Phương Tây tăng cường trừng phạt Nga: Putin không lùi bước…
(Tài chính) Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới mạnh tay hơn đối với Nga, vì cho rằng Moscow đang hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy đòi ly khai ở miền Đông Ukraine. Mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU bắt đầu phát huy tác dụng, làm cho nền kinh tế Nga lao đao, song biện pháp răn đe không khiến chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin lùi bước trong ván cờ Ukraine.
Đây là các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất mà phương Tây áp đặt lên Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Tác động ngay lập tức của các biện pháp trừng phạt bổ sung của EU là khiến cho đồng nội tệ của Nga tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Theo kênh CNNMoney, tỷ giá đồng rúp của Nga đã giảm giá trị khoảng 13% trong năm nay. Moscow đã bắt đầu cảm thấy những tổn thất về mặt tài chính mà các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây gây ra, trong bối cảnh đầu tư giảm, lạm phát tăng cao, tăng trưởng chậm hơn và giá trị tài sản sụt giảm. Các quan sát viên tại Nga cho biết, lạm phát dự kiến sẽ tăng ít nhất 1 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm. Theo một con số ước tính, có ít nhất 100 tỷ USD vốn đã thất thoát khỏi Nga, sau khi EU áp lệnh trừng phạt lên nước này. Ngày 1/9 vừa qua, Bộ Phát triển kinh tế Nga đã hạ kỳ vọng tăng trưởng từ 2% xuống còn 1% cho năm 2015. Ngân hàng Thế giới cho biết, tăng trưởng của Nga đã giảm xuống dưới 1% trong nửa đầu năm 2014. Song, theo các chuyên gia, bất kể nền kinh tế đang giảm tốc và bị tổn thương, điều đó chưa đủ để thuyết phục Tổng thống Putin từ bỏ tham vọng Ukraine.
Nếu mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU là nhằm gây sức ép lên Tổng thống Putin ngừng nhúng tay vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine thì rõ ràng phương Tây chưa thể đạt mục đích này. Thay vào đó, ngày 2/9 vừa qua, báo Guardian của Anh trích tuyên bố của Tổng thống Putin nói với các nhà lãnh đạo EU rằng, các lực lượng của Nga hoàn toàn có thể chinh phục Ukraine trong vòng 2 tuần nếu muốn. Tuy nhiên, Cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov khẳng định, tuyên bố trên của ông Putin đã bị hiểu sai khi đưa ra khỏi ngữ cảnh.
Trước đó, các nhà quan sát đã hy vọng rằng EU sẽ chỉ từng bước thắt chặt các biện pháp hạn chế đang tồn tại và đánh giá lại tác động của các lệnh trừng phạt Nga, trong bối cảnh Moscow và Kiev đạt thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, bất cứ sự trì hoãn nào trong việc đưa ra các lệnh trừng phạt tăng cường sẽ làm giảm uy tín của EU trong lĩnh vực đối ngoại. Hơn nữa, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách phương Tây không thể đồng thuận về một giải pháp quân sự, trừng phạt kinh tế vẫn là trọng tâm trong phản ứng của châu Âu trước cuộc khủng hoảng Ukraine.
Các nhà bình luận cho rằng, phương Tây đang tiến hành chiến tranh kinh tế với Nga, nhưng lại không sẵn sàng sử dụng các vũ khí gây sát thương nhất mà họ có. Cụ thể, châu Âu và Mỹ không hạn chế các công ty phương Tây xử lý trái phiếu quốc tế của Nga, hay cấm Nga sử dụng hệ thống giao dịch ngân hàng quốc tế SWIFT, mạng lưới thông tin liên lạc tối quan trọng của hệ thống ngân hàng thế giới. Điều đó cho thấy, Mỹ và EU đang áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế Nga một cách hạn chế, bởi biện pháp răn đe này có thể gây phản tác dụng lên các nền kinh tế châu Âu. Sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn nhập khẩu khí tự nhiên từ Nga có nghĩa rằng nền kinh tế của EU có thể sẽ phải gánh chịu tổn thất nghiêm trọng, nếu Moscow trả đũa bằng cách ngừng cung cấp nguồn nhiên liệu thiết yếu cho liên minh này. Mujtaba Rahman, người đứng đầu bộ phận phân tích rủi ro châu Âu của Eurasia Group cho biết, EU nên áp dụng các lệnh trừng phạt vừa phải lên Nga, để có thể tiếp tục chính sách ngoại giao với chính quyền Putin trong việc xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine.