Tiếp tục kiểm tra, giám sát mọi nguồn lực của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững
Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát mọi nguồn lực của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi những cơ chế tài chính bất cập để cho các địa phương dễ thực hiện.

Tại Tọa đàm "Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững – Vai trò của Kiểm toán nhà nước," do Báo Kiểm toán tổ chức diễn ra ngày 25/3, ông Vũ Văn Tám - Trưởng phòng Đầu tư dự án 1 - Kiểm toán nhà nước (Kiểm toán nhà nước) chuyên ngành V, Trưởng đoàn kiểm toán Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cho biết, trong giai đoạn 2021-2022, Chương trình mới chỉ phân bổ được 9.526 tỷ đồng, chiếm khoảng 12,7% tổng kinh phí. Tỷ lệ giải ngân bình quân đạt 38,6%, trong đó vốn đầu tư đạt 43,2% và vốn sự nghiệp là 29,9%.
“Đây là mức giải ngân khá thấp so với các chương trình đầu tư công trung hạn khác," ông Tám nhấn mạnh.
Theo Trưởng phòng Đầu tư dự án 1, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân khá thấp so với các chương trình đầu tư công trung hạn khác. Thứ nhất, là yếu tố khách quan do đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai, đặc biệt trong giai đoạn đầu Chương trình. Thứ hai là yếu tố chủ quan, bao gồm việc giao vốn từ Trung ương xuống địa phương bị chậm trễ, các văn bản hướng dẫn từ các bộ, cơ quan Trung ương ban hành muộn và chưa rõ ràng cùng với quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án kéo dài.
Tại Tọa đàm, ông Phạm Hồng Đào cũng chỉ rõ những vướng mắc cụ thể mà các địa phương gặp phải, như dự án về hỗ trợ dinh dưỡng và hỗ trợ nhà ở chưa được phân bổ vốn trong năm 2022, khiến các đối tượng thụ hưởng không được hưởng lợi cộng thêm việc phê duyệt một số dự án còn dàn trải, manh mún và chậm trễ.
Trước thực trạng giải ngân chậm và những khó khăn trong quá trình triển khai, Quốc hội đã có cơ chế chính sách linh hoạt cho phép chuyển nguồn vốn phân bổ trong năm chưa sử dụng hết sang năm sau sử dụng tiếp. Cụ thể, vốn năm 2021 và 2022 (bao gồm cả vốn sự nghiệp và vốn đầu tư) nếu chưa dùng hết thì được chuyển sang năm 2023 theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội.
Đặc biệt, Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 được xem là một cú hích quan trọng, cho phép thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, từ việc phân bổ vốn từ Trung ương cho các địa phương, phân cấp phân quyền cho các địa phương và những công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thì áp dụng cơ chế đặc thù.
Ông Phạm Hồng Đào nhận định, Nghị quyết có tính đột phá khi giao quyền rất lớn cho các địa phương. Với cơ chế này, các địa phương có thể chủ động trong việc chuyển đổi vốn dự án sang dự án khác. Như, các dự án mà có khả năng giải ngân kém, địa phương có thể ưu tiên chuyển vốn cho các dự án có khả năng tốt hơn.
Trên thực tế, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác giảm nghèo, nhưng nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh cũng như những hạn chế trong năng lực của cán bộ cơ sở và tâm lý ỷ lại của một bộ phận người dân.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn lực, phát hiện sai sót, đề xuất điều chỉnh kịp thời để đảm bảo Chương trình đi đúng hướng, đạt mục tiêu và hiệu quả lâu dài.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực giám sát, đánh giá Chương trình, cũng như việc sửa đổi, rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình mới hiện nay. Theo ông, vai trò của Cơ quan Kiểm toán cần được phát huy. Vấn đề trọng tâm là phải sửa đổi, rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của cả xã hội, để làm sao cả xã hội cùng chung tay thực hiện.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước chú trọng nâng cao năng lực kiểm toán viên và ứng dụng công nghệ vào hoạt động kiểm toán. Điều này giúp phát hiện nhanh các sai sót, tiết kiệm thời gian, nhân lực và đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả, minh bạch.
Để Chương trình thực sự phát huy hiệu quả, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội, cũng như vai trò giám sát, kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước. Đặc biệt, việc áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và ứng dụng công nghệ vào hoạt động kiểm toán sẽ là những "chìa khóa" quan trọng để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
“Với vai trò Kiểm toán Nhà nước, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, giám sát mọi nguồn lực làm sao đi đúng hướng, đúng nội dung, mục tiêu của Chương trình, đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng sửa đổi những cơ chế tài chính bất cập để cho các địa phương dễ thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số", ông Tám nói.