Quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các cơ quan, doanh nghiệp
Cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị có giải pháp để quản lý chặt chẽ công tác chuyển đổi diện tích đất được cấp làm trụ sở cơ quan, doanh nghiệp; có cơ chế, hướng dẫn cụ thể đấu thầu dự án bảo đảm minh bạch, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Trả lời kiến nghị nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP thì đối với các cơ sở nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, sử dụng thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và được xử lý theo các hình thức quy định tại Điều 7 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Theo đó, đối với nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị không có nhu cầu sử dụng hoặc dôi dư có thể thực hiện theo các hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, điều chuyển, thu hồi để giao cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thực hiện theo hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Ngoài ra, đối với nhà, đất do doanh nghiệp có vốn nhà nước quản lý, sử dụng thì được phép chuyển mục đích sử dụng đất; việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan. Trường hợp doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án đầu tư khi chuyển mục đích sử dụng đất, việc lựa chọn nhà đầu tư để liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Để đảm bảo việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp triển khai đúng quy định, tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công (nhà, đất, xe ô tô, máy móc, thiết bị) để quản lý, sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định của pháp luật; chỉ đạo đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng chưa đúng quy định (cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích…). Việc quản lý, sử dụng tài sản công sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm.
Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 14504/BTC-QLCS ngày 22/12/2021 về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác quản lý tài sản công. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; thực hiện nghiêm túc việc đăng tải thông tin đấu thầu, đấu giá, niêm yết giá khi thực hiện mua sắm, thuê tài sản, sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, bán, chuyển nhượng tài sản công, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng… theo quy định của pháp luật.
Các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao xử lý tài sản công chấp hành nghiêm quy định về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá theo quy định tại Điều 47 Luật Đấu giá tài sản, đặc biệt là giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá để khắc phục tình trạng thông đồng, dìm giá và các hành vi vi phạm khác trong đấu giá tài sản.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, việc tuân thủ quy định của pháp luật trong việc mua sắm tập trung, việc thực hiện Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.