền thu được từ những hoạt động phi pháp ở nước ngoài được chuyển đến nước thứ hai bằng “người vận chuyển”, thông qua nhà cung cấp dịch vụ công ty để lập ra các công ty danh nghĩa ở một đất nước thứ ba rồi chuyển tiền về “đầu tư”. Từ đây, tiền được chuyển trở lại nước thứ nhất.
Đánh giá về hoạt động rửa tiền, bà Anne Freestone, Tham tán (Nội vụ), Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP.Hồ Chí Minh, cho rằng, đây là một vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và là nhân tố chính thúc đẩy tội phạm có tổ chức và tài trợ cho khủng bố.
“Tội phạm rửa tiền thường thu được khối lượng ngân sách khổng lồ từ các hành vi phi pháp như buôn ma túy, buôn người và tham nhũng. Để hưởng lợi từ các hành vi đó, tội phạm thường tìm cách đưa những khoản ngân sách này vào hệ thống tài chính hợp pháp nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của chúng. Bởi vậy, ngăn ngừa việc lạm dụng các hệ thống tài chính trong nước và quốc tế sẽ có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống lại tội phạm này…”
Nhấn mạnh điều trên, bà Anne Freestone cho rằng, nếu chỉ xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội nguồn sẽ không có đủ sức răn đe khi động cơ chính của tội phạm là lợi nhuận và lòng tham.
Việt Nam tích cực ngăn chặn nạn rửa tiền
Với thói quen giao dịch tiền mặt, Việt Nam đang là điểm đến của bọn tội phạm rửa tiền quốc tế. Nhận thức rõ những tác động xấu từ các hành vi rửa tiền đến kinh tế - xã hội, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Từ tháng 5/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của APG (nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền) và cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).
Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Vện Kiếm sát nhân dân Tối cao, Tòa an nhân dân Tối cao, Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan cùng phối hợp triển khai dự án. Qua đó, dự án đã tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho hơn hàng nghìn cán bộ tại các cơ quan hành pháp và tư pháp về phòng chống rửa tiền. Cùng với đó, Viêt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống rửa tiền...
Tại Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2009, Việt Nam đã đưa vào tội danh rửa tiền tại Điều 251, tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, đồng thời góp phần tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền. Và Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia luật, vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể nên cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Còn một khoảng cách lớn cho vấn đề hoàn thiện quy định của pháp luật đòi hỏi Việt Nam phải thực thi trong thời gian tới. Nguyên nhân của thực tế này, theo các chuyên gia quốc tế, bắt nguồn từ cách tiếp cận của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động rửa tiền cũng như quy định đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng chưa tương thích với cách tiếp cận của thế giới.
Để không trở thành điểm nóng của tội phạm rửa tiền trong cách nhìn nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần hiểu chính xác và đảm bảo thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn của thế giới về vấn đề này. Quan trọng hơn là phải đảm bảo xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc và nhận được sự công nhận quốc tế về tính hiệu quả của nó trong phòng chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực của Cục Phòng, chống rửa tiền trở thành một cơ quan đầu mối thực thụ trong việc thu thập, chia sẻ và xử lý thông tin của các đối tượng báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền. Trong đó bao gồm cả các giải pháp nâng cao nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để Cục Phòng, chống rửa tiền hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, rất cần một lực lượng thực thi pháp luật được trang bị đầy đủ kiến thức, thông tin cũng như hệ thống pháp luật hoàn thiện để đấu tranh chống loại tội phạm này hiệu quả.