Phương thức để vượt qua thương chiến Mỹ - Trung
Trung Quốc và Mỹ, cũng như các nước khác đều có thể duy trì mô hình kinh tế riêng của mình. Nhưng những luật lệ thương mại quốc tế cần phải ngăn cấm các chính phủ quốc gia áp dụng chính sách "bần cùng hóa nước láng giềng".
Sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc đặt ra thách thức quan trọng về mặt chính trị và chiến lược đối với trật tự toàn cầu hiện tại. Một siêu cường nổi lên tại châu Á chắc chắn đã sản sinh ra những căng thẳng địa chính trị, mà nhiều người cảnh báo có thể gây ra xung đột quân sự.
Ngay cả khi không có chiến tranh, sự cứng rắn của chế độ chính trị Trung Quốc, giữa những cáo buộc đáng tin cậy về vô số vụ vi phạm nhân quyền đã làm dấy lên những câu hỏi khó khăn cho phương Tây.
Và tiếp đó là về kinh tế. Trung Quốc đã trở thành nhà thương mại đứng đầu thế giới và đang gia tăng xuất khẩu các mặt hàng sản xuất phức tạp thống trị các thị trường toàn cầu. Trong khi vai trò kinh tế quốc tế của Trung Quốc không thể tách rời khỏi xung đột chính trị, phương Tây sẽ vẫn phải tiếp tục buôn bán với họ.
Nhưng kiểu luật lệ nào nên áp dụng với thương mại giữa các nước có sự khác biệt về hệ thống chính trị và kinh tế như vậy? Một nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm giáo sư kinh tế chính trị quốc tế của đại học Havard, Dan Rodrick cùng Jeffrey Lehman thuộc đại học New York, Yao Yang thuộc đại học Bắc Kinh đã tập hợp một nhóm các nhà kinh tế và những nhà nghiên cứu lập pháp để đưa ra những câu trả lời. Tổ công tác này vừa mới ban hành một tuyên bố chung với sự ủng hộ từ 34 học giả khác, bao gồm cả 5 nhà kinh tế đạt giải Nobel.
Việc kết nạp Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, và bản thân sự thành lập của WTO được căn cứ vào tiền đề hàm chứa rằng các nền kinh tế quốc gia bao gồm cả Trung Quốc sẽ hội tụ tại một mô hình chung giống nhau, mở ra một sự hòa nhập quan trọng (hay sâu hơn) về mặt kinh tế.
Chế độ kinh tế không chính thống của Trung Quốc, với đặc điểm là có sự can thiệp mờ ám của chính phủ, các chính sách về công nghiệp và sự tiếp diễn vai trò của các doanh nghiệp nhà nước bên cạnh thị trường, đã rất thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP và giảm nghèo. Nhưng nó khiến cho sự hòa nhập của Trung Quốc với kinh tế phương Tây trở thành điều bất khả.
Một viễn cảnh khác đang chiếm ưu thế tại Mỹ la nền kinh tế Mỹ nên tách riêng ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Điều này sẽ đòi hỏi hàng rào thương mại cao với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc và một loạt hạn chế với dòng đầu tư song phương. Điều này sẽ làm tăng nhiệt và khiến cuộc chiến thương mại của tổng thống Donald Trump kéo dài hơn.
Nhóm nghiên cứu của ông Dan Rodrick đã đưa ra một biện pháp nằm giữa sự hội tụ và phân ly. Chìa khóa là Trung Quốc và Mỹ, cũng như những nước khác có thể duy trì mô hình kinh tế của riêng mình. Thương mại và các chính sách khác nhắm vào việc duy trì (hay bảo vệ) hệ thống kinh tế của một đất nước phải được coi là hợp pháp. Không được chấp nhận là những chính sách áp dụng luật lệ của một đất nước vào nước khác (thông qua chiến tranh thương mại hay áp lực khác) hoặc cung cấp lợi ích cho nội địa chỉ bằng cách áp chi phí vào các đối tác thương mại.
Với hình thức sau, điều mà các nhà kinh tế gọi là những chính sách "bần cùng hóa nước láng giềng" (BTN - beggar-thy-neighbor) là trung tâm cần xử lý của các nhà nghiên cứu. Họ lập luận rằng các luật lệ thương mại quốc tế cần gạch đậm dưới những chính sách BTN và ngăn cấm chúng. Một ví dụ tiêu biểu là việc Trung Quốc đã từng cấm xuất khẩu các mặt hàng đất hiếm nhiều năm trước.
