Phòng chống rửa tiền: Nguyên nhân và giải pháp
Rửa tiền đang là vấn nạn mang tính toàn cầu, gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh của mỗi quốc gia. Bài viết phân tích làm rõ các nguyên nhân chính hạn chế hoạt động phòng, chống rửa tiền, từ đó đưa ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động rửa tiền của các nhóm tội phạm trong nước và quốc tế.
Nguyên nhân chính của hoạt động rửa tiền
Một là, thói quen sử dụng tiền mặt của dân cư và việc không bắt buộc chứng minh nguồn gốc dòng tiền. Đây là nguyên nhân chính khiến Việt Nam trở thành mục tiêu của bọn tội phạm rửa tiền.
Hai là, tình trạng sở hữu chéo trong các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại tại Việt Nam cũng khiến việc phát hiện tội phạm rửa tiền thêm khó khăn.
Ba là, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không ngừng gia tăng cộng với việc kiểm soát kém hiệu quả việc sử dụng vốn tại các khu công nghiệp có đầu tư nước ngoài.
Bốn là, không kiểm soát được lượng kiều hối về nước. Hàng năm, Việt Nam nhận được kiều hối rất lớn, nên được đánh giá là một trong 9 nước có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất thế giới (theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2012 có tới 10,5 tỷ USD, năm 2013 có tới 11 tỷ USD, năm 2014 có tới 18 tỷ USD).
Năm là, tuy đã có Luật Phòng chống rửa tiền và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống rửa tiền, nhưng việc chấp hành luật pháp của công dân Việt Nam còn chưa nghiêm. Mặt khác, một số điều khoản của Luật Phòng chống rửa tiền còn sơ hở; các quy định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống rửa tiền chưa rõ ràng; nhiều quy định chưa được cụ thể hóa trong hoạt động của các cơ quan pháp luật nên chưa phát huy được năng lực và thẩm quyền của các cơ quan thi hành luật, làm cho bọn tội phạm luồn lách Luật Phòng chống rửa tiền ở Việt Nam.
Sáu là, Luật Phòng chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, nhưng ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống rửa tiền tại các ngân hàng thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu, còn rất lúng túng trong việc lựa chọn phần mềm hỗ trợ phòng chống rửa tiền. Nhiều ngân hàng thương mại hiện nay còn thiếu sự đào tạo nâng cao nhận thức cho nhân viên, bên cạnh đó ngân sách dành cho đầu tư công nghệ thông tin còn rất hạn chế.
Bảy là, các tổ chức tài chính và đặc biệt là ngân hàng thương mại chưa nâng cao nhận thức về công tác phòng chống rửa tiền, bằng chứng họ đã thiếu sự chú ý đến: Danh sách cảnh báo, danh sách đen, danh sách cấm vận quốc tế; những báo cáo, giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ.
Tám là, chế tài, tiền phạt đối với cán bộ và nhân viên vi phạm của các tổ chức tài chính không tuân thủ Luật Phòng chống rửa tiền tuy đã được thực hiện nhưng không thỏa đáng.
Giải pháp ngăn chặn hành vi rửa tiền
Thứ nhất, việc cho phép các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi bằng USD cũng như việc sử dụng tràn lan USD tại Việt Nam đã làm gia tăng quá trình đô la hóa. Đô la hóa sẽ làm tăng nạn rửa tiền qua ngoại tệ. Bởi vậy, cần có các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa trên thị trường tiền tệ Việt Nam.
Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng… trong việc hướng dẫn, kiểm tra chấp hành các biện pháp phòng chống rửa tiền của các tổ chức thuộc thầm quyền quản lý.
Thứ ba, cần ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm nâng cao năng lực phòng, chống rửa tiền của các ngân hàng thương mại.
Thứ tư, các tổ chức tín dụng cần xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần liên tục có chú ý và xây d ựng báo cáo tự động có thể báo cáo kịp thời trong nội bộ và cho cơ quan quản lý. Các ngân hàng thương mại phải báo cáo với Cục Phòng chống rửa tiền những giao dịch đáng ngờ và giao dịch bằng tiền mặt hoặc bằng ngoại tệ, vàng.
Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ các giao dịch đáng ngờ và các giao dịch với giá trị thanh toán lớn phải cung cấp thông tin cho Cục Phòng chống rửa tiền.
Thứ sáu, cần xử lý nghiêm và tăng chế tài, tiền phạt đối với các cơ quan tài chính không tuân thủ quy định, báo cáo giao dịch đáng ngờ, thiết lập hình phạt nặng với cán bộ và nhân viên vi phạm.
Thứ bảy, ngăn chặn rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán bằng cách yêu cầu các công ty chứng khoán phải có nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng văn bản; phải tuyệt đối tuân thủ quy tắc không tiết lộ cho khách hàng về việc báo cáo giao dịch nhằm tránh khả năng giúp người rửa tiền có thể có cách trốn tránh hoặc gây hoang mang cho các khách hàng không có mục đích rửa tiền; cần phải có hệ thống lưu trữ hồ sơ chứng khoán theo quy định của pháp luật.
Thứ tám, cần tăng cường kiểm tra các nhà hàng, sòng bạc, sàn nhảy, khu du lịch và đặc biệt là các công ty mới thành lập để tránh việc bỏ sót công ty “ma”…
Như vậy, phòng chống rửa tiền trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay là rất cần thiết và cấp bách, đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ, các cấp các ngành phối hợp chặt chẽ với nhau để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố.