Quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp: Vẫn lo biến tướng
Nghị định 40/2018 thay thế Nghị định 42/2014 về quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp được kỳ vọng sẽ khắc phục những lỗ hổng trong quản lý hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: Cần bổ sung một số quy định để tránh biến tướng…
Phó Trưởng phòng Xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Bộ Công thương) Phạm Văn Cao cho biết: Chính thức có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, sau hơn 10 năm, ngành bán hàng đa cấp dần trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Bán hàng đa cấp được công nhận là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam sau khi Luật Cạnh tranh ra đời vào cuối năm 2004 và Nghị định 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Trước sự phát triển của kinh doanh đa cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42 thay thế Nghị định 110.
Tuy nhiên, gần đây, những dấu hiệu vi phạm, lừa đảo và biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn như kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp… Vụ việc điển hình mới đây nhất là Công ty Modern Tech ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh với số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng và 32.000 nạn nhân…
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số quy định liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp chưa chặt chẽ, không phù hợp với thực tế. Cụ thể, Nhà nước chưa có quy định về kiểm soát giá của sản phẩm bán hàng đa cấp, lợi dụng lỗ hổng này doanh nghiệp bán giá cao gấp hàng trăm lần so với giá mua vào, gây thiệt hại cho người dân. Không chỉ có vậy, thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp mặc dù đã được quy định rất chặt chẽ tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Thông tư 24/2014/TT-BCT về quản lý bán hàng đa cấp... nhưng khi ngành chức năng như Sở Công thương phát hiện sai phạm lại không có thẩm quyền xử lý vi phạm, vì thẩm quyền thuộc Cục Quản lý cạnh Tranh (Bộ Công thương).
Bên cạnh đó, mức xử lý vi phạm cao nhất đối với doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp vi phạm quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP chỉ từ 30 - 50 triệu đồng, người tham gia bán hàng đa cấp chỉ xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng nên không đủ sức răn đe…
Khắc phục tình trạng trên, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 40, thay thế cho Nghị định 42/2014 về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp. Một trong những điểm nổi bật là những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Cụ thể, Điều 5, Chương I đã đưa ra quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp đa cấp chân chính như: Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp…
Tại Chương IV về Quản lý người tham gia bán hàng đa cấp, Điều 33 về Thẻ thành viên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm công bố công khai việc chấm dứt hiệu lực của Thẻ thành viên trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Chương IV, Điều 34 về Đào tạo thành viên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lập danh sách đào tạo viên, lưu trữ hồ sơ kèm theo, công bố danh sách trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công thương…
Như vậy, sau việc đẩy mạnh hoạt động thanh tra xử phạt những công ty núp bóng đa cấp, việc ban hành Nghị định mới tiếp tục hoàn thiện mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh đa cấp trong sạch, minh bạch.
Thiếu công cụ hỗ trợ giám sát
Đồng tình với những quy định mới, tuy nhiên tại Hội nghị phổ biến Nghị định 40/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp do Sở Công thương Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện các cơ quan chức năng như Thanh tra Sở Công thương, công an, quản lý thị trường… cho rằng, Nghị định vẫn cần bổ sung, làm rõ một số quy định liên quan đến việc thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp.
Vì theo quy định: “Trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Sở Công thương tỉnh, thành phố…” là chưa chặt chẽ, các doanh nghiệp rất dễ lách luật hoặc biến tướng theo một hình thức, theo tên gọi khác… Ví dụ, doanh nghiệp có thể đưa 9 người dự hội thảo, thay vì đưa 10 người - Và thực tế hiện nay, có tới 99% các cuộc hội thảo, hội nghị làm sai so với quy định- đại diện Thanh tra Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm trên, đại diện Công an TP. Hà Nội lưu ý: Nghị định 40/2018 mới chỉ đưa ra hình thức giám sát cũng như chế tài xử lý việc đưa người dự hội nghị, hội thảo, còn trong một số trường hợp lách luật bằng cách đưa người về tổ chức hội thảo, hội nghị ngay tại trụ sở của mình, với đội ngũ bảo vệ canh phòng nghiêm ngặt, thì việc giám sát, chế tài xử lý của ngành chức năng như thế nào, trong trường hợp này thì chưa được quy định rõ.
Nếu không có bổ sung và làm rõ, chắc chắn các công ty, doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ lách luật và biến tướng các hoạt động, mà các ngành chức năng có muốn vào thanh kiểm tra cũng rất khó có thể bắt lỗi.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Ngoan - chuyên viên Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Nội nêu thực tế: Phương thức kinh doanh bán hàng đa cấp hiện nay chủ yếu hoạt động qua việc tổ chức hội thảo, hội nghị, mà thường tổ chức cả ngày, trong khi thực tế lực lượng chức năng mỏng, không thể theo sát toàn bộ cuộc hội thảo để giám sát.
Vì vậy, nếu không có công cụ hỗ trợ như camera giám sát quá trình hội nghị, hội thảo, và quy định việc lập biên bản vi phạm sau đó (nếu phát hiện sai phạm qua ghi âm, ghi hình và camera giám sát) thì rất khó phát hiện và xử lý biến tướng do hoạt động hội nghị, hội thảo của các công ty kinh doanh bán hàng đa cấp.