Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh
(Tài chính) Sáng 11-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đây là dự thảo Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Đối với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, để tránh chồng chéo với một số luật, dự án luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật này chỉ quy định các nội dung về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đối với việc đầu tư vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội… được quy định tại Luật Đầu tư công; quản trị doanh nghiệp được quy định tại dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này không chồng chéo, trùng lặp với các luật có liên quan.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần làm rõ phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào các DN theo các hình thức đầu tư tại Điều 10 và Điều 13. đại biểu cho rằng phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập DN tại Điều 10 vẫn còn rộng và chưa thật cụ thể, khó xác định được giới hạn, danh mục ngành, lĩnh vực cần đầu tư lớn, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác, cải thiện nền kinh tế và phục vụ tái đầu tư nền kinh tế, ổn định phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ hơn những ngành lĩnh vực nhà nước phải đầu từ 100% vốn, những ngành, lĩnh vực nhà nước chỉ tham gia góp vốn những tỷ lệ vốn góp đạt tỷ lệ chi phối và những ngành, lĩnh vực nhà nước không cần đầu tư vốn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa hoặc thoái vốn nhà nước tại DN.
Về phạm vi đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với DN đang hoạt động, đại biểu thống nhất với dự thảo là Nhà nước chỉ nên đầu tư một khoản vốn điều lệ áp dụng đối với DN thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 của Điều 10 của luật này. "Với những DN khác đang hoạt động hiệu quả thì nhà nước không nhất thiết phải bổ sung vốn nếu DN không yêu cầu mà nên cho phép DN chủ động huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Làm như vậy nhà nước có thể dành nguồn vốn đó đầu tư vào các dự án, công trình quan trọng khác phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn hẹp. Như vậy vừa tạo quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ người Việt".
Có nên thành lập cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát vốn Nhà nước?
Quy định về đại diện chủ sở hữu nhà nước là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Có ý kiến cho rằng việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp tạo được đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp, đảm bảo công khai minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường trách nhiệm của cá nhân và tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Luật không quy định cứng việc thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước bởi đó là vấn đề rất quan trọng cần có sự chuẩn bị chu đáo.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đất nước đã và đang tiến hành cải cách thể chế nói chung và cải cách thể chế tài chính công nói riêng, đề nghị cần cân nhắc quy định ngay trong dự thảo luật thành lập một cơ quan chuyên trách ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.
Có đại biểu đề nghị xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản, nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung và có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý Nhà nước.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sẽ tạo được đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.
Về đầu tư ra nước ngoài của DN điều 29, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho DN trong việc đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo tính tự chủ, tự quyết của DN đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, lấy quy định theo hướng loại hình DN, phạm vi được đầu tư ra nước ngoài và ngược lại, DN nào không được đầu tư ra nước ngoài.
Về giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thể hiện tại Chương 7, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, đặc biệt trong bối cảnh nhiệm vụ tái cơ cấu nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước.
Đại biểu cơ bản nhất trí với các quy định của dự thảo luật này, nhưng đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn phạm vi nguyên tắc giám sát, kiểm tra, thanh tra phải nghiêm túc tuân thủ theo các quy định của pháp luật và phải bảo đảm tính khách quan, chính xác, kịp thời, công khai minh bạch; xây dựng cơ chế nhằm tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa chủ sở hữu, cơ quan tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trong khâu giám sát, kiểm tra, thanh tra tránh trùng lặp về phạm vi, nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra, thanh tra giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Đồng thời nghiên cứu luật hóa các quy định dưới luật về hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra đã được quy định trong các văn bản và thực tiễn đã được áp dụng vào các điều khoản.
Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội
Tiếp thu một số ý kiến đề nghị tăng cường vai trò của Quốc hội đối với việc giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý quy định như tại Điều 55 của dự thảo Luật nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc giám sát hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời quy định cụ thể hơn về kiểm tra, thanh tra của Chính phủ; giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu; giám sát nội bộ của doanh nghiệp như tại các điều 56, 57 và 58 của dự thảo Luật.
Về cơ chế giám sát công khai, minh bạch để đại biểu Quốc hội và người dân giám sát, dự thảo Luật đã quy định về việc báo cáo, công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp tại Điều 60 và Điều 61 của dự thảo Luật. Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm lập, nộp báo cáo và đăng tải công khai, kịp thời trên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp các báo cáo, thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, công khai trong doanh nghiệp để người lao động, các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân cùng biết để giám sát. Dự thảo Luật cũng quy định báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật.
Bổ sung quy định về quyền doanh nghiệp được từ chối những cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 44 của dự thảo Luật về quyền, trách nhiệm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, theo đó Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có quyền từ chối việc giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan, tổ chức thực hiện không đúng quy định của pháp luật.