Quảng Ninh hướng tới tầm nhìn ra biển

Thanh Hằng

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung phát triển các hệ thống cảng biển có sức cạnh tranh cao, có thương hiệu mang tầm khu vực và quốc tế, qua đó hướng tới trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, bền vững của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân đạt 9,02%

Sau 3 năm tích cực triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, “Về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, kinh tế biển của Tỉnh đã cơ bản phát triển toàn diện, đúng hướng, từng bước được định hình rõ nét và ghi nhiều dấu ấn phát triển vượt trội, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội của địa phương.

Quảng Ninh đang hướng tới trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, bền vững của cả nước.
Quảng Ninh đang hướng tới trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, bền vững của cả nước.

Theo thống kê của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam (Bộ Xây dựng), năm 2024 sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển Quảng Ninh đạt 149,54 triệu tấn. Trong đó, hàng khô, rời đạt 144,04 triệu tấn (chiếm 96,3%), hàng lỏng đạt 5,23 triệu tấn (chiếm 3,5%) và hàng container đạt 0,26 triệu tấn (chiếm 0,2%).

Lượng hàng chủ yếu thông qua bến phao, khu chuyển tải chiếm 80,9%, qua bến cứng chiếm 19,1%. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân giai đoạn 2020-2024 đạt 9,02%. Tỷ lệ hàng hóa thông qua bằng phương tiện thủy nội địa chiếm khoảng 50% so với tổng lượng hàng hóa thông qua cảng và chủ yếu là hàng khô.

Tính đến thời điểm hiện tại, cảng biển Quảng Ninh có 34 cầu cảng cứng với tổng chiều dài gần 7.000m. Trong đó, có 29 cầu cảng tổng hợp, rời, container, hàng lỏng, cảng khách với tổng chiều dài 5.591,2m, 5 cầu cảng nhà máy đóng tàu với chiều dài 1.371m và 186 bến phao, điểm neo đậu chuyển tải, tránh trú bão. Số lượt tàu biển đạt tăng trưởng bình quân 126,4%, trọng tải trung bình cho một chuyến tàu biển đi quốc tế là khoảng 30.000 tấn. Cảng biển Quảng Ninh cũng tiếp nhận tàu lớn nhất có trọng tải 120.000 tấn.

Bên cạnh đó, ngành Thủy sản cũng có sự phát triển toàn diện, bao gồm nuôi trồng, khai thác và chế biến. Năm 2024, toàn tỉnh Quảng Ninh có 11.252 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi biển khoảng 10.200ha, tập trung chủ yếu ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Hạ Long; mang thu nhập ổn định cho người dân. Tại TP. Cẩm Phả, hoạt động này đang tạo việc làm cho 1.500 lao động trên địa bàn; sản lượng nuôi trồng mỗi năm đạt 19.100 tấn, mang lại giá trị kinh tế gần 1.200 tỷ đồng.

Ngành Công nghiệp ven biển được thúc đẩy theo hướng bền vững với việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường, qua đó tăng cường tỷ trọng công nghiệp chế biến và chế tạo. Quy mô ngành kinh tế hàng hải ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị gia tăng của kinh tế biển. Tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng 5 năm (2019-2023) đạt 627,7 triệu tấn; bình quân đạt 124,1 triệu tấn/năm, vượt mục tiêu đến năm 2025.

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Du lịch Quảng Ninh, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành chỉ tiêu đón 19 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 3,5 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 46.460 tỷ đồng.

Hướng tới trung tâm kinh tế biển của cả nước

Với mục tiêu tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 kinh tế biển chiếm 25% tổng kinh tế của Tỉnh; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế; doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng…

Theo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam trình Bộ Xây dựng, mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Quảng Ninh sẽ đáp ứng cho lượng hàng hóa thông qua từ 137,25 triệu tấn đến 157,3 triệu tấn. Sản lượng hành khách thông qua từ 260.300 lượt khách đến 279.600 lượt khách.

Về kết cấu hạ tầng, cảng biển khu vực sẽ có từ 27 - 30 bến cảng, gồm từ 54 - 60 cầu cảng với tổng chiều dài từ 12.285 - 13.616m (chưa bao gồm các bến cảng khác). Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển đáp ứng cho hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5%/năm đến 5,3%/năm. Qua đó sẽ phát triển hệ thống cảng biển Quảng Ninh có sức cạnh tranh cao, có thương hiệu mang tầm khu vực và quốc tế. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.

Dự thảo quy hoạch cũng xác định một số dự án ưu tiên đầu tư của cảng biển khu vực như: Kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải; đầu tư xây dựng bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành. Đồng thời, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến luồng hàng hải như luồng vào các cảng khu vực Cẩm Phả và khu chuyển tải Hòn Nét cho tàu trọng tải đến 200.000 tấn; luồng Hòn Gai - Cái Lân cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Sông Chanh cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Vạn Gia cho tàu đến 20.000 tấn… đầu tư các bến cảng tại khu vực trên địa bàn sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, tạo nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng tại các cảng của Tỉnh; thu hút, kêu gọi các tập đoàn tài chính, ngân hàng mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Quảng Ninh. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, hiện thực hóa các quy hoạch và có định hướng dài hơi cho phát triển. Trong đó, chú trọng kêu gọi thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cảng biển; hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối để làm cơ sở thu hút đầu tư ngoài ngân sách; nâng cao chất lượng, dịch vụ cảng biển.

Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế; tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá thương hiệu, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới.

Tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng nhằm từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế… Qua đó đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.