Phòng chống rửa tiền trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Chống rửa tiền là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Trước vấn nạn rửa tiền xuyên quốc gia ngày càng tinh vi, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang phải đương đầu với tội phạm rửa tiền nên hoạt động phòng chống rửa tiền ngày càng trở nên cấp bách. Do vậy, trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hội nhập đa chiều, đa lĩnh vực đòi hỏi Việt Nam cần hoạch định chính sách dài hạn trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền ngày càng hiệu quả hơn.
Hoạt động rửa tiền trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng cao
Kể từ thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đến nay và các nguy cơ đến từ hoạt động rửa tiền trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng cao.
Không những thế, Khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, một trong những cam kết quan trọng của Việt Nam là dành cho các quốc gia đối tác những điều kiện thuận lợi cho dòng dịch chuyển vốn - một trong những yêu cầu cơ bản của hợp tác kinh tế quốc tế.
Hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng không ít thách thức.
Hội nhập có nghĩa là Việt Nam sẽ thu hút được một nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài và theo chiều ngược lại, dòng vốn rời khỏi thị trường Việt Nam gắn liền với hoạt động nhập khẩu hàng hóa, hoặc lợi nhuận từ kết quả kinh doanh của người nước ngoài, cũng như hoạt động đầu tư, mua sắm của người Việt Nam tại các quốc gia khác.
Nhưng vấn đề đặt ra đó là, những cơ chế kiểm soát truyền thống được dỡ bỏ trong quá trình hội nhập cũng tạo ra cơ hội cho nhiều vấn đề tiềm ẩn phát sinh, trong đó phải kể đến nguy cơ đến từ các hoạt động rửa tiền.
Trong trường hợp có sự mở rộng về quy mô của hoạt động rửa tiền vượt ra khỏi biên giới quốc gia, cơ chế quản lý riêng lẻ của từng quốc gia sẽ thất bại trước sự cấu kết chặt chẽ về mặt lợi ích của tội phạm có tổ chức hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới.
Bản thân hoạt động rửa tiền là một hành vi phạm pháp khó kiểm soát, do đó khi hoạt động này thâm nhập vào hệ thống tài chính với sự hiện diện của hệ thống các tổ chức tín dụng lại càng trở nên phức tạp cho các cơ quan quản lý để nhận diện và xử lý.
Hoạt động rửa tiền có quan hệ gắn bó chặt chẽ với các hành vi phạm pháp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, là một vấn đề được điều chỉnh bởi toàn bộ hệ thống pháp luật. Một vài ví dụ có thể kể đến như buôn lậu, mại dâm, tham nhũng, buôn bán người…
Phòng chống rửa tiền cần một cơ chế thống nhất
Ngăn chặn được tội phạm rửa tiền đồng nghĩa với khả năng hạn chế được nhiều hành vi phạm pháp luật khác trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Tính hiệu quả của việc áp dụng pháp luật trong phòng chống rửa tiền vì thế không chỉ dựa trên cơ sở của một bộ phận pháp luật đơn lẻ mà cần một cơ chế thống nhất.
Song hành với xu thế hội nhập về kinh tế toàn cầu, các cơ chế phối hợp để giải quyết vấn nạn tội phạm về rửa tiền cũng đã được thiết lập và triển khai ở phạm vi quốc tế.
Từ tháng 5/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của APG (nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền) và cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố của FATF.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn tất đợt rà soát sơ bộ của APG và đang tích cực chuẩn bị cho đợt rà soát sâu của Nhóm rà soát các vấn đề hợp tác quốc tế (ICRG).
Những khuyến nghị và đánh giá của FATF có những tác động mạnh mẽ đến dòng dịch chuyển vốn toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam thường xuyên nằm trong danh sách những quốc gia có thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền, chống khủng bố do FATF công bố.
Điều đó đồng nghĩa với các chính sách đối kháng (bất lợi cho Việt Nam) sẽ được áp dụng mà theo FATF là nhằm bảo vệ hệ thống tài chính quốc tế.
Những thay đổi về chính sách, pháp luật của Việt Nam trong thời gian gần đây về phòng chống rửa tiền đã phần nào phản ánh đúng thực tế đó. Tuy nhiên, còn một khoảng cách lớn cho vấn đề hoàn thiện quy định của pháp luật mà các khuyến nghị của FATF đòi hỏi Việt Nam phải thực thi trong thời gian tới.