Quản lý rủi ro là vấn đề cốt lõi thúc đẩy thông quan hàng hóa

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Chiều ngày 11-9, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chủ trì Hội nghị quán triệt và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về công tác quản lý rủi ro (QLRR) với sự tham gia của lãnh đạo và cán bộ công chức làm công tác quản lý rủi ro trong toàn ngành.

Quản lý rủi ro là vấn đề cốt lõi thúc đẩy thông quan hàng hóa
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: baohaiquan.vn
Đã thu thập, cập nhật hơn 28.000 hồ sơ doanh nghiệp

Trưởng Ban QLRR Tổng cục Hải quan Quách Đăng Hòa cho biết, trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã xây dựng, đưa vào vận hành ứng dụng 9 hệ thống thông tin, dữ liệu để đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan. Đồng thời, phân công, phân cấp nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện thu thập, cập nhật thông tin vào hệ thống, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin trong phạm vi toàn Ngành. Tăng cường phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan triển khai 6 Thông tư liên tịch; hệ thống thông tin một cửa quốc gia; thông tin E-Manifest; trao đổi thông tin tình báo; hợp tác trao đổi, cung cấp thông tin với cộng đồng doanh nghiệp...

Hiện nay, toàn quốc có khoảng 51.575 doanh nghiệp đang hoạt động (trên tổng số 114.820 doanh nghiệp trên hệ thống). Kết quả, toàn Ngành đã thu thập, cập nhật 28.106 hồ sơ doanh nghiệp; đánh giá tuân thủ, xếp hạng doanh nghiệp để phục vụ áp dụng chế độ chính sách và áp dụng các biện pháp quản lý đối với 74.512 doanh nghiệp; theo dõi, lập hồ sơ doanh nghiệp trọng điểm đã xác lập 200 doanh nghiệp trọng điểm cấp Tổng cục; 800 doanh nghiệp trọng điểm cấp Cục.

Toàn ngành đã xây dựng 815 hồ sơ rủi ro để chia sẻ phục vụ thiết lập tiêu chí lựa chọn kiểm tra và xác định trọng điểm trong các hoạt động nghiệp vụ, trong đó: 184 hồ sơ cấp Tổng cục và 631 hồ sơ cấp Cục Hải quan.

Về tổ chức bộ máy, lực lượng chuyên trách QLRR đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006; từng bước được kiện toàn theo mô hình 3 cấp, với 848 CBCC. Hầu hết đội ngũ này được trang bị kiến thức nghiệp vụ cơ bản về QLRR; một bộ phận trong số này đã được đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ chuyên sâu.

Ông Quách Đăng Hòa cũng cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình áp dụng QLRR còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trong đó hệ thống quy định pháp luật và quy trình nghiệp vụ về QLRR đối với các lĩnh vực giám sát hải quan, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh chưa rõ ràng, gây khó khăn đối với công chức thực hiện trong các lĩnh vực nghiệp vụ này.

Hội nghị đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp từ phía các đơn vị hải quan địa phương về nâng cao năng lực áp dụng QLRR đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó tập trung nhiều vào vấn đề tổ chức bộ máy; tăng cường công tác thu thập, phân tích, xử lý thông tin; đánh giá tuân thủ, phân loại doanh nghiệp; công tác phối hợp giữa đơn vị chuyên trách QLRR cấp cục với cấp các chi cục hải quan...

Đồng tình với những ý kiến trên, tại Hội nghị, ông Numaguchi, Chuyên gia QLRR thuộc Hải quan Nhật Bản cho rằng, trong thời gian tới, qua tham gia khảo sát tại 8 đơn vị hải quan địa phương, công tác QLRR cần tập trung giải quyết các vấn đề nghiệp vụ như xây dựng hồ sơ doanh nghiệp, xếp hạng doanh nghiệp; tăng cường năng lực cho công tác QLRR. Để làm được điều này, bản thân cán bộ chuyên trách làm công tác QLRR phải trau dồi kỹ năng kiến thức chuyên ngành; Tổng cục Hải quan cần tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, chuyên sâu về QLRR; Tăng cương hợp tác chia sẻ thông tin giữa các đơn vị Hải quan trong và ngoài nước; cải tổ bộ máy tổ chức QLRR các cấp đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa, đặc biệt là khi vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS.

Tập trung đánh giá tuân thủ của hơn 3000 doanh nghiệp

Để đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hoá hải quan trong tình hình hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường, các đơn vị trong ngành cần xác định rõ vị trí quan trọng của công tác QLRR, là vấn đề xương sống, cốt lõi trong quy trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt trên Hệ thống VNACCS/VCIS.

Việc áp dụng QLRR phải đảm bảo đúng nguyên tắc, mọi hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan Hải quan phải phân tích mức độ rủi ro và có biện pháp kiểm soát. Đồng thời, các đơn vị cần xem xét hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc áp dụng QLRR; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, đánh giá đúng thực chất về doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuế Hải quan.

Trước mắt tập trung đánh giá tính tuân thủ đối với 3.072 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 80% về kim ngạch xuất nhập khẩu, thuế). Cùng với đó, lực lượng chuyên trách QLRR cần nâng cao hiệu quả áp dụng QLRR thông quan kiểm soát phân luồng; tăng cường thông tin trước về hàng khách, hành lý xuất nhập cảnh.

Cục Hải quan tỉnh, thanh phố có trách nhiệm nghiên cứu, xác định rõ chức danh công việc, các nhiệm vụ QLRR được phân công, phân cấp đối với cấp cục và chi cục hải quan để bố trí số lượng CBCC, cùng với trình độ, kinh nghiệm chuyên môn phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QLRR trong thời gian tới.