Một ví dụ khác, có thể đang trở nên phổ biến hơn có liên quan đến những công nghệ số, là việc đóng các thị trường nội địa với nhà đầu tư nước ngoài nhằm đạt được những lợi ích về quy mô cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ví dụ thứ 3 là những đồng tiền thường bị định giá thấp nhằm duy trì sự thiếu cân bằng về kinh tế vĩ mô (thặng dư thương mại).
Theo đó, rất nhiều những chính sách khác nhau khiến Mỹ thường xuyên phàn nàn không nên bị coi là điều đáng chê tách. Tiền trợ cấp công nghiệp và các công ty nhà nước có thể coi là một vấn đề nội địa. Trong khi nó có thể gây thiệt hại cho những công ty đặc biệt của Mỹ hay những nhà đầu tư, biện pháp mà Trung Quốc đang thực hiện không phải là việc áp dụng BTN: mặt khác về toàn thể chúng làm lợi cho phần còn lại của thế giới (với những khoản trợ cấp), hay chi phí phải chịu của nền kinh tế thì chủ yếu là nội địa phải chịu (với các công ty thuộc nhà nước).
Vì vậy, Mỹ có thể tự do áp dụng các chính sách thương mại và đầu tư để duy trì tính toàn vẹn của các hệ thống kỹ thuật và bảo vệ các cộng đồng bị ảnh hưởng bất lợi bởi nhập khẩu. Nếu lựa chọn, Mỹ cũng có thể tự cách ly khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ những chính sách của Trung Quốc, bằng cách áp dụng những hạn chế ở biên giới. Trung Quốc cũng phải nhận thức rằng chính sách tự chủ là một con đường có 2 ngã rẽ: những đất nước khác cần nó hơn Trung Quốc nhiều.
Trong khi những đề xuất của các nhà kinh tế là về mặt song phương Mỹ - Trung, nó cũng có thể dễ dàng áp dụng cho khuôn khổ đa phương và ngay cả là trong nội bộ của WTO với một vài thay đổi sáng tạo hợp pháp. Cách xử lý vấn đề như vậy được nhà kinh tế Robert Staiger đề xuất. Tuy nhiên, sự thật rõ ràng là tiến trình trên mặt trận đa phương sẽ không thể xảy ra nếu thiếu sự đồng thuận trước tiên giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Vì thế, các nhà kinh tế học nói trên coi tuyên bố của họ là bước đi đầu tiên để thực hiện điều đó.
Cũng giống như tất cả các hiệp nghị quốc tế, đề xuất của các nhà kinh tế dựa trên sự tự nguyện của các bên để tuân theo các điều khoản. Với các nhà phân tích mô hình BTN có thể là một vấn đề cần sự phân tích, vì họ cũng không ngây thơ đến mức cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ nhanh chóng và dễ dàng đồng ý một cách thực tiễn rằng đâu là BTN và đâu không phải là chính sách này.
Những tranh cãi về phạm vi và định nghĩa BTN sẽ vẫn còn dai dẳng. Kể cả như vậy, các nhà kinh tế vẫn hy vọng rằng sẽ có một khung để đạt được những kỳ vọng một cách rõ ràng nhất, tôn trọng chủ quyền kinh tế của cả hai nước, bảo vệ chống lại những lạm dụng xấu về thương mại và cho phép thu hoạch những lợi ích từ thương mại, tạo ra những động cơ cần thiết để xây dựng sự tín nhiệm chung theo thời gian.
Phương thức này sẽ đặt ra câu hỏi mở về cách Mỹ và những đất nước phương Tây cần phải phản ứng thế nào với những đàn áp chính trị và vi phạm nhân quyền mà họ cho là Trung Quốc đang mắc phải. Điều này không phải bởi những vấn đề trên không quan trọng mà còn bởi luật lệ rõ ràng về cách ứng xử trong các mối quan hệ kinh tế cần phải được lập nên, bất chấp những xung đột cần phải giải quyết lớn tới đâu.
Nếu không có một lộ trình như vậy, sự thiệt hại không chỉ nằm ở lợi ích kinh tế của Trung Quốc và Mỹ. Phần còn lại của thế giới sẽ phải trả một cái giá lớn hơn.