Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ giải ngân Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2025

Thùy Linh

Năm 2025, tỉnh Quảng Nam được phân bổ hơn 1.032 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân hiện đang rất chậm, đòi hỏi các địa phương và đơn vị liên quan phải khẩn trương hoàn tất thủ tục, cam kết tiến độ và chịu trách nhiệm nếu để mất vốn.

Tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2025 tại Quảng Nam lên tới hơn 1.032 tỷ đồng. Ảnh: Internet.
Tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2025 tại Quảng Nam lên tới hơn 1.032 tỷ đồng. Ảnh: Internet.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Nam, tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2025 lên tới hơn 1.032 tỷ đồng. Con số này bao gồm cả vốn kéo dài từ các năm 2022, 2023 và 2024.

Trong đó, dự toán vốn kéo dài sang năm 2025 gần 437 tỷ đồng, còn kế hoạch vốn giao năm 2025 dự kiến hơn 595,6 tỷ đồng. Riêng nguồn đầu tư phát triển chiếm hơn 227,3 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 368,2 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/3/2025, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam phân bổ chi tiết vốn đầu tư phát triển cho các dự án, tiểu dự án của các cơ quan, đơn vị liên quan và các huyện nghèo với tổng số tiền hơn 223,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, còn lại hơn 3,7 tỷ đồng thuộc Dự án 4 không thể phân bổ chi tiết và giải ngân trong năm nay. Do đó, Sở Tài chính đề xuất nộp trả ngân sách Trung ương hơn 3,4 tỷ đồng và điều chuyển gần 267,3 triệu đồng sang các chương trình, dự án khác.

Trên cơ sở vốn được phân bổ, các đơn vị, địa phương trong Tỉnh dự kiến triển khai 111 công trình, dự án trong năm 2025. Hiện nay, 85 dự án đang thi công, 8 dự án đã hoàn tất đấu thầu, 8 dự án được phê duyệt và 10 dự án đang trình phê duyệt. Tổng số vốn đã phân bổ đạt 185,8 tỷ đồng, chiếm 83,1% trong tổng vốn đầu tư phát triển đã giao.

Về phần vốn sự nghiệp, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề nghị Sở Tài chính thẩm tra và trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Dự án 5 cho các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang và Nam Giang với tổng mức đầu tư gần 50,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, số vốn sự nghiệp còn lại là 317,7 tỷ đồng, dự kiến được rà soát và phân bổ trong tháng 3/2025 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước, phù hợp với tỷ lệ đối ứng của địa phương theo Nghị quyết số 22 của HĐND Tỉnh. Trong quá trình rà soát, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đề xuất nộp trả hơn 63,3 tỷ đồng vốn Dự án 5 do đã phân bổ đủ kinh phí.

Mặc dù kế hoạch vốn đã lên đến hơn một nghìn tỷ đồng, nhưng đến giữa tháng 3/2025, toàn tỉnh Quảng Nam mới chỉ giải ngân được 56,9 tỷ đồng - tương đương 6% tổng vốn. Trong đó, vốn kéo dài sang năm 2025 giải ngân được 41,8 tỷ đồng (tỷ lệ 10%), còn vốn giao mới năm 2025 mới chỉ giải ngân được 15,2 tỷ đồng (tỷ lệ 3%).

Nguyên nhân chính của tiến độ giải ngân chậm là do nhiều địa phương và đơn vị chưa hoàn thành thủ tục chuyển nguồn vốn từ các năm trước sang năm 2025. Bên cạnh đó, việc Trung ương chậm giao vốn sự nghiệp cũng ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với Dự án 5 hỗ trợ nhà ở. Ngoài ra, sự thay đổi chi tiết về vốn theo từng dự án, tiểu dự án so với dự kiến ban đầu cũng khiến các sở, ngành phải rà soát và điều chỉnh lại phương án phân bổ, dẫn đến mất nhiều thời gian.

Trong bối cảnh khối lượng vốn lớn và thời gian thực hiện còn lại không nhiều, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn kéo dài từ các năm 2022, 2023, 2024 trước ngày 30/4/2025; giải ngân 60% kế hoạch vốn năm 2025 trước ngày 30/6/2025 và 100% vốn năm 2025 trước ngày 31/12/2025.

Tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị được giao thực hiện các dự án khẩn trương hoàn tất thủ tục tại kho bạc để chuyển nguồn vốn kéo dài, thực hiện nghiêm túc việc đối ứng và triển khai công trình đúng tiến độ. Đồng thời, mỗi đơn vị phải xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể theo từng chương trình, danh mục dự án, kèm theo cam kết rõ ràng về tiến độ. Trong trường hợp chậm trễ hoặc mất vốn, lãnh đạo địa phương và đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm.

Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao nhiệm vụ khẩn trương rà soát lại toàn bộ nguồn vốn năm 2025 đã giao và chưa giao, đôn đốc các đơn vị liên quan hoàn tất việc phân bổ. Đồng thời, tính toán tiến trình giải ngân đến hết năm, đặc biệt là với các công trình mới trong năm 2025. Nếu có sự thay đổi về đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì phải có phương án rõ ràng để đảm bảo tiến độ không bị gián đoạn.