Quảng Ngãi "chạy nước rút" giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Tính đến ngày 31/8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạt 21,6% kế hoạch vốn được giao. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn yêu cầu triển khai hàng loạt biện pháp đốc thúc đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm chưa đạt kế hoạch đề ra. Đến ngày 31/8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 21,6% kế hoạch vốn được giao.
Đáng chú ý, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 22,9% kế hoạch vốn được giao; nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân đạt 18,1% kế hoạch vốn. Ước thực hiện đến ngày 30/9/2024, giải ngân đạt 31,5 % kế hoạch vốn giao; trong đó, ngân sách địa phương giải ngân đạt khoảng 33,7%, ngân sách trung ương giải ngân đạt khoảng 25,7%.
Nguyên nhân dự án không đạt tiến độ giải ngân là do vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB chưa được tháo gỡ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Các địa phương còn lúng túng, chưa xác định được giá đất để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; nguồn thu từ quỹ đất của tỉnh đạt thấp nên không nhập Tabmis cho các dự án.
Chưa kể, các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia chưa được điều chỉnh nên chưa thể điều chỉnh kế hoạch trung hạn giữa các dự án thành phần của từng Chương trình, dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh chưa đạt kế hoạch đề ra.
Điển hình như dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi với tổng chiều dài tuyến 26,88km, được đầu tư xây dựng mới hoàn toàn và chạy song song về phía Đông với Quốc lộ 1, đi qua 11 xã, thị trấn của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, dựa trên cơ sở tiến độ công tác bồi thường GPMB, địa phương này cũng đã giao cho chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý giao thông phải lập chi tiết về tiến độ thi công công trình, đảm bảo chậm nhất đến 30/8/2025 phải hoàn thành 100% dự án để chuẩn bị các điều kiện tổ chức khánh thành, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2024, theo báo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi, dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi rơi vào tình trạng chậm tiến độ mọi mặt. Công tác bàn giao mặt bằng mới chỉ đạt 15,5%; giá trị thi công đạt gần 4 tỷ đồng/2.350 tỷ đồng, tương đương 0,17%.
Nhận diện điểm tắc nghẽn
Liên quan đến vấn đề GPMB tại dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, ông Phạm Nhật Vũ - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Quảng Ngãi cho rằng, quá trình GPMB tại dự án này thời gian qua gặp rất nhiều trở ngại do không tìm được chủ đất để bồi thường.
Theo đó, từ tháng 10/2023, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các huyện để lên phương án bồi thường cho các thửa đất bị ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm đếm, địa phương phát hiện 56 thửa đất, chủ yếu tại xã Tịnh An, thuộc TP. Quảng Ngãi không xác định được chủ thực sự.
Các thửa đất nông nghiệp này đã mua đi bán lại và sang tay nhiều chủ sở hữu. Nhiều chủ đất hiện nay cư trú khắp nơi nhưng không có thông tin liên lạc khiến công tác kiểm đếm, đền bù, GPMB gặp khó khăn.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Quảng Ngãi cho hay, sau khi rà soát nhiều nơi, từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, Trung tâm Phát triển quỹ đất Quảng Ngãi đến nay đã tìm được thông tin chủ sở hữu của 52 thửa đất.
“Hiện nay còn 4 thửa, với tổng diện tích khoảng 2.000m2 vẫn chưa tìm được chủ. Trung tâm đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau 30 ngày, chủ các thửa đất không liên hệ làm việc, Trung tâm sẽ phối hợp với các hội đoàn thể, UBND xã Tịnh An và chủ đầu tư trình UBND Thành phố ban hành quyết định kiểm đếm thửa đất vắng chủ. Đồng thời, đơn vị sẽ thực hiện bước tiếp theo để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án bồi thường, GPMB tiền bồi thường sẽ gửi kho bạc nhà nước theo quy định”, ông Phạm Nhật Vũ thông tin.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác GPMB; Đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu tiền sử dụng đất.
Các đơn vị chủ đầu tư tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án đang vướng mắc; thường xuyên đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, thường xuyên rà soát khả năng thực hiện dự án, kịp thời đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án cho phù hợp.
Ngoài ra, các cơ quan chủ trì quản lý của các Chương trình mục tiêu quốc gia phải tích cực, chủ động có ý kiến với các Bộ, ngành chủ quản các Chương trình để kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 và kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024.